Đằng sau quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia
Vừa qua, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ăn và giá cả leo thang phi mã.
Theo hãng tin CNA, khi giá dầu ăn tại Indonesia bất ngờ leo thang vào cuối năm 2021, nước này đã phải đối mặt với áp lực kiểm soát chi phí các sản phẩm làm từ dầu cọ. Trong những tháng sau đó, nhà chức trách đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp - bao gồm 2 lần ngừng xuất khẩu dầu cọ - để giải quyết tình trạng tăng giá trong nước. Song động thái này đã khiến thị trường dầu ăn toàn cầu chao đảo.
Khủng hoảng giá dầu ăn trong nước
Tổng thống Joko Widodo khẳng định việc cung cấp dầu ăn cho 270 triệu dân Indonesia là “ưu tiên cao nhất” của chính phủ ông. Nhà lãnh đạo cho biết việc người dân thiếu dầu ăn là điều “trớ trêu” khi đây là nước xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới. Tại Indonesia, hầu hết người dân trong nước đều sản xuất và tiêu thụ dầu ăn chiết xuất từ dầu cọ.
Indonesia sản xuất khoảng 60% lượng dầu cọ của thế giới, trong đó khoảng 1/3 lượng sản phẩm được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Pakistan là một trong những thị trường xuất khẩu chính.
Ngoài lý do truyền thống ẩm thực, dầu cọ còn được nhiều nước thu nhập thấp ưa chuộng vì có mức giá rẻ. Đây từng là loại dầu ăn thực vật rẻ nhất trên thế giới và là 1 trong 4 loại dầu ăn chính tại Ấn Độ, nơi giá các mặt hàng này được xem là giá chuẩn của thế giới.
Vào tháng 11/2021, Chính phủ Indonesia đã đưa ra hàng loạt các biện pháp giúp giảm giá dầu ăn trong nước. Sau khi giá dầu ăn chạm mức 1,16 USD/lít, chính phủ đã mở bán 11 triệu lít dầu ăn theo chính sách “một giá”. Theo đó, dầu ăn sẽ được bán theo giá chung, khoảng 0,97 USD/lít. Tuy nhiên, khi chiến lược này thất bại, chính phủ bắt đầu trợ giá mua hơn 1 tỷ lít dầu ăn.
Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn không thể ngăn các nhà bán lẻ tăng giá dầu ăn. Đến đầu tháng 2, chính phủ đã yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu cọ phân phối 20% doanh số cho thị trường nội địa. Sau đó, con số này được yêuu cầu tăng lên 30%. Song vấn đề đã trở nên phức tạp hơn.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ tăng mạnh. Chẳng mấy chốc, dầu ăn đã trở thành mặt hàng khan hiếm ở Indonesia. Một số nhà bán lẻ phải quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn, nếu còn hàng. Nhiều người mua phải xếp hàng dài chờ đợi mới mua được mặt hàng này.
“Mafia” dầu cọ và mối đe dọa của lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn
Thay đổi chiến lược một lần nữa, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto vào tháng 3 đã điều chỉnh mức giá trần để hỗ trợ giá dầu ăn tăng vọt.
Trong khi đó, đến ngày 18/3, Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi đã chỉ thị dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu và thay vào đó, tăng thuế xuất khẩu dầu cọ. Ông cho rằng tình trạng “mafia” dầu cọ đã làm tình hình thêm căng thẳng. Vói sự điều chỉnh này, các siêu thị đã có sẵn dầu ăn, nhưng giá của mặt hàng này đã tăng vọt lên 1,72 USD/lít. Bộ trưởng Tư pháp đã mở một cuộc điều tra tham nhũng về việc tuồn mặt hàng này ra nước ngoài.
Trong động thái gần đây nhất, vào tháng này, Tổng thống Widodo thông báo sẽ hỗ trợ tiền mặt cho hơn 20 triệu hộ gia đình thu nhập thấp để mua dầu ăn. Song đến ngày 22/4, ông tuyên bố áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mới, đưa giá dầu cọ ở Malaysia lên mức cao nhất trong 6 tuần. Bộ trưởng Kinh tế Airlangga cho biết lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng đối với các lô hàng dầu cọ tinh chế, tẩy trắng và khử mùi (RBD), giúp bình ổn thị trường. Tuy nhiên, một ngày sau đó, vị quan chức này nói rằng lệnh cấm bao gồm cả dầu cọ thô, dầu cọ tinh luyện và dầu ăn đã qua sử dụng.
Những thay đổi về chính sách của Indonesia đã khiến thị trường dầu ăn toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine, hứng chịu cú sốc lớn.
Trong khi đó, quan chức Indonesia cam kết sẽ dở bỏ lệnh cấm xuất khẩu khi giá dầu ăn số lượng lớn trở lại 0,96 USD/lít, thay vì 1,8 USD/lít như những ngày gần đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chính sách này cũng sẽ lụi tàn khi tình trạng tích trữ gia tăng, nếu giá dầu ăn thế giới tiêp tục tăng vọt. Nhà phân tích O'Rourke cho biết: “Nếu việc tích trữ xảy ra trên quy mô lớn, lệnh cấm có thể không hiệu quả hoặc thậm chí phản tác dụng”.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng có quan điểm tương tự. Họ cho rằng dù có thể hỗ trợ bình ổn thị trường, lệnh cấm cũng sẽ gây ra một số tác động tiêu cực lên nền kinh tế Indonesia. Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp Indonesia, đánh giá: “Thực tế, việc cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn sẽ khiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm mạnh. Xuất khẩu dầu cọ hiện đóng góp hơn 12% xuất khẩu phi dầu khí của Indonesia, mang lại hơn 3 tỷ USD/tháng. Việc mất đi nguồn thu này sẽ khiến đồng rupiah bị tổn hại, gây bất ổn cho hệ thống tài chính tại Indonesia và ảnh hưởng đến dự trữ tiền tệ trong dài hạn”.
Người nghèo khốn đốn
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được dự báo sẽ đẩy giá mặt hàng này và các nhu yếu phẩm lên cao. Ngay cả trước xung đột ở Ukraine, lạm phát đã đẩy giá thực phẩm tăng hơn 23% trong năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Sản lượng dầu đậu nành từ Argentina và dầu cải từ Canada đã giảm do thời tiết khắc nghiệt cùng nguồn cung không ổn định từ Indonesia do COVID-19 khiến dầu hướng dương trở thành niềm hy vọng của nhiều quốc gia. Tuy nhiên. sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, nơi chiếm khoảng 60% dầu hướng dương của thế giới, hy vọng này đã vụt tắt. Với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ của Indonesia, giá dầu ăn thế giới được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa.
Ông James Fry, người sáng lập Công ty tư vấn hàng hóa nông nghiệp LMC International, cho biết: “Những người nghèo nhất ở các nước lớn hoặc các nước ở châu Phi chắc chắn sẽ phải chịu gánh nặng chi phí này”. Gần 20 quốc gia châu Phi trồng cọ dầu trên diện tích khoảng 6 triệu ha nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu của lục địa.