Đằng sau quyết định khiến cả thế giới sửng sốt của tỷ phú Elon Musk

Elon Musk gọi USAID là tổ chức tội phạm cần phải 'chết'. Những người ủng hộ cho rằng đây là tổ chức quan trọng với tầm ảnh hưởng của Mỹ và nếu bị phá bỏ 'sẽ khó lòng xây dựng lại'.

 Một cậu bé phải di dời do lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan vào ngày 5/10/2020, đang cầm chiếc xe jeep đồ chơi bên ngoài lều của gia đình với tấm vải che chắn do USAID tài trợ. Ảnh: Reuters.

Một cậu bé phải di dời do lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan vào ngày 5/10/2020, đang cầm chiếc xe jeep đồ chơi bên ngoài lều của gia đình với tấm vải che chắn do USAID tài trợ. Ảnh: Reuters.

Cuối tuần vừa qua khó có thể hỗn loạn hơn với USAID - Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ, theo NPR. Hôm thứ bảy (ngày 1/2), website của tổ chức này đã ngừng hoạt động, theo Internet Archive - một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi các website.

Một số trình duyệt hiển thị thông báo lỗi: "Không thể truy cập web này. Hãy kiểm tra xem có typo (lỗi đánh máy) nào trong www.usaid.gov không".

Tài khoản của cơ quan trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng đã bị xóa.

Sáng sớm 3/2, tỷ phú Elon Musk, phát biểu trong một cuộc trò chuyện trực tiếp "Space" trên X, cho biết Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của ông đang trong quá trình "đóng cửa USAID".

Hôm chủ nhật (ngày 2/2), Musk đã viết trên X rằng USAID là một "tổ chức tội phạm".

"Nó cần phải chết", ông viết.

AP đưa tin các nhân viên tại DOGE đã bị từ chối truy cập vào các tài liệu mật tại USAID hôm 1/2 và chính quyền ông Trump sau đó đã cho hai viên chức an ninh của USAID từ chối cấp quyền truy cập nghỉ phép.

Website "bay màu"

Elon Musk đã đưa ra những bình luận gây kinh ngạc này vào sáng sớm 3/2 trong một cuộc thảo luận nhóm mà người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ chia sẻ với Thượng nghị sĩ Joni Ernst (đảng Cộng hòa - bang Iowa), nhân vật từ lâu đã cố gắng thúc đẩy việc giám sát nhiều hơn đối với USAID; Vivek Ramaswamy; và Thượng nghị sĩ Mike Lee (đảng Cộng hòa - bang Utah). Musk cho biết ông có sự ủng hộ của Tổng thống Trump.

"Không điều gì trong số này có thể thực hiện được nếu không có sự ủng hộ hoàn toàn của tổng thống, mọi người biết đấy. Và liên quan đến vấn đề USAID, tôi đã đi, thảo luận chi tiết với ông ấy, mọi người biết đấy, và ông ấy đồng ý rằng chúng ta nên, chúng ta nên đóng cửa cơ quan này", ông nói.

Thông tin trực tuyến về USAID, cơ quan chịu trách nhiệm tài trợ cho các dự án viện trợ trên toàn thế giới và quản lý hơn 40 tỷ USD chi tiêu của liên bang vào năm 2023, được công bố trên một trang mới thuộc website của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo Internet Archive, trang đó đã được chụp lần đầu tiên vào ngày 27/1.

Có 7 mục trong phần USAID này - giảm rõ rệt các báo cáo và thông tin trên website USAID.gov ban đầu, bao gồm nhiều lĩnh vực trong danh mục đầu tư của cơ quan, từ hỗ trợ nhân đạo và y tế toàn cầu đến giáo dục và phòng ngừa xung đột. Mục đầu tiên xuất hiện trên web của Bộ Ngoại giao là thông cáo báo chí: "Thực hiện Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống về việc Đánh giá lại và Điều chỉnh lại Viện trợ nước ngoài của Mỹ". Tổng thống Trump đã tạm thời dừng viện trợ nước ngoài theo lệnh đó vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Ông cho rằng viện trợ nước ngoài đó phục vụ cho mục đích "làm mất ổn định hòa bình thế giới".

NPR cho biết Bộ Ngoại giao và USAID không trả lời các câu hỏi của đài này về việc chấm dứt hoạt động của website và tương lai của USAID sẽ ra sao.

