Đằng sau lợi nhuận bất thường, DN lớn 'cực chẳng đã' phải bán tài sản vượt khó
Nhiều doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, công ty con để có dòng tiền và vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh thanh khoản kém và doanh thu tụt giảm khi cả ngành rơi vào tình trạng đình trệ.
Bán tài sản trăm tỷ
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu sụt giảm 167 lần so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phát Đạt bất ngờ ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt gần 276 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Phát Đạt có lãi sau thuế là 299,7 tỷ đồng, hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Sở dĩ có lợi nhuận ấn tượng là do Phát Đạt đã chuyển nhượng công ty liên kết. Đây chính là nguyên nhân doanh thu tài chính tăng đột biến từ 829 triệu đồng cùng kỳ năm trước lên gần 532 tỷ đồng trong quý II/2023.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Phát Đạt cho biết, do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi.
Trong cảnh tương tự, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch hồi giữa tháng 6/2023 đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Matec (quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của HBC) để bổ sung nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Trước đó một tháng, HBC cũng có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình.
Nhờ hoạt động bán tài sản, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng hơn 12 lần, từ mức gần 45,2 tỷ đồng lên hơn 546,3 tỷ đồng. “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh” trên thực tế lỗ gần 68 tỷ đồng và được bù đắp bởi “lợi nhuận khác” hơn 653 tỷ đồng nhờ thanh lý và chuyển nhượng tài sản cố định vật tư phế liệu.
Lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn trong hơn một năm qua, giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản và xây dựng khác khi thị trường nhà đất trầm lắng kéo dài, không có mấy dự án khởi công mới. Giải ngân đầu tư công cũng rất thấp, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất chậm.
Việc thanh lý tài sản cố định đã giúp Hòa Bình có lãi ròng trong quý II. Nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, tiền thu từ thanh lý, bán tài sản cố định trong kỳ bằng 0. Như vậy, dòng tiền thu về từ thanh lý tài sản chưa phát sinh, không loại trừ việc thanh toán có thể được trả chậm hoặc bù trừ công nợ.
Bước đi sống còn để tồn tại
Không chỉ PDR hay HBC, nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản, công ty con. Dệt may Thành Công (TCM) cũng vừa thông qua việc thoái vốn đang nắm giữ tại Công ty Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAV).
Trong quý II/2023, Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng bán vốn tại một số công ty con, trong bối cảnh doanh thu lợi nhuận giảm mạnh. Trong quý I, CII mới thực hiện được gần 15% kế hoạch doanh thu và gần 2% mục tiêu lợi nhuận năm.
Hồi tháng 3, một tập đoàn bất động sản lớn bậc nhất nước đã bán toàn bộ vốn góp 11.400 tỷ đồng tại 2 công ty vừa thành lập trước đó một thời gian ngắn.
Có thể thấy, thị trường bất động sản lao dốc từ 2022 và tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Cả cung, cầu đều sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản chìm trong khó khăn.
Chia sẻ về nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp để vượt qua khó khăn giai đoạn vừa qua, lãnh đạo Bất động sản Phát Đạt cho biết, ngay từ khi khủng hoảng bắt đầu manh nha, doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá toàn diện về tình hình hoạt động. Mục đích chính là giữ vững nền tảng doanh nghiệp và giải quyết tức thời những áp lực trước mắt như tất toán các khoản vay và trái phiếu để giữ uy tín với trái chủ, nhà đầu tư và cổ đông...
Phát Đạt đã lựa chọn giải pháp tài chính tối ưu, tái cấu trúc danh mục đầu tư, xác định dự án và sản phẩm ưu tiên, có tiềm năng hấp thụ cao từ thị trường. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức và vận hành, công ty cũng đưa ra giải pháp quyết liệt để tinh gọn, đa nhiệm và hiệu quả hơn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Với lợi thế sở hữu quỹ đất lớn, Phát Đạt đã chia nhóm các dự án theo thị trường, theo phân khúc, theo thời gian thực hiện. Vì thế, khi thị trường rơi vào khó khăn, Phát Đạt vẫn chủ động được các kế hoạch đã đề ra. Công ty vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng các bước để triển khai dự án khi thị trường ấm lên. Đây là giai đoạn Phát Đạt tập trung vào việc nâng cấp nội lực và hoạch định những chiến lược mới để phù hợp với diễn biến của thị trường.
