Đằng sau tính toán cho rằng Omicron lây lan nhanh hơn Delta 500%
Qua quan sát diễn biến dịch ở Nam Phi, một số nhà khoa học dự đoán biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 500% Delta. Tuy nhiên, những dữ liệu hiện có vẫn còn rất ít ỏi.
Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ (FAS), hôm 26/11 chia sẻ trên Twitter rằng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến chủng Delta. "Một chỉ số đáng kinh ngạc nhất cho tới nay”, ông Feigl-Ding viết, kèm theo biểu đồ thể hiện lợi thế cạnh tranh giữa các biến chủng.
Trước đó, WHO liệt kê B.1.1.529, với tên gọi Omicron, vào danh sách các biến chủng đáng quan ngại theo lời khuyên của nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus (TAG-VE).
Bằng chứng mà TAG-VE thu thập được cho thấy Omicron có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đáng kể, chẳng hạn mức độ lây lan nhanh hay khiến bệnh nặng hơn.
Nhìn vào diễn biến dịch bệnh ở Nam Phi, có thể phỏng đoán các đột biến giúp Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn. Những đột biến cũng giúp tăng khả năng của biến chủng để qua mặt hệ miễn dịch của con người, dù đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh.
Tại sao gây lo ngại?
Theo biểu đồ mà ông Eric Feigl-Ding chia sẻ, nhà khoa học dựng biểu đồ JPWeiland giải thích mô hình này thể hiện lợi thế cạnh tranh của Omicron so với chủng chiếm ưu thế trước đây.
Dựa trên thông tin cơ bản hiện có về tỷ lệ nhiễm Omicron so với Delta theo thời gian giải trình tự gene, ông cho rằng số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng từ 1% đến 90% tổng số ca chỉ trong vòng 3 tuần, do đó khả năng lây nhiễm của chủng này gấp 500% so với Delta.
Tuy nhiên, nhà khoa học JPWeiland cũng lưu ý mô hình dự đoán này dựa trên dữ liệu giải trình tự gene mới nhất của Nam Phi theo thời gian từ GISAID, hiện tại vẫn còn quá ít dữ liệu, do đó, đây chỉ là trường hợp tham khảo.
“Tôi cầu nguyện những số liệu này sẽ sai. Nhưng tôi lo lắng về tình hình ở miền Nam châu Phi”, ông Feigl-Ding chia sẻ.
Tiến sĩ Ulrich Elling - nhà sinh học phân tử tại Viện Công nghệ sinh học phân tử ở Vienna, Áo - nói với DW hôm 28/11 rằng những ước tính ban đầu cho thấy biến chủng mới có thể lây nhiễm nhiều hơn 500% so với Delta.
"Cần lưu ý là Delta lây nhiễm cao hơn Alpha khoảng 60%", ông nói. "Chúng ta chứng kiến số ca mắc ngày hôm trước nhiều gấp 100 lần so với chỉ 25 ngày trước đó".
Ngoài ra, nhà khoa học người Mỹ Feigl-Ding cũng chú ý tới vị trí phân cắt furin trong protein gai của virus - phần quan trọng giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào và giúp xác định khả năng lây truyền của nó.
Ông Feigl-Ding cũng cho biết đây là lần đầu tiên một biến chủng có đột biến vị trí phân cắt 2 furin. Biến chủng Omicron không chứa một mà hai đột biến ở vị trí phân cắt furin - P681H và N679K. Theo nhà virus học Tom Peacock, đây là lần đầu tiên ông quan sát được những đột biến này ở cùng một chủng virus SARS-CoV-2.
Theo CNN, một số đột biến của Omicron từng xuất hiện trên các biến chủng khác và là đặc điểm khiến các biến chủng này trở nên nguy hiểm hơn. Trong số đó có E484A, phiên bản khác của đột biến E484K có thể khiến một số kháng thể khó nhận ra virus.
Omicron cũng mang N501Y - đột biến giúp tăng khả năng lây nhiễm của biến chủng Alpha và Gamma. Tuần trước, chuyên gia Scott Weaver thuộc nhánh Y tế Đại học Texas báo cáo trên tạp chí Nature rằng đột biến đặc biệt này khiến virus nhân lên tốt hơn ở đường hô hấp trên - mũi và cổ họng - và có khả năng lây lan mạnh khi mọi người hít thở, hắt hơi và ho.
Giống như Delta, Omicron cũng có đột biến tên D614G giúp virus bám vào các tế bào mà nó lây nhiễm tốt hơn.
Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là Omicron mang theo 32 đột biến trên gai protein, bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào cơ thể người và đồng thời là đối tượng mà các loại vaccine Covid-19 nhắm đến.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này đã xảy ra và cũng không thể chỉ nhìn vào số lượng đột biến để kết luận. Giới nghiên cứu sẽ phải chờ xem liệu có nhiều ca lây nhiễm đột phá do Omicron gây ra hơn các chủng khác hay không.
Một nỗi sợ khác là đột biến có thể khiến virus ít nhạy hơn đối với các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, WHO cho biết những đột biến này chưa chắc đã ảnh hưởng tới các phương pháp điều trị khác, bao gồm thuốc kháng virus đang phát triển hay steroid dexamethasone giá rẻ.
Những trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron được xác định ở Botswana vào ngày 11/11, trong khi Nam Phi ghi nhận 3 ngày sau đó. Tại Hong Kong, một người đàn ông 36 tuổi có kết quả PCR âm tính khi trở về từ Nam Phi hôm 11/11, nhưng lại cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron vào ngày 13/11 khi đang cách ly.
Biến chủng Omicron đã lây lan ra nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Canada, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Italy, Israel, Hong Kong, Botswana và Nam Phi.
Tại Nam Phi, tốc độ lây nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh đáng báo động.
Nếu như trong ngày 11/11 khi ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện, Nam Phi chỉ ghi nhận 120 ca nhiễm mới ở Gauteng, thì hôm 28/11, con số này đã lên đến 2.308. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy gần như tất cả ca bệnh mới đều nhiễm một chủng virus đột biến thiếu đi gene S so với chủng Delta.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Nam Phi vào ngày 11/11 là 1%, nay con số này đã tăng lên 3,7% sau gần 2 tuần, theo Our World in Data.
Chưa thể kết luận chắc chắn
Vẫn còn quá sớm để kết luận về độc lực của Omicron. Hôm 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đăng tải thông tin cập nhật về biến chủng mới Omicron.
Kết luận ngày 28/11 cho thấy vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn các biến chủng khác hay không. Tại nhiều khu vực của Nam Phi ảnh hưởng bởi biến chủng này, số người có kết quả dương tính tăng lên. Giới dịch tễ học đang nghiên cứu để tìm hiểu xem xu hướng trên là do biến chủng Omicron hay yếu tố khác.
WHO cũng chưa có câu trả lời chính xác người nhiễm chủng Omicron có tình trạng bệnh nặng hơn so với khi nhiễm chủng khác hay không, bao gồm cả Delta.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, chưa chắc xuất phát từ Omicron.
Tiến sĩ Angelique Coetzee - Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về biến chủng mới - nói với BBC rằng những bệnh nhân nhiễm chủng Omicron của bà và các đồng nghiệp có triệu chứng nhẹ.
Bà bắt đầu thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện các triệu chứng khác so với khi mắc Delta từ ngày 18/11. Bệnh nhân nam 33 tuổi cho biết anh cảm thấy rất mệt mỏi trong vài ngày qua, đau nhức toàn thân và đau đầu, ngứa họng nhưng không đau họng, ho và mất khứu giác hay vị giác - những triệu chứng điển hình liên quan đến các biến chủng virus corona trước đó.
Tuy nhiên, bà cũng nói rằng đây mới chỉ là quan sát ban đầu giữa bà và các đồng nghiệp chứ không phải là kết luận cuối cùng. WHO cho biết hiện tại, không có thông tin nào chứng minh các triệu chứng liên quan Omicron khác với các triệu chứng ở các biến chủng khác.
Bên cạnh đó, bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể người từng mắc Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm Omicron cao hơn. WHO cũng đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động của Omicron với những biện pháp đối phó hiện có như vaccine. Vaccine Covid-19 được xem là chìa khóa quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong. Theo kết quả hiện tại, các vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả với biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, ngay cả nếu Omicron được xác định không quá nguy hiểm như các chuyên gia lo ngại, sự xuất hiện của biến chủng này cũng là bằng chứng tiếp theo cho thấy một biến chủng nguy hiểm có thể ra đời bất cứ lúc nào, đe dọa hy vọng khôi phục cuộc sống bình thường.
Đến nay, WHO đã đưa 5 biến chủng vào danh sách đáng lo ngại. Alpha, biến chủng được phát hiện lần đầu ở Anh, là nguyên nhân làn sóng dịch bệnh tồi tệ ở Mỹ và châu Âu đầu năm 2021. Trong khi đó, biến chủng Delta mang tới làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 4 đến nay.
Một biến chủng khác trong danh sách đáng lo ngại là Beta. Biến chủng này có những đột biến làm giảm hiệu quả của các loại vaccine Covid-19.