Đằng sau quyết định từ chức của Thủ tướng Abe

'Cảm giác lo lắng rằng mình nên làm nhiều hơn một chút cứ đeo bám tôi mãi không rời', Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói trong buổi họp báo từ chức ngày 28/8.

Theo Nikkei Asian Review, ông Abe đã quyết định từ chức vào hôm 24/8 sau khi khám sức khỏe lần thứ hai trong tháng 8 tại Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo và phát hiện bản thân sụt gần 10 kg chỉ trong một tuần.

Từ tháng 6, ông bắt đầu nhận thấy dấu hiệu căn bệnh viêm đại tràng ảnh hưởng đến các hoạt động thường nhật. “Có dấu hiệu căn bệnh tái phát nặng trở lại”, một trong những bác sĩ của ông Abe khẳng định sau buổi khám sức khỏe hôm 13/6.

Tình trạng bệnh viêm đại tràng của nhà lãnh đạo 65 tuổi trở nên trầm trọng hơn khi cơ thể ông phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng. Ngay trước khi căn bệnh tái phát, Thủ tướng Abe đã phải căng sức làm việc trong lúc nước Nhật chật vật đi qua cơn khủng hoảng mang tên Covid-19. Trong vài tháng trước quyết định hôm 28/8, tình trạng sức khỏe lẫn các diễn biến trên chính trường đều chỉ dấu về một sự ra đi cho ông Abe.

Kiệt quệ thể chất lẫn tinh thần

Sau hàng loạt chỉ trích từ người dân hướng vào các chiến lược đối phó với đại dịch của chính phủ, tỷ lệ ủng hộ chính quyền Thủ tướng Abe đã chạm đáy kể từ thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình vào tháng 12/2012.

“Tại sao chúng tôi (chính phủ) không nhận được sự ủng hộ của công chúng mặc dù tình hình đại dịch ở Nhật Bản đã được kiểm soát tốt hơn so với các quốc gia khác?”, ông Abe phát biểu.

Ngày 19/6, Thủ tướng Abe có bữa tối dài hai tiếng rưỡi với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari.

Cả ba quan chức trên đều là đồng minh thân cận của Thủ tướng Abe. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên vào tháng 9/2007 với lý do sức khỏe, ba nhân vật này đã ủng hộ ông Abe quay lại chính trường Nhật Bản.

 "Tại sao chính phủ không nhận được sử ủng hộ từ người dân ngay cả khi tình hình đại dịch ở Nhật Bản đã được khống chế?", ông Abe phát biểu. Ảnh: Reuters.

"Tại sao chính phủ không nhận được sử ủng hộ từ người dân ngay cả khi tình hình đại dịch ở Nhật Bản đã được khống chế?", ông Abe phát biểu. Ảnh: Reuters.

Buổi họp mặt của bộ tứ quyền lực diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ thủ tướng dài kỷ lục của ông Abe sắp kết thúc. Do đó, sự kiện này được xem như dấu mốc khởi đầu cho thời kỳ hậu Abe. Tuy nhiên, thủ tướng 65 tuổi lúc bấy giờ đang chật vật chống chọi với những áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đầu tháng 7, số ca dương tính với Covid-19 tại Nhật tăng mạnh trở lại, chủ yếu tập trung ở Tokyo.

Trong các buổi họp định kỳ tại văn phòng thủ tướng, vẻ mệt mỏi, xanh xao và thiếu rõ ràng trong việc đưa ra các quyết sách của ông Abe ngày càng lộ rõ.

Cuối tháng 7, Thủ tướng Abe không tham gia các phiên họp bất thường của Quốc hội Nhật Bản, cuộc họp cải tổ nội các và những buổi họp của đảng cầm quyền.

 Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là người đảm đương trọng trách hoạch định chính sách thay ông Abe trong thời gian bệnh viêm đại tràng của thủ tướng tái phát. Ảnh: Kyodo News.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là người đảm đương trọng trách hoạch định chính sách thay ông Abe trong thời gian bệnh viêm đại tràng của thủ tướng tái phát. Ảnh: Kyodo News.

Với vai trò của mình trong chính phủ, ông Suga đã tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến mũi nhọn như chương trình “Go to travel” để thúc đẩy ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Một số nhà lập pháp Nhật Bản bày tỏ sự bất mãn với việc thủ tướng không còn là người đứng đầu công tác hoạch định chính sách.

Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Abe lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ cản bước ông trên con đường thiết lập di sản lâu dài của mình. Những mục tiêu ấp ủ từ lâu về việc sửa đổi hiến pháp và giải quyết toàn diện các vấn đề ngoại giao thời hậu chiến với Nga và Triều Tiên giờ đây dường như đã nằm ngoài tầm với.

“Một chính quyền sẽ đi đến hồi kết khi mất đi mục tiêu”, ông Aso cảnh báo, và giờ đây, dường như thông điệp đó đang dần trở thành hiện thực.