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund, cho rằng, việc bán tài sản của một số doanh nghiệp là bước đi sống còn để tiếp tục tồn tại. Dù muốn hay không thì khi rơi vào tình trạng khó khăn tột đỉnh, các chủ doanh nghiệp phải xoay bằng mọi cách để tiếp tục duy trì.
Như trường hợp PDR, họ gần như không bán được bất kỳ sản phẩm nào trong quý II, doanh thu chỉ vọn vẹn 5 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án đã bán và ghi nhận doanh thu chứ không phải bán mới.
Theo ông Vicente Nguyen, một doanh nghiệp mà chỉ có chi, không có thu thì khó có thể tồn tại lâu dài được. Cách duy nhất để tiếp tục chính là bán tài sản, “bán máu” để tiếp tục sống. Trường hợp sau khi bán mọi thứ mà vẫn không thể cải thiện, nợ vẫn còn, doanh thu không có, mất luôn tư liệu sản xuất, dự án tạo doanh thu thì các doanh nghiệp đó sẽ khó mà sống sót.
Trường hợp các doanh nghiệp cơ cấu thành công, bán tài sản và trả được nợ, bắt đầu kinh doanh lại được thì đó coi như là sự thành công lớn. Do đó, việc bán tài sản không những là một quyết định đúng đắn mà đúng hơn đó là quyết định duy nhất có thể làm được. Dù muốn hay không muốn, sai hay đúng cũng phải thực hiện để tiếp tục duy trì và tồn tại. Tồn tại được thì mới nói tới đúng hay sai, ông Viciente Nguyen nhấn mạnh.
Việc bán tài sản là một quyết định không mong muốn nhưng được xem là hoàn toàn đúng đắn, mà bất cứ doanh nghiệp nào khi gặp khó khăn cũng phải giải quyết.
Như Phát Đạt, với lịch sử phát triển gần 2 thập kỷ, doanh nghiệp này đã từng trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, bài học mà Phát Đạt rút ra đó là sự chủ động và quyết liệt trong hành động. Trong khó khăn, chỉ cần hoảng sợ hoặc đưa ra quyết định chậm là mọi chuyện có thể đi rất xa và mất kiểm soát.
Phát Đạt luôn có các kịch bản để ứng phó với khó khăn. Tuy nhiên, không có cuộc khủng hoảng nào giống với cuộc khủng hoảng nào và đôi khi mọi kịch bản đều trở nên vô hiệu. Phát Đạt đặt mục tiêu đạt được sự chủ động để có thể tách mình ra khỏi vòng xoáy của khủng hoảng. Thay vì phải chờ đợi hoặc phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, Phát Đạt luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để có thể “ứng phó” với khó khăn.
Còn theo chuyên gia Viciente Nguyen, trong bối cảnh khó khăn vẫn còn chồng chất, nền kinh tế trong nước còn yếu, kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn thì các doanh nghiệp cần có biện pháp phòng thủ vững chắc. Giảm nợ vay, tiết giảm chi phí, bán bớt dự án, tài sản kém hiệu quả để cơ cấu nguồn vốn.
Nhưng trong khó khăn, đó cũng là thời cơ của các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, không có nợ vay hoặc nợ vay ít, sức chịu đựng cao, dòng thu ổn định.
Các doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh thu gom dự án tốt với giá rẻ và chờ đợi hồi phục vì chẳng có khó khăn nào vĩnh viễn, chẳng có khủng hoảng nào mãi mãi, tất cả rồi cũng qua.
Khi vượt qua rồi thì các doanh nghiệp này sẽ có vị thế tốt để vươn lên, mở rộng thị phần.