Đằng sau quyết định giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia

Saudi Arabia mới đây đã gây bất ngờ cho các nhà giao dịch khi quyết định cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới để vực dậy giá dầu. Quyết định của Riyadh được cho là có liên quan đến vấn đề cấp vốn cho các siêu dự án trong chương trình “Tầm nhìn 2030”.

Theo CNN, việc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia vượt ra ngoài thỏa thuận rộng lớn hơn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, nhằm hạn chế nguồn cung dầu mỏ vào năm 2024. Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết, sản lượng dầu của nước này sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới từ mức 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Với quyết định này Saudi Arabia hy vọng có thể vực dậy được giá dầu vốn đã liên tục giảm trong thời gian qua. Theo đó, nếu giá dầu tăng Saudi Arabia sẽ có thêm nguồn tiền để đầu tư cho các siêu dự án trong chương trình “Tầm nhìn 2030”.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 2% lên khoảng 78USD/thùng vào ngày 5-6 khi Riyadh phản ứng với những “cơn gió ngược” gây ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn dao động thấp hơn khoảng 9% so với hồi đầu năm. CNN nhận định, điều đó có nghĩa là Saudi Arabia đang ở tình thế khó khăn khi cấp vốn cho các dự án khổng lồ trong chương trình “Tầm nhìn 2030” nhằm đa dạng hóa nền kinh tế nước này vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Giá dầu đang ở mức thấp hơn 2-3USD/thùng so với mức mà Saudi Arabia mong muốn. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quốc gia vùng Vịnh cần giá dầu ở mức gần 81USD/thùng để đáp ứng các cam kết chi tiêu.

Saudi Arabia lại rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm nay sau khi lần đầu ghi nhận thặng dư vào năm 2022 sau gần một thập kỷ. Trong quý I-2023, Saudi Arabia đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách 770 triệu USD khi chính phủ tăng chi tiêu 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh thời hạn cho chương trình “Tầm nhìn 2030” đang đến gần, Saudi Arabia cần có nhiều kinh phí hơn bao giờ hết để hoàn thành các siêu dự án như thành phố Neom có tổng vốn đầu tư 500 tỷ USD ở phía Tây Bắc của đất nước. Bà Karen Young, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), nhận định: “Saudi Arabia phải đối mặt với áp lực rất lớn khi có quá nhiều dự án đang đi vào giai đoạn xây dựng. Nhu cầu về vốn là rất lớn”.

Các bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Ras Tanura của tập đoàn Saudi Aramco ở thành phố Ras Tanura, Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg

Các bể chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Ras Tanura của tập đoàn Saudi Aramco ở thành phố Ras Tanura, Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù doanh thu phi dầu mỏ tăng 9% trong quý I-2023, song gần 2/3 nguồn thu của Saudi Arabia vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch. Saudi Arabia cũng tự hiểu rằng nước này không thể chỉ dựa vào thị trường dầu mỏ đầy biến động để có nguồn thu ngân sách. Do đó, bên cạnh động thái tìm cách tăng giá dầu, Riyadh cũng đang cố gắng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Nước này đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hằng năm vào năm 2030. Tuy nhiên, FDI vẫn chưa đạt đến mức mà Saudi Arabia mong muốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia, FDI đổ vào nước này trong năm 2022 giảm mạnh. “Tôi hoan nghênh việc mở rộng, đào sâu, đa dạng hóa thị trường vốn của Saudi Arabia và tôi tin sẽ có thêm nhiều công ty quan trọng niêm yết trên thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid Al-Falih nói tại một sự kiện gần đây khi ra mắt 4 đặc khu kinh tế mới để thu hút các nhà đầu tư với mức thuế suất thấp, miễn một số thuế hải quan và tiến hành tuyển dụng linh hoạt.

Các đặc khu kinh tế mới là một phần trong chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Riyadh để thu hút vốn nước ngoài. Mặc dù đưa ra nhiều ưu đãi thân thiện với doanh nghiệp, Saudi Arabia cho biết họ sẽ không cho phép các công ty quốc tế tiếp cận những hợp đồng của chính phủ trừ khi họ chuyển trụ sở của mình trong khu vực đến nước này vào một thời điểm nào đó trong năm 2024. Chính sách này được coi là một thách thức trực tiếp đối với thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vốn là trung tâm kinh doanh truyền thống trong khu vực.

Trong nỗ lực bảo đảm sự ổn định trong khu vực và tạo môi trường an toàn hơn cho các nhà đầu tư, Riyadh đã rút lại chính sách đối ngoại cứng rắn trước đây. Saudi Arabia hiện đã hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria, ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Yemen và đang bình thường hóa quan hệ với Iran. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Sudan.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/dang-sau-quyet-dinh-giam-san-luong-dau-cua-saudi-arabia-730737

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/588467-dang-sau-quyet-dinh-giam-san-luong-dau-cua-saudi-arabia.html