Đằng sau một con số phần trăm
3.000 tỷ Euro. Đó chính là con số kim ngạch nhập khẩu ngoài khối của thị trường EU được ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU, chia sẻ tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp.
Đi kèm theo con số cho thấy nhiều hứa hẹn kia, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng đưa ra một con số khác cho thấy thực tế đáng buồn. Việt Nam mới chỉ chiếm được 1,7% trong tổng số 3.000 tỷ Euro kể trên mà thôi.
Điều đáng nói, Việt Nam đang là một trong 4 nước châu Á đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU (cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore). Ở lợi thế như vậy, rõ ràng chúng ta đang chưa tận dụng được hết khả năng của mình trong quan hệ thương mại với một thị trường lớn có 450 triệu dân và tổng GDP lên tới 16.000 tỷ Euro.
Những ai theo dõi thông tin về tọa đàm nói trên đều thu thập được rất nhiều thông tin thú vị mà Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cung cấp. Ví dụ, EU là thị trường mà Việt Nam có nhiều cơ quan đại diện tại nước ngoài nhất; EU là thị trường ổn định, nhu cầu gần như không có biến động, thay đổi gì; EU đang muốn đa dạng hóa nguồn cung sau đại dịch COVID-19...
Chỉ tính riêng thương mại giữa EU với Trung Quốc thôi, mỗi ngày kim ngạch nhập khẩu của EU từ Trung Quốc đã lên tới 2,5 tỷ Euro. So sánh Việt Nam với Trung Quốc về thương mại, về xuất khẩu dĩ nhiên là so sánh khập khiễng. Song, với tương quan giữa 1,7% tương đương 51 tỷ Euro/năm với 2,5 tỷ euro/ngày, chúng ta nên hiểu mình đang chưa tận dụng được một thị trường tiềm năng và màu mỡ nhường nào.
Nhưng, nếu chỉ nhìn vào các con số, chúng ta hoàn toàn dễ sa lầy vào chuyện “chém gió” một tấc đến giời và không thể cùng nhau nhìn nhận được thực trạng và đường hướng phát triển thương mại với EU nên như thế nào. Ước ao đạt được một kim ngạch lớn hơn là ước ao chính đáng và không hề viển vông nhưng ước ao ấy cần được đặt vào thước ngắm cụ thể của kế hoạch hành động và sách lược lâu dài được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, được đo lường, đánh giá bởi những dữ liệu cụ thể nhất, tiêu biểu nhất.
Thị trường EU cần gì từ Việt Nam? Đây là câu hỏi mà chính những ai đang sống với ước ao tăng gấp 5, gấp 10 tỷ lệ phần trăm kể trên cần đi tìm lời giải đáp. Và, ai là những người đang sống với ước ao lớn đó? Họ chính là các doanh nhân Việt, những người sản xuất, chế biến và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây không chỉ là câu hỏi về câu chuyện xác định nhu cầu của đối tác một cách đơn thuần dù chính Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã nói nhu cầu của thị trường này là ổn định. Nó còn là câu hỏi của việc ta có thể cung cấp cái gì. Nếu nhu cầu của đối tác đã được xác định, song những thứ họ cần mà chúng ta lại không có khả năng cung cấp thì nhu cầu đó không hữu dụng với chúng ta, hay chí ít là chưa hữu dụng ở thời điểm hiện tại. Cần một xác định hai chiều giữa nhu cầu của thị trường ấy và khả năng cung ứng của Việt Nam trước đã. Xác định xong được dữ kiện hai chiều cơ sở đó rồi, phải tiếp tục xác định được ai là các đối thủ cạnh tranh và so với họ, ta mạnh - yếu thế nào.
Bài toán kinh tế không bao giờ là đơn giản cả. Nói về việc cần phải làm gì, nên làm gì để tăng cường xuất khẩu thì rất dễ. Nhưng, sống trong áp lực thực sự của việc làm ăn kinh tế, với các thước đo tiêu chuẩn, các bài toán mang tính quyết định về sách lược thì khác hoàn toàn. Những người hay “chém gió” có thể hoạt ngôn, lắm chữ nghĩa hơn các doanh nhân nhưng không thể sắc sảo trong sản xuất và kinh doanh bằng 1/10 họ. Vậy mà, bản thân các doanh nhân còn đang rất vất vả mới có thể đạt được cái mức 1,7% kia thì chúng ta đủ hiểu, để thâm nhập một thị trường khắt khe như EU là gian nan đến nhường nào. Như Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn rất cao của EU. Đây mới chính là mấu chốt khiến ta chỉ có được con số 1,7% khiêm tốn.
Vậy thì cái mà chúng ta có thể cùng rút ra từ câu chuyện của các con số kể trên chính là lực lượng doanh nhân sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thực tế đang rất cần sự hỗ trợ cực lớn từ các cơ quan xúc tiến thương mại, các nhà hoạch định chính sách và một phần rất lớn (nghe có vẻ buồn cười nhưng hóa ra lại vô cùng nghiêm túc) từ chính người dân trong nước.
Tại sao lại từ người dân trong nước? Họ thì có liên quan gì đến câu chuyện xuất khẩu được hàng sang EU hay không của các doanh nghiệp Việt? Trước khi cùng tranh luận với nhau về câu hỏi này, xin được chia sẻ một câu chuyện có thật, đang diễn ra ở Việt Nam hôm nay, câu chuyện về cafe xuất khẩu.
