Đằng sau phát hiện người sinh năm 2154 nhận trợ cấp của DOGE

DOGE gần đây phát hiện trường hợp chính phủ Mỹ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho trẻ em lẫn người chưa ra đời. Song có khả năng những hồ sơ này tồn tại theo khuyến nghị từ Bộ Lao động.

 Tỷ phú Elon Musk là đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Elon Musk là đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Elon Musk và Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) gần đây thông báo về đợt "truy quét gian lận" trên khắp cả nước. Họ phát hiện hàng chục nghìn người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trên 115 tuổi, dưới 5 tuổi hoặc chưa sinh ra. Thậm chí, có một cá nhân sinh năm 2154 nhận 41.000 USD.

"Tiền thuế của quý vị được trả cho các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp gian lận, về tay những cá nhân giả mạo sinh ra trong tương lai. Chuyện này điên rồ tới mức tôi phải đọc đi đọc lại mới hiểu", ông Musk viết trên X.

Theo New York Times, trên thực tế, những cá nhân này đúng là "giả", nhưng không theo cách ông Musk nhìn nhận. Khả năng cao DOGE đã phát hiện ra hình thức đã được chú ý từ trước.

"Hồ sơ giả" có chủ đích?

Mọi chương trình phúc lợi cần phải cân bằng giữa 2 yếu tố: Ngăn chặn gian lận và dễ tiếp cận. Quy trình xét duyệt quá khắt khe có thể loại trừ cả những người đủ điều kiện, còn nếu quá lỏng lẻo sẽ tạo cơ hội cho gian lận. Mùa xuân năm 2020, đầu đại dịch Covid-19, Quốc hội Mỹ chọn cách ưu tiên khả năng tiếp cận khi mở rộng tạm thời chương trình hỗ trợ thất nghiệp.

“Đây là quyết định từ Quốc hội và được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, với mong muốn giải ngân nhanh chóng và hỗ trợ càng nhiều người càng tốt”, bà Michele Evermore - chuyên gia cấp cao tại Học viện Bảo hiểm Xã hội Quốc gia - cho biết.

Hàng triệu người Mỹ ồ ạt nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp thông qua một đợt lớn chưa từng có trong mạng lưới an sinh xã hội Mỹ. Bà Evermore cho rằng đây là quyết định đúng đắn vì thị trường lao động đã phục hồi nhanh chóng sau cú sốc đại dịch.

 Bộ Lao động Mỹ cho phép các bang tạo "hồ sơ giả" về các vụ gian lận để theo dõi hồ sơ và bảo vệ danh tính người bị hại. Ảnh: Reuters.

Bộ Lao động Mỹ cho phép các bang tạo "hồ sơ giả" về các vụ gian lận để theo dõi hồ sơ và bảo vệ danh tính người bị hại. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, cái gì cũng đi kèm cái giá. Chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kẽ hở. Có tới 15% đơn xin trợ cấp thất nghiệp được cho là gian lận, thường sử dụng danh tính bị đánh cắp.

Sau đó, các biện pháp kiểm soát được bổ sung, và Đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ năm 2021 đầu tư thêm nguồn lực cho các bang nhằm phát hiện và ngăn chặn gian lận trong hỗ trợ thất nghiệp.

Trong giai đoạn này, Bộ Lao động dưới thời Tổng thống Joe Biden ban hành hướng dẫn xử lý các trường hợp gian lận. Theo một khuyến nghị, để lưu trữ hồ sơ các vụ gian lận và bảo vệ nạn nhân bị đánh cắp danh tính, Bộ Lao động Mỹ cho phép các bang - nơi trực tiếp quản lý chương trình trợ cấp - tạo "hồ sơ giả". Thay vì giữ thông tin gốc có danh tính người bị hại, toàn bộ dữ liệu về vụ gian lận sẽ được chuyển sang hồ sơ có danh tính giả.

Sự phi lý này là có chủ ý, khi họ có thể theo dõi các trường hợp gian lận song không ảnh hưởng đến danh tính thật của bất cứ ai, những người sẽ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tương lai.

New York Times xác định nhiều bang đã làm theo khuyến nghị này từ Bộ Lao động Mỹ.

DOGE đang vô tình hay cố tình hiểu sai?

4 năm sau, ông Musk và DOGE dường như động chạm tới những hồ sơ này.

“Dữ liệu từ lâu đã được báo cáo, công bố và kiểm toán ở nhiều cấp chính quyền khác nhau”, bà Rebecca Cisco - phát ngôn viên của Sở An sinh Việc làm bang Illinois - tuyên bố. “Vụ việc lần này là một ví dụ nữa cho thấy báo cáo của DOGE hoặc hiểu sai, hoặc cố tình xuyên tạc mọi chuyện".

Mặc dù DOGE có thể đã xem xét những trường hợp thật sự gian lận, một số quan chức thấy vô lý khi cho rằng chính phủ "ngây thơ" đến mức bị lừa phát tiền cho những người còn chưa chào đời.

“Họ đang cố vẽ ra hình ảnh một chính phủ liên bang chỉ ngồi mà chẳng làm gì để ngăn gian lận, còn họ ‘giải cứu tình hình’”, ông Andrew Stettner - từng làm tại Bộ Lao động Mỹ - nhận định. "Họ đang làm xói mòn lòng tin vào những cơ quan liên bang và tiểu bang".

 Một số người cho rằng DOGE đang hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề. Ảnh: Reuters.

Một số người cho rằng DOGE đang hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề. Ảnh: Reuters.

Ông Stettner và nhiều người khác cho rằng ông Musk tìm cách gieo rắc sự ngờ vực mà không quan tâm chi tiết các chính sách của chính phủ, giống y cách tiếp cận với Cơ quan An sinh Xã hội.

Trước đó, vị tỷ phú công khai chia sẻ Cơ quan An sinh Xã hội "đang trao trợ cấp cho hàng triệu người đã chết". Sau khi được giải thích lý do cặn kẽ, ông Musk cũng không quan tâm và tiếp tục giữ nguyên lập trường. Thậm chí, vấn đề còn xuất hiện trong bài phát biểu của ông Trump trước Quốc hội hồi tháng 3.

"Chúng tôi không ngạc nhiên về những nghi ngờ gian lận trong phân tích dữ liệu ban đầu của DOGE. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu này trùng khớp với những báo cáo trước đây của tổng thanh tra", người phát ngôn Bộ Lao động Courtney Parella cho biết. "Chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia đào sâu chủ đề này để tìm ra gốc rẽ sự lãng phí và lạm dụng nghiêm trọng này".

Bà Parella cũng trích dẫn một báo cáo của tổng thanh tra năm 2023, trong đó xác định các yêu cầu bồi thường được chuyển đến những trẻ nhỏ và cá nhân 100 tuổi. Nhưng vào thời điểm đó, chính Bộ Lao động khẳng định các yêu cầu bồi thường này là "hồ sơ giả" và việc diễn giải sai lệch có nguy cơ ảnh hưởng tới chương trình trợ cấp.

Bà Jennifer Phillips, cựu quản lý chương trình thất nghiệp tại Illinois, lo ngại ông Musk đang hướng sự chú ý của công chúng vào sai chỗ. Theo bà, vấn đề không nằm ở việc chính phủ liên bang bỏ sót tội phạm, mà các bang cần được đầu tư thêm để tiếp tục cuộc chiến chống gian lận.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/dang-sau-phat-hien-nguoi-sinh-nam-2154-nhan-tro-cap-cua-doge-post1545511.html