Đằng sau mâu thuẫn chia rẽ gia tộc cầm quyền ở Syria

Mối quan hệ thù địch giữa Tổng thống Bashar al-Assad và người em họ, 'ông trùm' doanh nhân Rami Makhlouf, đang phơi bày tình trạng thảm họa tài chính của đất nước đã bị chiến tranh tàn phá suốt một thập kỷ này.

Mâu thuẫn giữa Tổng thống Assad (trái) và người em họ quyền lực về kinh tế, Makhlouf là rạn nứt công khai đầu tiên trong dòng tộc kể từ sau vụ đảo chính bất thành thập niên 1980.

Mâu thuẫn giữa Tổng thống Assad (trái) và người em họ quyền lực về kinh tế, Makhlouf là rạn nứt công khai đầu tiên trong dòng tộc kể từ sau vụ đảo chính bất thành thập niên 1980.

Vào một buổi chiều tháng Bảy nóng nực cách đây 20 năm, Rami Makhlouf đứng trong một chiếc lều cắm giữa quảng trường trung tâm ở Damascus, ca ngợi những phẩm cách tốt đẹp của người anh họ, Bashar al-Assad. Vài ngày sau, một cuộc trưng cầu dân ý đã chính thức đưa ông Assad trở thành Tổng thống Syria, thừa hưởng quyền lực từ người cha.

Từ người bảo vệ thành kẻ tội đồ

Còn giờ đây, Makhlouf đang gặp rắc rối với pháp luật và dường như không thể trực tiếp tiếp cận người anh Assad, nhà lãnh đạo từng đưa doanh nhân này trở thành “Sa hoàng kinh tế" không có đối thủ ở Syria. Tổng thống Syria vừa qua đã cho phép nhà chức trách tịch thu tài sản của người em họ do tranh cãi về số tiền thuế 180 triệu USD mà chính phủ yêu cầu tập đoàn viễn thông Syriatel của ông Makhlouf phải thanh toán.

Người dân Syria đã bị sốc khi mâu thuẫn gia đình được công khai trong vài tuần qua. Chính ông Makhlouf đã đăng tải một loạt video trên Facebook thể hiện những bất bình của mình. Từ một "người bảo vệ" lớn nhất của Tổng thống Assad, doanh nhân 50 tuổi này trở thành người đối địch của ông Assad trong cộng đồng người Shi’ite dòng Alawite, vốn nắm giữ quyền lực ở Syria suốt từ năm 1970.

Mọi sự chú ý hiện đang dồn vào mối quan hệ đổ vỡ giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Syria, nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở chỗ quốc gia Trung Đông này sẽ đi về đâu.

Ông Rami Makhlouf trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm cầm quyền của Tổng thống Assad vào ngày 17/7/2010. Ảnh: AFP/Getty Images

Ông Rami Makhlouf trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm cầm quyền của Tổng thống Assad vào ngày 17/7/2010. Ảnh: AFP/Getty Images

Syria - khó khăn chồng chất

Nền kinh tế Syria đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, chưa kể lại vừa bị Liên minh châu Âu gia hạn trừng phạt thêm một năm. Năm 2018, Liên hợp quốc từng ước tính, chiến tranh đã khiến Syria thiệt hại kinh tế trị giá 388 tỉ USD.

Syria rơi vào giai đoạn khó khăn chưa từng thấy về kinh tế. Đồng nội tệ từng được giao dịch ở mức 50 pound/1 USD khi xung đột nổ ra vào tháng 3/2011, giờ đang trượt giá nhanh chóng với tốc độ không thể kiểm soát. Kể từ giữa tháng Ba đến nay, giá của các mặt hàng thiết yếu đã tăng 40-50%, theo Tổ chức Nông – Lương Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19 đã làm tổn thương các doanh nghiệp tại Syria, trong khi sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng tại quốc gia láng giềng Liban khiến người Syria bị mắc kẹt hàng tỷ USD tiền gửi.

