Đằng sau động thái hạ lãi suất tiền gửi của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc

Việc cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại quốc doanh trong tuần rồi được xem là tín hiệu để Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) sớm cắt giảm lãi suất từ tuần này. Điều này có thể làm nhân dân tệ mất giá hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay, mọi chú ý đang đổ về Thống đốc Dịch Cương với nghi vấn thống đốc sẽ nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ hay 5 năm đang chỉ dấu quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế trong bối cảnh địa chính trị Mỹ – Trung xấu đi.

Quyết định hạ lãi suất tiền gửi lần này được đưa ra sau khi hàng loạt ngân hàng khu vực hạ lãi suất huy động vào tháng 4. Lần cuối cùng các ngân hàng lớn của nhà nước đồng loạt giảm lãi suất huy động là vào tháng 9-2022.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt cắt giảm lãi suất tiền gửi hôm 8-6 sau khi điều chỉnh lãi suất hồi tháng 9-2022. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt cắt giảm lãi suất tiền gửi hôm 8-6 sau khi điều chỉnh lãi suất hồi tháng 9-2022. Ảnh: Reuters

Giảm tỷ lệ thất nghiệp quan trọng hơn cả

Các ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc đã đồng loạt cắt giảm lãi suất tiền gửi hôm 8-6 nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế khi các động lực tiêu dùng đang hồi phục chậm. Theo CNBC, trang web của sáu ngân hàng thương mại nhà nước đều hiển thị lãi suất tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng nhân dân tệ được cập nhật là 0,2%, giảm từ 0,25% vào năm ngoái.

Lu Ting, chuyên gia chính về kinh tế Trung Quốc thuộc hãng Nomura International, cho rằng: “Đây là một tín hiệu cho việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương”. Dự kiến PBoC sẽ công bố lãi suất cơ sở cho vay trung hạn vào ngày 15-6 sắp tới, trong khi lãi suất cơ bản cho vay dự kiến được công bố vào ngày 20-6. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã không điều chỉnh hai loại lãi suất này trong hơn chín tháng qua, kể từ tháng 8-2022.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), một trong bốn ngân hàng quốc doanh hàng đầu đã hạ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn xuống 5 điểm cơ bản. Lãi suất tiền gửi hai năm đã bị cắt giảm 10 điểm cơ bản, trong khi tiền gửi 3-5 năm đều bị cắt giảm 15 điểm cơ bản.

Lãi suất tiền gửi thấp hơn có nghĩa là các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận cao hơn. Ngân hàng sẽ có nhiều nguồn lực hơn để giảm lãi suất cho vay mua nhà và tài chính doanh nghiệp.

PBoC định vị lãi suất cơ bản cho vay là lãi suất chính sách thực tế. Nhà kinh tế Lu dự đoán ngân hàng trung ương sẽ hạ điểm chuẩn xuống 10 điểm cơ bản trong tháng này, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái. Hãng môi giới chứng khoán CITIC Securities cho rằng PBoC có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm nay.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc sau khi chính quyền chấm dứt chính sách “zero Covid” từ tháng 1 vừa rồi. Nhưng các dấu hiệu của sự phục hồi chững lại đã xuất hiện kể từ đầu tháng 4. Số liệu của Hải quan Trung Quốc công bố tuần rồi cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5 – lần đầu tiên sau ba tháng.

Các chỉ số kinh tế đáng lo ngại đã làm dấy lên suy đoán về một động thái nới lỏng của PBoC. Nhưng sự biến động của đồng tiền Trung Quốc lại là một mối lo ngại cạnh tranh.

Đồng nhân dân tệ đang giao dịch quanh mức 7,1 đổi một đô la, mất giá đến mức chưa từng thấy kể từ tháng 11 năm ngoái. Việc PBoC nới lỏng chính sách có nguy cơ làm suy yếu đồng nhân dân tệ hơn nữa và làm tăng chi phí nhập khẩu tài nguyên.

Động thái hạ lãi suất tiền gửi của các ngân hàng nhà nước lớn có thể nhằm thúc đẩy các công ty lớn chuyển tiền gửi sang đầu tư. Vào cuối tháng 4, tổng chênh lệch giữa tiền gửi và khoản vay tại tất cả các ngân hàng Trung Quốc lên tới 47.000 tỉ nhân dân tệ (6.590 tỉ đô la). Số tiền này đứng thứ hai sau mức cao lịch sử được ghi nhận vào tháng 3. Lãi suất cho vay với các doanh nghiệp lớn đã giảm xuống mức thấp nhất là 2%, thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài hơn.

Lãi suất thấp hơn giúp các doanh nghiệp có nhiều động lực hơn để vay. Việc cắt giảm lãi suất tiền gửi khiến mọi người giữ tiền trong ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn và về mặt lý thuyết sẽ mang lại cho họ nhiều động lực hơn để chi tiêu.

Theo một khảo sát của PBoC, trong quí đầu năm 58% người gửi tiền hộ gia đình cho biết họ muốn tiết kiệm hơn là chi tiêu hoặc đầu tư. Đó là mức thấp nhất trong một năm.

Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng lãi suất huy động thấp hơn sẽ ngay lập tức chuyển thành chi tiêu nhiều hơn.

Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại hãng quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nói với CNBC trong một email rằng “việc cắt giảm có tác động tích cực nhưng không có khả năng thúc đẩy đáng kể chi tiêu hộ gia đình”.

