Đằng sau việc Indonesia ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 cho người trẻ tuổi

Indonesia đang lên kế hoạch tiêm phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động trước nhóm người cao tuổi. Chủ trương này đối lập với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Theo hãng Bloomberg, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhận được vaccine COVID-19 đặt mua từ các hãng dược phẩm lớn. Chính phủ nước này sẽ tập trung tiêm chủng cho người dân từ 18 – 59, khởi đầu là đối tượng làm việc ở tuyến đầu như nhân viên y tế, cảnh sát và binh sĩ.

Trong khi đó, tuần trước, Anh đã mở đầu chương trình tiêm chủng sớm nhất thế giới bằng việc tiêm cho một cụ bà 91 tuổi. Quốc gia này chủ trương tiêm vaccine cho nhóm dân số dễ bị virus tấn công nhất chính là người già, tương tự nhiều quốc gia khác.

Indonesia sẽ tiêm cho những người hay phải di chuyển cũng như những người sống ở vùng lây nhiễm mạnh. Ảnh: EPA-EFE

Indonesia sẽ tiêm cho những người hay phải di chuyển cũng như những người sống ở vùng lây nhiễm mạnh. Ảnh: EPA-EFE

Mỹ cũng triển khai tiêm ngừa COVID-19 cho người cao tuổi trước tiên, theo lời khuyên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) rằng cần ưu tiên nhân viên y tế và người sống trong viện dưỡng lão, sau đó là những người có bệnh lý nền.

Trong bối cảnh số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 tiếp tục tăng, chính phủ các nước đang lúng túng trước câu hỏi rằng đối tượng nào nên được tiêm trước. Mặc dù chiến lược hiện tại của Indonesia khác biệt nhưng nó có thể báo hiệu cách các quốc gia đang phát triển khác có thể cân nhắc triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng dựa trên thực trạng họ chưa thể mua đủ vaccine cho toàn bộ dân số.

Ông Amin Soebandrio, Giám đốc tại Viện sinh học phân tử Eijkman ở Jakarta lý giải: “Mục tiêu của chúng tôi là miễn dịch cộng đồng. Với việc nhóm dân số năng động và tiếp xúc nhiều nhất – trong độ tuổi từ 18 – 59 – được tiêm chủng, họ sẽ tạo thành một pháo đài để bảo vệ các nhóm khác. Sẽ kém hiệu quả hơn nếu chúng tôi dùng số lượng vaccine hạn hẹp để tiêm cho người già khi mà họ ít tiếp xúc với người khác hơn”.

Tiêm ngừa cho lực lượng lao động

Indonesia đang nhắm đến những người di chuyển nhiều nhất do yếu tố công việc, cũng như các khu vực có số ca nhiễm cao nhất, trong bối cảnh quốc gia này muốn sử dụng vaccine làm công cụ để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Nhân viên y tế trên đảo Java và Bali – khu vực chiếm trên 60% số ca mắc COVID-19 tại Indonesia – sẽ nhận được 1,2 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Nhân viên tuyến đầu ở các địa phương cũng sẽ nhận được ưu tiên tương tự. Ngày triển khai tiêm chủng sẽ được ấn định khi cơ quan quản lý dược phẩm của Indonesia đưa ra quyết định.

Nhân viên khử trùng các thùng vaccine Sinovac tại một cơ sở y tế ở Java hôm 6/12. Ảnh: Strait Times

Nhân viên khử trùng các thùng vaccine Sinovac tại một cơ sở y tế ở Java hôm 6/12. Ảnh: Strait Times

Jakarta đặt mục tiêu sở hữu 260 triệu liều vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng theo tính toán của họ. Theo đó, họ cần để tiêm cho 107 triệu người, tức 67% nhóm dân 18 – 59 tuổi và chỉ tương đương với 40% toàn bộ dân số. Con số này thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn miễn dịch cộng đồng được công nhận chung: 60 – 72% dân số của một quốc gia.

Mục tiêu của Chính phủ Indonesia sẽ đạt được nhờ 155,5 triệu liều mua của Sinovac và Novavax cùng với 116 triệu liều mua của Pfizer, AstraZeneca và Covax. Đất nước Đông Nam Á này cũng đang nghiên cứu phát triển loại vaccine nội địa mang tên Merah Putih nhằm bổ sung nguồn cung.

Giới chuyên gia lại đánh giá kế hoạch tiêm chủng của Jakarta một cách thận trọng. Bà Raina MacIntyre, Giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales, nói: “Indonesia có nền dân số trẻ nên điều này có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Song tôi cho rằng việc tiêm phòng cho người lớn tuổi là rất hợp lý. Dù vậy, xét cho cùng, với nguồn cung vaccine hạn chế, sự khác biệt giữa các chiến lược dựa trên độ tuổi là không lớn”.

Sự lựa chọn khó khăn

Đất nước có nền dân số lớn thứ 4 thế giới này đang xếp người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai vào cuối danh tiêm chủng bởi họ không có dữ liệu để đảm bảo tính an toàn của các loại vaccine COVID-19 mới mẻ cho nhóm đối tượng trên, theo giải thích của Bộ trưởng Y tế Agus Putranto hôm 10/12. Vaccine Sinovac đã được thử nghiệm trên tình nguyện viên từ 18 – 59 tuổi. Vì vậy, Jakarta không yên tâm khi tiêm cho nhóm đối tượng khác.

Một ngày sau khi Anh bắt đầu phân phối vaccine Pfizer, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ra khuyến cáo người dân có tiền sử dị ứng không nên tiêm thuốc sau khi có hai người gặp phản ứng phụ.

Không ngoại lệ, người già chiếm phần lớn số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia. Cụ thể, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 39% trong số 19.111 người tử vong, trong khi người từ 46 – 69 tuổi chiếm 36%.

Cuối cùng, quyết định tiêm cho ai còn phụ thuộc vào việc một quốc gia có thể sở hữu bao nhiêu liều vaccine. Ông C.B. Kusmaryanto, thành viên Diễn đàn đạo đức sinh học Indonesia cho rằng các nước phát triển có thể tiêm cho người già trước do biết rõ họ đủ vaccine cho toàn bộ người dân. Trường hợp này không đúng với Indonesia. “Chúng tôi không có lựa chọn tốt, chỉ có lựa chọn ít xấu hơn. Khi Indonesia chỉ có đủ vaccine tiêm cho những người nhiều khả năng lây nhiễm cho người khác thì đó là người nên tiêm đầu tiên”, ông nói.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-viec-indonesia-uu-tien-tiem-ngua-covid19-cho-nguoi-tre-tuoi-20201216144740464.htm