Nỗi lo về người kế nhiệm

Thủ tướng Abe từng xem nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) Fumio Kishida là ứng cử viên hàng đầu trong việc tiếp quản vai trò của mình.

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Kishida đã không thể hiện được vai trò lãnh đạo trong việc hoạch định chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 và mất đi sự ủng hộ trong đảng.

Nhiệm kỳ của các thành viên Hạ viện Nhật Bản hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 10/2021. Thủ tướng Abe nhận ra rằng vào thời điểm bầu cử đến gần, đối thủ lâu đời của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cựu Tổng thư ký LDP Shigeru Ishiba ngày càng chiếm nhiều lợi thế.

Khi ông Abe lãnh đạo LDP tranh cử vào Thượng viện năm 2007 và thất bại, Ishiba là người đã vận động phong trào trong đảng nhằm loại bỏ quyền lực của ông Abe.

“Ishiba gần đây hay đi ăn với ai vậy?”, thủ tướng 65 tuổi đôi khi hỏi các phụ tá của mình. “Tôi không thể từ chức trong hoàn cảnh này ngay cả khi bản thân tôi muốn làm vậy”, ông Abe nói.

 Ông Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters.

Ông Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters.

Công cuộc tìm kiếm người kế nhiệm sắp tới có lẽ là cuộc tuyển chọn nhân sự quan trọng nhất trong những năm cầm quyền của ông Abe.

Ông Aso, đồng minh thân cận của thủ tướng, đã đưa ra một số lời khuyên. “Hãy nghỉ ngơi thật tốt trước khi nghĩ đến việc chuyển giao quyền lực. Chúng tôi không muốn ông đưa ra quyết định trong trạng thái cạn kiệt sức lực”, ông nói với thủ tướng sau buổi họp nội các hôm 7/8.

Thời điểm đó, các bác sĩ cảnh báo Thủ tướng Abe về tình hình tái phát bệnh viêm đại tràng của ông. Ông bắt đầu điều trị bằng thuốc và cũng không quá bận tâm đến việc giữ bí mật về tình hình sức khỏe của bản thân đối với công chúng.

“Chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh viêm đại tràng. Tôi đã khống chế căn bệnh dai dẳng này trong nhiều năm qua”, ông Abe nói với một người bạn.

Tránh vết xe đổ của chính mình

Cuộc kiểm tra y tế của thủ tướng vào ngày 17/8 tại Đại học Keio kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ.

Thủ tướng Abe lặng lẽ nói với các phụ tá về quyết định từ chức của mình sau buổi gặp với các bác sĩ lần thứ hai hôm 24/8.

“Công việc này đòi hỏi một cơ thể khỏe mạnh. Tôi không thể nhìn nhận các vấn đề chính trị một cách sai lầm vì tình hình sức khỏe của mình được”, ông Abe nói với các phụ tá trong khi đưa ra chỉ dẫn về những thủ tục cần thiết trong thời gian tới.

Trong lần từ chức đột ngột khiến nước Nhật rơi vào trình trạng không có lãnh đạo năm 2007, ông Abe hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ công luận vì đã không hành động đến cùng.

“13 năm trước, tôi đã mắc sai lầm trong việc từ chức, nên lần này tôi muốn quyết định sớm để tránh đẩy nước Nhật vào tình trạng không có lãnh đạo một lần nữa”, Thủ tướng Abe nói với một phụ tá của mình.

 Thủ tướng Abe đang cố không lặp lại những sai lầm khi từ chức như năm 2007. Ảnh: AP.

Thủ tướng Abe đang cố không lặp lại những sai lầm khi từ chức như năm 2007. Ảnh: AP.

Ngày 28/8, trước buổi họp báo từ chức, ông Abe đã đến trụ sở LDP để thông báo với Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai và chuyển thông điệp đến đồng minh Natsuo Yamaguchi về ý định từ chức của mình.

Những động thái trên cho thấy nỗ lực làm đúng quy trình từ chức của Thủ tướng Abe, tránh lặp lại sự đột ngột như hồi 2007.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản gần đây đang đọc bộ sách ba tập mang tên Napoleon của tác giả Kenichi Sato. Nhưng sau khi đọc xong hai cuốn đầu tiên, ông đã dừng lại.

“Tôi nghĩ mình không cần đọc quyển thứ ba. Những tình tiết sau hai cuốn đầu tiên đều cho thấy sự xuống dốc của Napoleon Bonaparte”, ông Abe nói.

Ở mặt nào đó, Thủ tướng Abe rõ là cảm thấy mối liên hệ với nhà lãnh đạo Pháp lừng danh vào thế kỷ 19.

Thủ tướng Abe thông báo lý do ông đột ngột từ chức Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chiến đấu với bệnh viêm loét đại tràng trong nhiều năm. Bệnh tình của ông tái phát và trở nên xấu đi từ tháng 7.

Nguyễn Bá

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-quyet-dinh-tu-chuc-cua-thu-tuong-abe-post1126121.html