Đằng sau một dòng chảy ngược ở Trung Quốc
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong độ tuổi 16 - 24 tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4 vừa qua. Thống kê này được đưa ra chỉ một tháng trước khi thị trường lao động nước này dự kiến đón thêm 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Hướng trí thức về làng
Trong những mùa tốt nghiệp gần đây, Wendy Li - một thành viên của hội sinh viên tại một trường đại học (ĐH) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - đã đẩy mạnh việc giới thiệu các chương trình do Chính phủ Bắc Kinh hỗ trợ nhằm khuyến khích sinh viên ra trường về làm việc tại những vùng nông thôn rộng lớn, kém phát triển của đất nước. Theo cô, số lượng sinh viên đăng ký đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm nay.
“Chương trình dường như đã trở nên hấp dẫn hơn trong năm nay. Khoảng 400 sinh viên trường tôi đã đăng ký. Trong khi vài năm qua, mỗi năm chỉ có gần chục người quan tâm” - Li nói với SCMP.
Theo một kế hoạch hành động được Chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 2, các sinh viên tốt nghiệp ĐH sẽ được tạo điều kiện làm việc với tư cách là cán bộ cơ sở, doanh nhân hoặc tình nguyện viên để đóng góp cho “sự trở lại của tài năng, nguồn lực và dự án ở nông thôn”.
Hầu hết các địa phương của Trung Quốc cũng đã nâng cấp các chương trình như vậy, bằng cách mở rộng số lượng người được nhận về hoặc phạm vi vị trí công tác.
Tại tỉnh Giang Tô, một sáng kiến trước đây, nhắm vào các khu vực kém phát triển ở 5 TP tương đối nghèo, đã được mở rộng ra toàn tỉnh vào năm ngoái, với mục tiêu là đưa ít nhất 2.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH về các vùng nông thôn mỗi năm.
Tỉnh Quảng Đông thậm chí hướng đến việc gửi 300.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH về các vùng nông thôn vào cuối năm 2025.
Peng Peng, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông - một tổ chức tư vấn liên kết với chính quyền tỉnh Quảng Đông - nói rằng những động thái như vậy nhằm mang lại cho những người trẻ tuổi nhiều cơ hội việc làm hơn trong một thị trường lao động khó khăn như hiện nay: “Những người trẻ tuổi ở khu vực thành thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng của đại dịch và số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường lớn chưa từng có”.
Tỷ lệ thất nghiệp nơi thành thị của nhóm tuổi 16 - 24 ở Trung Quốc đã tăng 20,4% trong tháng 4/2023, so với 19,6% vào tháng trước đó. Trong khi đó, kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp ĐH - tương đương với dân số của Bỉ - sẽ tham gia vào thị trường việc làm trong năm nay.
“Mục đích thứ hai của những chính sách này là hồi sinh vùng nông thôn - nơi đang cần nhân tài và công nghệ nhất” - ông Peng nói, trong đó nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn - “Khu vực nông thôn là mắt xích yếu trên con đường hiện đại hóa của Trung Quốc, vì vậy chúng cần được hồi sinh - điều mà giới lãnh đạo cao nhất đã đưa ra trong chiến lược quốc gia”.
Trước một số ý kiến cho rằng chính sách này đang gợi nhớ đến phong trào “lên rừng, xuống làng” trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976) đã gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc, ông Peng lưu ý: “Nó có thể khiến mọi người nhớ về lịch sử, nhưng bây giờ nó không phải là một chương trình bắt buộc, đi hay không là tùy thuộc vào bạn”.
“Ngoài ra, nó cũng không giống như trong quá khứ, thời mà mọi người buộc phải đến những khu vực được chỉ định” - quan chức tỉnh Quảng Đông nói thêm.
Hệ quả của “bong bóng đại học”
Chuyển đến các thị trấn, TP nhỏ hơn, với chi phí sinh hoạt thấp hơn là điều mà lao động trẻ tuổi ở Mỹ cũng đã làm trong nhiều năm qua. Đó thường là dòng chảy từ khu vực Vịnh San Francisco nhộn nhịp hoặc TP New York trù phú, đến các khu Vành đai Mặt trời (Sunbelt) hay Vành đai Rỉ sét (Rustbelt).
Tuy nhiên, việc di chuyển tương tự đối với người lao động Trung Quốc được cho là phức tạp hơn nhiều, bởi tiện nghi ở các miền quê có xu hướng kém hơn đáng kể so với các TP lớn - vấn đề chung của hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình.
Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc cũng là một phần của vấn đề. Theo Cục Thống kê Quốc gia, năm ngoái, thu nhập khả dụng trung bình của cư dân nông thôn là 20.133 nhân dân tệ (2.848 USD), trong khi ở khu vực thành thị là 49.283 nhân dân tệ/người.
Do đó, không ngạc nhiên khi hầu hết sinh viên tốt nghiệp ĐH, đặc biệt là những người từ tỉnh lẻ của Trung Quốc, thường tránh “ngược dòng” về lại những vùng nông thôn. Vậy nếu không tìm được việc làm, họ lấy gì để sống ở các TP đắt đỏ? Năm 2014, một cuộc khảo sát quốc gia đã cho thấy khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp ĐH Trung Quốc tiếp tục sống với cha mẹ.
Trên thực tế, đa số người trẻ Trung Quốc sinh ra ở khu vực thành thị thường có cha mẹ hoặc ông bà sở hữu nhà hoặc căn hộ ở TP, do việc chuyển giao quyền sở hữu hàng loạt từ nhà nước cho cư dân trong những năm 1990 cải cách nhà ở.
Chính sách “Một con” có hiệu lực từ năm 1978 - 2016 đồng nghĩa với việc nhiều người trẻ tuổi này không có anh chị em ruột, và do đó họ nghiễm nhiên sẽ được thừa kế bất động sản chính.
Nếu đang ở trong tình huống này và được bố mẹ trang trải chi phí sinh hoạt, nhiều người hẳn nhiên sẽ nghĩ rằng tại sao còn phải đi làm chỉ để kiếm được đồng lương bèo bọt? Để hiểu, cuộc khủng hoảng thất nghiệp của Trung Quốc lúc này không chỉ là vấn đề cần thêm nhiều việc làm, mà là cần nhiều công việc được trả lương cao hơn.
Sâu xa hơn, điều này chính bởi sự “lệch pha” giữa những kỳ vọng đang thay đổi của những người trẻ tuổi có trình độ học vấn cao và một nền kinh tế không theo kịp nguyện vọng của họ.
Bình luận trên CNBC, Yao Lu - giáo sư xã hội học tại ĐH Columbia ở New York - nói: “Bong bóng ĐH này cuối cùng cũng phải vỡ. Việc mở rộng giáo dục ĐH vào cuối những năm 1990 đã tạo ra một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ĐH, nhưng có sự mâu thuẫn giữa cung và cầu đối với lao động có tay nghề cao. Nền kinh tế vẫn chưa thể bắt kịp”.
Joan Huang, sinh viên năm 2 tại một trường ĐH ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, chia sẻ rằng cô không hứng thú với những chương trình “hướng trí thức về làng” của Chính phủ, vì không thấy được triển vọng nghề nghiệp ở khu vực nông thôn.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng sáng kiến này chỉ giúp mọi người làm những công việc ở các vị trí cấp thấp trong các cơ quan chính quyền cấp cơ sở” - Huang nói với SCMP - “Nếu vào công ty nhà nước, lương sẽ thấp và có thể không đủ trang trải học phí ĐH mà gia đình đã bỏ ra. Nếu quay lại các TP lớn sau đó, bạn sẽ thấy kinh nghiệm làm việc ở các vùng nông thôn là vô ích”.
Có lẽ sẽ cần thêm thời gian để biết giải pháp hồi sinh nông thôn có phải là hướng đi đúng để giải quyết vấn đề việc làm của Trung Quốc hiện nay hay không. Nhưng lúc này đây, cũng có những người trẻ đã tự tìm thấy câu trả lời cho nguyện vọng của bản thân.
Như câu chuyện của Janice Wang, 28 tuổi, trở về ngôi làng quê hương của cô ở tỉnh Chiết Giang để lập nghiệp vào 3 năm trước. Thời điểm đó cô bị thu hút bởi đầu tư của Chính phủ tăng lên, chi phí sinh hoạt thấp hơn, cùng nhịp sống chậm hơn tại quê nhà.
Cô đã quyết định từ bỏ công việc giáo viên ở TP có được sau khi tốt nghiệp ĐH vào năm 2016, để chuyển về quê và bắt đầu kinh doanh một nhà hàng chuyên phục vụ bữa sáng kể từ năm 2020, chủ yếu bằng tiền tiết kiệm được trong thời gian còn đi dạy.
“Ở đây, chúng tôi có những con đường sạch đẹp và không khí trong lành” - Wang nói - “Tôi đón những vị khách khác nhau mỗi ngày. Đó không phải là công việc dễ dàng nhưng tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc hơn... Nhìn chung, tôi có ít áp lực hơn khi sống theo cách này”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dang-sau-mot-dong-chay-nguoc-o-trung-quoc.html