Quyết định tịch thu tài sản của một thành viên giàu có trong nội bộ gia tộc cầm quyền ở Syria đã gợi nhớ đến những gì Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman từng làm vài năm trước đây khi ông muốn củng cố quyền lực. Tuy nhiên, ông Assad lại đang ở tình thế khó khăn hơn nhiều, khi vừa phải lo phục hồi nền kinh tế vừa tìm cách duy trì đội ngũ thân cận nhất, trong bối cảnh mất đi sự trợ giúp đáng kể từ Iran và Nga – hai quốc gia cũng đang vật lộn đối phó với những vấn đề kinh tế của riêng họ sau đại dịch.

Đằng sau số tiền 180 triệu USD

Trung tâm của tranh cãi nói trên là số tiền thuế 180 triệu USD mà chính phủ cho rằng công ty viễn thông Syriatel do ông Makhlouf đứng đầu, đang còn nợ. Sở Giao dịch chứng khoán Damascus thông báo giao dịch cổ phiếu của Syriatel sẽ bị ngừng hoạt động kể từ ngày 2/6 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Đế chế viễn thông Syriatel do ông Rami Makhlouf đứng đầu là một trong số ít các doanh nghiệp mạnh của Syria. Ảnh: The National

Đế chế viễn thông Syriatel do ông Rami Makhlouf đứng đầu là một trong số ít các doanh nghiệp mạnh của Syria. Ảnh: The National

Trước đó, ông Makhlouf đã bức xúc đăng một loạt 3 video lên Facebook, cho biết ông đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ thuế với chính phủ, tổng cộng là 12 tỉ bảng Syria trong năm 2019. Trong video đăng tải hôm 17/5, Rami Makhlouf cho biết những biện pháp nhằm vào ông và tập đoàn Syriatel sẽ chỉ dẫn đến sự sụp đổ của một trong số ít những công ty hoạt động mạnh còn tồn tại ở Syria. Syriatel sử dụng trên 6.500 nhân viên, hiện có trên 11 triệu thuê bao và đóng thuế cho nhà nước trên một nửa doanh thu. Makhlouf khẳng định số tiền ông bị buộc phải chi trả không phải là tiền thuế mà là “một khoản bị áp đặt trái pháp luật”.

Trong khi Tổng thống Assad vẫn im lặng về vụ việc, nhà chức trách đã ra lệnh cấm Makhlouf di chuyển khỏi nơi ở, bắt giữ phụ tá hàng đầu và tịch thu tài sản của ông cũng như vợ con.

Giải thích về tranh cãi này, ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, Mỹ cho rằng: “Tổng thống Assad cần tiền để phục hồi giá trị đồng bảng Syria, để tái thiết mọi thứ nhằm chứng minh rằng Syria đang đi trên con đường hòa bình, nhưng không thực hiện được điều đó,. Vì thế ông có thể đã lựa chọn Rami làm ‘người hy sinh’”.

Trong khi đó, ông Ayham Kamel, chuyên gia phụ trách khu vực Trung Đông – Bắc Phi tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, bình luận rằng để thu hút các nhà đầu tư vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, Syria phải áp dụng một cấu trúc kinh tế, chính trị minh bạch, ít tham nhũng và hiệu quả hơn.

Mâu thuẫn nói trên cho thấy rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện trên mặt trận thống nhất được tạo ra bởi những người ủng hộ ông Assad trong suốt cuộc chiến chống lại phiến quân và phe đối lập, khi mà cuộc xung đột dai dẳng sắp đến hồi kết.

Giới phân tích cho rằng, mâu thuẫn không có khả năng gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với quyền lực Tổng thống Assad nhưng đây là rạn nứt công khai nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi người chú của Tổng thống Assad, Rifaat al-Assad, tiến hành cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ cha ông là Hafez vào thập niên 1980.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-mau-thuan-chia-re-gia-toc-cam-quyen-o-syria-20200602164506068.htm