Đằng sau đe dọa dùng 'thanh gươm hạt nhân' của ông Putin trong xung đột Ukraine
Đã lâu lắm rồi, thế giới mới lại chứng kiến lời 'cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân' từ một nhà lãnh đạo hàng đầu.
Đây chính là cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi khẳng định ông có sẵn vũ khí để đáp trả các biện pháp quân sự nhằm ngăn chặn chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Dù đây có thể chỉ là lời đe dọa cứng rắn của Tổng thống Putin, song lại rất được chú ý bởi nó gợi lên viễn cảnh về một kết cục tồi tệ cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Quyết định đầy tham vọng này của Tổng thống Putin có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu có những tính toán sai lầm.
Trong phát biểu trước khi tuyên bố tấn công Ukraine vào sáng sớm ngày 24/2, Tổng thống Putin nói: “Với các vấn đề quân sự, kể cả sau khi Liên Xô tan rã và mất đi một phần đáng kể sức mạnh của mình thì nước Nga ngày nay vẫn là một trong những cường quốc hạt nhân mạnh nhất”.
Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga có lợi thế nhất định về các loại vũ khí tối tân: “Trong bối cảnh này, không ai có thể hoài nghi về việc bị đánh bại và hậu quả đáng quan ngại với bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào khi muốn tấn công trực tiếp vào Nga”.
Với lời cảnh báo về khả năng “đáp trả hạt nhân”, Tổng thống Putin đã làm dấy lên một viễn cảnh đáng lo ngại rằng diễn biến chiến sự hiện nay tại Ukraine có thể chuyển thành một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Những người từng sống trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh dường như đã quen thuộc với “kịch bản của Ngày tận thế”. Đây là thời kỳ mà mọi đứa trẻ tại Mỹ được hướng dẫn phải trú ẩn dưới bàn học như thế nào khi có còi báo động hạt nhân.
Thời kỳ này đã qua đi sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tàn rã của Liên Xô. Thế giới đã gần như quên đi “kịch bản của Ngày tận thế” khi hai cường quốc hàng đầu Nga-Mỹ cùng đi trên con đường giải trừ quân bị và hướng tới thịnh vượng.
Từ sau năm 1945 đã không còn quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân và không ai còn muốn chứng kiến thảm kịch Hiroshima và Nagasaki, vốn luôn được nhắc đến như tội ác chống lại loài người. Đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn đặt câu hỏi liệu thảm kịch này có đáng không?
Những năm gần đây, khi nhắc đến vũ khí hạt nhân thế giới đã chứng kiến những nỗ lực đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên. Song hiện nay, cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy mối nguy cơ rõ ràng hơn.
Nguy cơ rõ ràng hơn
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và NATO khi nguy cơ tấn công Ukraine manh nha xuất hiện. Ngay từ đầu, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định: “NATO sẽ không đưa quân tới Ukraine vì điều này có thể gây ra giao tranh trực tiếp giữa Mỹ và Nga, đồng thời dẫn đến leo thang leo thang hạt nhân và có thể là Chiến tranh thế giới thứ ba”.
Đây cũng có thể hiểu như một tuyên bố ngầm rằng Mỹ sẽ không sử quân đội, thay vào đó là những biện pháp trừng phạt hà khắc để “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga. Điều này có thể thấy rõ trong tuyên bố mới nhất sáng 25/2 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ông Zelensky đã lần thứ 2 chỉ trích các đồng minh phương Tây “bỏ rơi” Ukraine và chỉ đứng từ xa để quan sát cuộc chiến của Nga.
“Từ hôm qua, Nga đã hứng chịu các trừng phạt, nhưng điều này là không đủ để khiến Nga rút quân khỏi Ukraine. Trong sáng nay (25/2), chúng tôi tiếp tục đơn độc, tự bảo vệ chính mình. Giống như ngày trước đó, hầu hết các cường quốc trên thế giới chỉ đứng nhìn từ xa”, Tổng thống Ukraine nói.
Thực tế này cho thấy, Ukraine vẫn phải “tự lực cánh sinh” khi đối đầu Nga bởi nước này không phải là một thành viên của NATO và không đủ điều kiện để được bảo vệ dưới “chiếc ô hạt nhân” của khối quân sự này.
Diễn biến chiến sự sẽ theo một hướng khác nếu Nga thực sự tấn công một thành viên của NATO. “Đây sẽ là tình huống khác bởi các nước thành viên có cam kết bảo vệ lẫn nhau”, Tổng thống Biden nói.
Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng, việc Tổng thống Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân, thậm chí còn nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình, có phải là mạo hiểm?
Bài viết của phóng viên kỳ cựu của AP tại Đông Âu John Daniszewski cho rằng, động thái của ông Putin có thể mang mục đích khiến cho phương Tây mất cân bằng và ngăn cản các nước này có hành động gây hấn để bảo vệ Ukraine.
Sâu xa hơn, dường như Tổng thống Putin muốn thế giới thấy rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh. Sau bài phát biểu của Putin, các quan chức Lầu Năm Góc chỉ im lặng trước ngụ ý về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp vào Ukraine.
Sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng ở châu Âu là mối quan ngại khôn lường của Mỹ. Đây là lý do khiến Washington đã cố gắng trong nhiều năm, nhưng không thành công, để thuyết phục Moscow đàm phán về giới hạn đối với cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến lược.
“Thật trùng hợp, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một cuộc Đánh giá Thế trận Hạt nhân - một nghiên cứu về những thay đổi có thể xảy ra đối với các lực lượng hạt nhân của Mỹ và các chính sách chi phối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khi kế hoạch đưa quân đội của Nga tới gần Ukraine đạt đến giai đoạn khủng hoảng trong tháng này. Và sau khi Nga tấn công Ukraine, liệu Mỹ có làm lại đánh giá này”, John Daniszewski viết./.