Số phận của USAID sẽ ra sao?

Động thái này xuất hiện trong bối cảnh nhiều câu hỏi được đặt ra về số phận của cơ quan viện trợ, giữa những lo ngại trong cộng đồng viện trợ rằng USAID có thể bị sáp nhập vào Bộ Ngoại giao hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn.

Jeremy Konyndyk nói với NPR rằng việc xóa website và các tài khoản mạng xã hội cùng với việc sa thải đáng kể và đình chỉ công việc gần như hoàn toàn là một nỗ lực nhằm phá bỏ hoàn toàn USAID.

Ông Konyndyk đã lãnh đạo hoạt động cứu trợ thiên tai dưới thời Obama và các phản ứng với Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ dưới thời Biden tại USAID. Hiện tại, ông là chủ tịch của tổ chức Refugees International.

"Họ đang cố gắng xóa bỏ cơ quan này", Konyndyk nói.

"Họ không công bố kế hoạch và không đưa ra lý do - họ chỉ đang phá bỏ mọi thứ", ông nói thêm.

"Họ đang cố gắng thực hiện điều đó đằng sau hậu trường thay vì công khai", ông nhấn mạnh, vì vậy họ không phải "bảo vệ những gì họ đang làm" trong các thông báo trước công chúng.

Konyndyk đánh giá hậu quả của việc USAID bị thu hẹp hoặc xóa sổ sẽ rất tàn khốc, đồng thời lưu ý rằng một phần quan trọng trong các chương trình của tổ chức này là ngăn chặn các đợt bùng phát và dịch bệnh lan đến biên giới Mỹ.

USAID đang "hứng chịu một cuộc loại bỏ, thanh trừng và giải thể bất hợp pháp", tiến sĩ Atul Gawande, cựu trợ lý quản trị viên về y tế toàn cầu tại USAID, viết trong một bài đăng trên Bluesky hôm 2/2. Động thái này là "sự phá hủy bất hợp pháp công việc cứu người của USAID", tiến sĩ Gawande nói với NPR.

"USAID đã trở thành nơi chính quyền thể hiện và phát triển sách lược của mình để phá bỏ các cơ quan mục tiêu khác", vị tiến sĩ nhận định.

Việc đóng cửa website diễn ra sau lệnh ngừng hoạt động và cho tạm nghỉ hoặc sa thải hàng trăm nhân viên của USAID.

Trong hai tuần đầu tiên nhậm chức, chính quyền ông Trump đã cho các lãnh đạo cấp cao tại USAID nghỉ phép và sa thải hoặc cho tạm nghỉ hơn 400 nhân sự hợp đồng tại Bộ phận Hỗ trợ Nhân đạo của cơ quan này và cũng sa thải hàng trăm người khác tại Bộ phận Y tế Toàn cầu.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đang lên án những hành động này. Việc giải thể USAID sẽ là "bất hợp pháp và đi ngược lại lợi ích quốc gia của chúng ta", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đăng trên Bluesky vào tối 31/1.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy cho biết trong bài đăng trên X hôm 1/2 rằng "sự phá bỏ hoàn toàn" đối với USAID đang xảy ra và sẽ là "thảm họa".

Có hợp pháp không?

Câu hỏi về tính hợp pháp của bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi tình trạng của USAID đều liên quan đến nguồn gốc ra dời của cơ quan này. USAID được thành lập vào năm 1961 khi Tổng thống John F. Kennedy ký một sắc lệnh hành pháp sau khi Quốc hội thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài, trong đó yêu cầu thành lập một cơ quan độc lập để tập trung vào phát triển tách biệt với chính trị và quân sự.

Cơ quan này được Quốc hội chính thức thành lập với tư cách một tổ chức độc lập vào năm 1998. Điều đó có nghĩa là "tại thời điểm này, không thể hủy bỏ cơ quan như vậy bằng một sắc lệnh hành pháp", ông Konyndyk nêu rõ.

"Để thực sự giải thể cơ quan này và nhập nó vào Bộ Ngoại giao sẽ cần đến một đạo luật của Quốc hội".

Ông Konyndyk lưu ý rằng trước đây, USAID đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng, bao gồm cả các nhà lập pháp như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell.

Dương Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/dang-sau-quyet-dinh-khien-ca-the-gioi-sung-sot-cua-ty-phu-elon-musk-post1528846.html