Năm nay, cafe xuất khẩu của Việt Nam thành công khá lớn, đặc biệt là với cafe thành phẩm chất lượng cao và loại hạt trồng chủ yếu ở Việt Nam là Robusta. Việc xuất khẩu cafe Việt mấy năm gần đây đã dịch chuyển khác hẳn so với quá khứ. Nếu ở quá khứ, chúng ta chỉ chủ trương sản lượng là chính thì hiện nay, những nhà xuất khẩu cafe đã dịch chuyển sang thứ cafe chất lượng cao, với sản lượng thu hoạch khiêm tốn hơn nhiều. Tuy sản lượng khiêm tốn hơn nhưng giá trị thì lại không hề thay đổi, thậm chí còn tăng trưởng hơn. Lý do đơn giản. Khi xuất khẩu trọng số lượng mà không chú trọng chất lượng, cafe Việt Nam bị chê nhiều và bị định giá thấp hơn so với các nguồn cung khác khi chỉ được xem là hạng thứ phẩm mà thôi.
Cách đây vài năm, có một chuyên gia cafe người nước ngoài đến một vùng trồng cafe vận động đồng bào chú trọng cafe sạch, organic và chỉ lựa hái cafe chín thay vì thu hoạch, canh tác bừa bãi lấy sản lượng là chính như xưa. Kết cục, ông ta bị chính những thương lái thu mua cafe trong địa phương vác gậy đuổi đánh. Dễ hiểu, lực lượng thương lái này cho bà con mua chịu phân bón, cuối mùa trả lại bằng cân đối cafe thu mua. Trong cái vòng luẩn quẩn ấy, bà con bị ép giá, cafe thu hoạch thì chất lượng không cao và người giàu lên không phải lực lượng canh tác mà toàn là lực lượng đầu nậu cả cafe và phân bón.
Nhưng, hôm nay đã khác. Bắt đầu có phong trào thu hoạch cafe chất lượng cao (trái chín), chú trọng trồng cho các thị trường tiêu thụ cao cấp. Dĩ nhiên, đầu tư cũng cao cấp. Đơn cử, giá thuê nhân công hái cafe (bất kể chín hay xanh) rẻ hơn rất nhiều so với chỉ hái trái chín. Song, bù lại, giá cafe cũng ổn định hơn, được trả tốt hơn nhiều. Và, phong trào này bắt nguồn từ đâu? Nó bắt nguồn từ chính thói quen uống cafe ngày một sành hơn và sạch hơn của người Việt.
Trở lại với câu hỏi ở trên, khi người dân trong nước có văn hóa tạo dựng một thị trường nội địa chỉ tiêu thụ hàng chất lượng, chắc chắn nó sẽ tạo thành một tập quán chỉ canh tác, sản xuất, chế biến hàng chất lượng. Và, nếu tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa sánh ngang tiêu chuẩn khắt khe của các vùng thị trường xuất khẩu mà Việt Nam nhắm tới, sản phẩm Việt dễ dàng thâm nhập thị trường xuất khẩu ấy hơn khi bản thân nền tảng của nó ở quốc nội đã là chất lượng rất cao rồi.
Nhưng, khi người dân trong nước tích cực thay đổi (như cách họ làm với cafe) và tạo ra xu thế chất lượng cao cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam thì liệu chừng ấy có đủ cho các doanh nhân chinh phục ao ước nâng tầm gấp 5, gấp 10 cái tỷ lệ 1,7% khiêm tốn kể trên hay chưa? Nói thẳng là chưa đủ. Rất cần các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các thị trường như EU tăng cường khả năng thăm dò và tư vấn cho lực lượng xuất khẩu trong nước.
Thực sự, cho đến nay, chủ yếu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa hoạt động hết công suất và phục vụ đúng những nhu cầu mà doanh nghiệp trong nước đang cần. Doanh nghiệp không chỉ có nhu cầu tham gia các hội chợ ở nước bạn là đủ. Họ cần chính các đại diện Việt Nam kia mở ra cho họ các “kho dữ kiện” mà họ cần để thâm nhập thị trường nước ngoài. Ngoài ra, họ cũng cần các văn phòng đại diện ấy xốc vác hơn để ráp nối doanh nghiệp Việt với các đối tác bản địa. Đó là điều người Nhật đang làm rất tốt và có lẽ, chúng ta nên nhìn vào cách làm của họ mà học tập.
Thậm chí, ngay cả các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2023 là năm Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc gia, chúng ta đã được chứng kiến tốc độ làm việc như con thoi của các đại sứ nước bạn tại nước ta trong việc tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp nước bạn ở thị trường Việt. Đó mới là công tác mà những cán bộ ngành ngoại giao cần làm chứ không phải chỉ có những cái bắt tay, những tiệc chiêu đãi, những gặp gỡ tiếp tân thông thường.
Sau lưng những doanh nghiệp Việt, cần xuất hiện hơn nữa nhiều nguồn trợ lực. Như vậy, con số phần trăm kể trên mới có thể thay đổi cho một tương lai lâu dài.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dang-sau-mot-con-so-phan-tram-i718429/