Đằng sau những quyết định của thỏa thuận đóng cửa chính phủ Mỹ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thở phào khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn kịch bản Chính phủ đóng cửa ngay trước 'giờ G', trái ngược với dự đoán trước đó của truyền thông.

Thế nhưng giờ đây, khi nguy cơ đã qua, sự chú ý lại đổ dồn vào tương lai chiếc ghế quyền lực của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đề xuất dự luật này, cũng như nguồn viện trợ cho Ukraine.

Với sự chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện, Tổng thống Biden đã ký ban hành đạo luật ngân sách ngắn hạn giúp Chính phủ có nguồn tài chính để hoạt động đến ngày 17/11. Việc lưỡng đảng Quốc hội thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn sẽ giúp hai bên có đủ thời gian để tiếp tục đàm phán và thỏa hiệp về toàn bộ 12 dự luật ngân sách cho cả năm tài khóa 2024.

Đáng chú ý, dự luật này do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa đề xuất. Trước đó, sau những ngày hỗn loạn tại Hạ viện, ông McCarthy đột ngột từ bỏ các yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ từ một số thành viên cánh hữu có đường lối cứng rắn, thay vào đó ủng hộ việc thông qua dự luật nhằm cấp ngân sách tạm thời này.

Theo giới quan sát, việc đề xuất dự luật cho thấy nỗ lực nhượng bộ phút chót của ông McCarthy để cứu nguy cho Chính phủ nhưng cũng khiến nhiều mũi dùi chỉ trích nhắm vào chính trị gia này. Ông McCarthy có thể bị những nhân vật theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa tại Hạ viện “lật đổ” sau khi Chính phủ Mỹ tạm thoát nguy cơ đóng cửa bởi trước đó họ tuyên bố sẵn sàng để Chính phủ đóng cửa cho đến khi Quốc hội đàm phán xong toàn bộ 12 dự luật cho năm tài khóa tới.

Thậm chí có nghị sĩ còn ví von việc ông McCarthy “quay ngoắt 180 độ” như vậy chẳng khác gì “sự đầu hàng” trước đảng Dân chủ của chính quyền Tổng thống Biden, hay tuyên bố nếu ông McCarthy sử dụng phiếu bầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện để thúc đẩy ưu tiên chi tiêu của Tổng thống Biden thì ông ấy không thể là Chủ tịch Hạ viện nữa.

Và một vấn đề đang được các chuyên gia lo ngại là nếu sau khi hết hạn đạo luật tạm thời vào tháng 11/2023, việc không thông qua được bất kỳ dự luật nào hay một khoản ngân sách tạm thời nào sẽ khiến chính phủ Mỹ đóng cửa hoàn toàn, đe dọa công việc của nhân viên liên bang và cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc vào trợ cấp, dịch vụ của chính phủ.

Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có nhiệm vụ phải phân bổ ngân sách chi cho hoạt động của 438 cơ quan chính phủ trong mỗi năm tài chính (kết thúc vào ngày 30/9 hằng năm). Nếu các nghị sĩ không thông qua dự luật ngân sách trước khi năm tài chính mới bắt đầu, các cơ quan chính phủ sẽ không thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dang-sau-nhung-quyet-dinh-cua-thoa-thuan-dong-cua-chinh-phu-my-192034.htm