Đằng sau sự hạ nhiệt đột ngột của giá đồng và nguyên liệu thô
Đồng và một số nguyên liệu thô đã mất giá kể từ tháng 3 đến nay. Vậy đâu là nguyên nhân của việc hạ giá này?
Đồng đã mất đi một phần ánh hào quang, với giá kim loại đỏ - thước đo độ nóng của nền kinh tế thế giới - giảm 30% kể từ tháng 3/2022 đến nay.
Phân tích về nguyên nhân và hệ quả của sự hạ nhiệt đột ngột này, nhật báo Le Monde cho biết trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME), giá của kim loại này thậm chí còn giảm xuống dưới 7.000 USD/tấn trong phiên giao dịch 15/7, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay. So với mức kỷ lục ghi nhận vào ngày 7/3, khi giá kim loại này được giao dịch trong trạng thái "hưng phấn" ở mức 10.730 USD/tấn, giá đồng hiện đã giảm 30%.
Không chỉ đồng mà cả các kim loại công nghiệp khác ít nhiều cũng đã giảm giá. Từ nhôm, kẽm đến nickel, xu hướng chung đều là giảm giá. Kể từ đầu năm, giá kẽm đã giảm 18%, giá nhôm giảm 16% và giá nickek giảm 7%.
Tuy nhiên, các nhà quan sát kinh tế quan tâm đến số phận của đồng hơn cả bởi đây là kim loại được nhiều ngành công nghiệp sử dụng, và đồng được coi như một "hàn thử biểu" của nền kinh tế.
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng Hai, các nhà đầu tư đã lo sợ căng thẳng về nguồn cung có thể xảy ra, dẫn đến một cơn sốt trên thị trường, vốn đã nóng lên bởi sự phục hồi kinh tế sau hai năm khủng hoảng COVID-19. Hệ quả là giá cả đã tăng vọt.
* Lạm phát, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đồng USD tăng giá
Kể từ tháng 4/2022, gió dường như đã đổi chiều. Khi Trung Quốc áp dụng chiến lược "Zero COVID", chủ đề dịch bệnh trở lại vị trí được quan tâm hàng đầu. Mặc dù đã đỡ nghiêm ngặt hơn, nhưng các biện pháp phong tỏa mà Trung Quốc thực hiện vẫn đáng lo ngại. Những quy định hạn chế này đã ảnh hưởng đến các thành phố lớn như Thâm Quyến hay Bắc Kinh và đặc biệt là Thượng Hải, có thể không chỉ làm chậm lại động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu.
Dữ liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia công bố vào giữa tháng Bảy đã chứng minh điều đó. Trong quý II/2022, tăng trưởng ở Trung Quốc chỉ đạt 0,4%. So với mức tăng 4,8% của quý I/2022, đây quả là một sự sụt giảm đột ngột.
Từ nỗi lo thiếu kim loại, tâm lý chung đã chuyển sang lo ngại rằng nhu cầu sẽ bị xói mòn. Trên thực tế, Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ đồng hàng đầu, sử dụng gần như 60% sản lượng của thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Nhóm nghiên cứu kim loại đồng quốc tế, nguồn cung đồng đã vượt nhu cầu khoảng 95.000 tấn trong bốn tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng băn khoăn về tình hình kinh tế của châu Âu và Mỹ trong tương lai. Cơn sốt lạm phát đã bùng lên. Để hạn chế tình trạng quá nóng, các ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng USD mạnh lên thậm chí đến mức ngang bằng với đồng euro.
Đồng bạc xanh mạnh lên cũng kéo theo xu hướng giảm giá của hàng hóa. Cuối cùng, châu Âu đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa Đông 2022-2023 nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.
* Nhu cầu dự kiến sẽ vẫn tăng trong những năm tới
Trong bối cảnh này, các sàn giao dịch đang xôn xao với những kịch bản gợi lên nguy cơ suy thoái. Điều này trên thực tế sẽ gây ra hậu quả đối với mức tiêu thụ đồng và các kim loại công nghiệp khác. Sự hạ nhiệt của nhu cầu do suy thoái kinh tế có thể dẫn đến tình trạng dư cung kéo dài.
Như một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi này, ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh giảm đáng kể dự báo giá kim loại đồng, ở mức 6.700 USD/tấn trong ba tháng tới, giảm 22% so với ước tính trước đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, dưới sự thúc đẩy của nền kinh tế toàn cầu đang mong muốn “quay lưng” với nhiên liệu hóa thạch và nỗ lực khử carbon, nhu cầu về kim loại dùng để sản xuất pin điện hoặc tuabin gió sẽ tăng cao trong những năm tới.
Đồng, nickel, cobalt và lithium thường được coi là các nguyên liệu quý của quá trình chuyển đổi năng lượng này. S&P Global thậm chí còn đánh giá rằng nhu cầu đồng có thể tăng gấp đôi, từ 25 triệu tấn lên 50 triệu tấn vào năm 2035./.