“Vấn đề quan trọng hơn là giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các hộ gia đình có niềm tin mạnh mẽ hơn vào công việc của họ sẽ chi tiêu nhiều hơn,” Zhang nói.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4 với hơn 20%. Trung Quốc chuẩn bị công bố doanh số bán lẻ và dữ liệu thất nghiệp cho tháng 5 vào ngày 15-6 sắp tới.

Thống đốc Dịch Cương dự kiến sẽ về chấm dứt vai trò tại Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa vào tháng 3-2023 khi quá tuổi về hưu. Vai trò quyền lực kéo dài của ông phản ánh căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ. Ảnh: Reuters

Thống đốc Dịch Cương dự kiến sẽ về chấm dứt vai trò tại Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa vào tháng 3-2023 khi quá tuổi về hưu. Vai trò quyền lực kéo dài của ông phản ánh căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ. Ảnh: Reuters

Bao giờ Thống đốc Dịch Cương nghỉ hưu?

Lẽ ra Thống đốc Dịch Cương đã nghỉ hưu đầu tháng 3 sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm như thông lệ và khi tuổi ông vượt quá 65. Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là đến giờ ông vẫn giữ vai trò lèo lái chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy vậy, vào những lúc dầu sôi lửa bỏng thế này, PBoC có vẻ án binh bất động.

Một lời giải thích khả dĩ có thể được tìm thấy trong việc đồng nhân dân tệ trượt xuống. Đà trượt giá rõ ràng này không được hoan nghênh trong môi trường địa chính trị Mỹ – Trung hiện nay, đặc biệt là khi Bộ Tài chính Mỹ sẽ sớm công bố báo cáo nửa đầu năm về thao túng tiền tệ.

Đồng nhân dân tệ trượt giá phản ánh mối lo ngại của các nhà đầu tư rằng sự phục hồi của Trung Quốc kém mạnh mẽ và khiến Thống đốc Dịch Cương và cộng sự gặp chỉ trích.

Một mặt, ngân hàng trung ương càng đứng yên khi giá tiêu dùng và giá nhà máy giảm xuống mức âm, thì PBoC càng có thể làm trầm trọng thêm tâm lý thúc đẩy giảm phát. Mặt khác, gia tăng đà kích thích kinh tế có thể đẩy nhanh sự suy giảm của đồng nhân dân tệ và khuyến khích các ngân hàng cho vay dễ dãi và rủi ro hơn.

Ngoài ra, bất kỳ sự sụt giảm nào nữa trong tỷ giá hối đoái của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kỳ bầu cử năm 2024 tại Mỹ. Khi các cuộc tranh cử tổng thống và quốc hội nóng lên, tâm lý bài Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi mà hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý.

Đồng nhân dân tệ càng giảm, các nhà phát triển bất động sản và những con nợ lớn khác càng khó thanh toán các khoản nợ bằng đô la. Bất chấp các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho mảng bất động sản, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn có vẻ chưa ổn định và đi vào quỹ đạo phát triển mà nhà chức trách mong muốn.

Điều mọi người chờ đợi lúc này là chính sách hay gói kích thích mới. Trong một lưu ý gần đây cho khách hàng, nhà kinh tế Hui Shan của Goldman Sachs đã viết: “Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là liệu chính phủ Trung Quốc có kích thích nền kinh tế hay không. Câu trả lời của chúng tôi là có (đối với các khu vực mục tiêu) và không (đối với các gói kích thích lớn trên diện rộng)”.

PBoC thực sự đã chuyển hướng thanh khoản có mục tiêu ở vài lĩnh vực trong những tuần gần đây. Chính phủ đã giảm thuế cho các đại công ty bất động sản trong những tuần gần đây nhằm ngăn chặn thị trường sụp đổ. Hôm 2-6, chính phủ ra tín hiệu về thúc đẩy doanh số xe điện và gia hạn miễn thuế.

Chống lại rủi ro giảm phát là công việc của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, hai nhà kinh tế Johanna Chua và Yuanliu Hu của Citigroup đã lưu ý rằng PBoC có thể e ngại về việc tung ra các gói kích thích mới vì một số lý do.

Một là lo lắng về việc đổ thêm dầu vào căng thẳng Trung – Mỹ vào thời điểm đặc biệt khó khăn. Một nguyên nhân khác có thể là ký ức về hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi việc nới lỏng mạnh mẽ của PBoC đã gây ra bong bóng tài sản lớn.

Do đó, các nhà phân tích nói rằng “sẽ có sự thiên vị chính sách”. Nhìn về phía trước, họ lập luận: “Cần có một cách tiếp cận toàn diện và các nỗ lực chính sách phối hợp để ổn định thị trường nhà ở và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp nếu các nhà chức trách muốn phá vỡ vòng xoáy phi lạm phát/giảm phát”.

“Rất ít người ở Trung Quốc miễn cưỡng để vuột cơ hội thay thế Thống Đốc Dịch Cương khi năm 2023 trở nên tồi tệ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, sự im lặng kỳ lạ hiện nay tại trụ sở PBoC có thể sẽ khiến người ta hối tiếc”, nhà bình luận William Pesek nhận định trong bài bình luận trên Nikkei Asia.

Có thể hiểu rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ không có thay đổi lớn đến hết tháng 11-2024 sau khi kỳ bầu cử ở Mỹ kết thúc.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dang-sau-dong-thai-ha-lai-suat-tien-gui-cua-cac-ngan-hang-quoc-doanh-trung-quoc/