Đằng sau việc Mỹ tuyên bố tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine
Việc chính quyền Tổng thống Trump viện lý do cạn kiệt kho dự trữ để tạm dừng viện trợ Ukraine bị cho là phóng đại và có thể chỉ là cái cớ mang tính chính trị.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ tạm dừng các đợt chuyển giao tên lửa và đạn dược cho Ukraine với lý do lo ngại kho dự trữ vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết quyết định này được đưa ra nhằm “đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết”.
Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng chính quyền Trump đã phóng đại mức độ ảnh hưởng của việc viện trợ Ukraine đối với kho vũ khí của Mỹ và có thể đây chỉ là cái cớ để họ hạn chế dòng vũ khí chuyển cho Kiev.

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: USASAC
NBC News dẫn lời ba quan chức Mỹ nói rằng, một báo cáo phân tích do các sĩ quan cấp cao thực hiện cho thấy gói viện trợ sẽ không gây ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Ba trợ lý Quốc hội và một cựu quan chức Mỹ cho biết, chính Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã đơn phương ra quyết định tạm dừng viện trợ, sau khi yêu cầu Hội đồng tham mưu liên quân rà soát toàn bộ kho đạn dược. Tuy nhiên, kết quả rà soát không giống như những gì chính quyền Trump đã ám chỉ.
Ba quan chức nắm rõ vấn đề cho biết, đánh giá cho thấy một số loại đạn dược chính xác cao có lượng tồn kho ở mức thấp, song chưa xuống dưới mức tối thiểu cần thiết. Hội đồng tham mưu kết luận rằng tiếp tục viện trợ cho Ukraine sẽ không khiến kho dự trữ của Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Việc dừng chuyển giao diễn ra đột ngột đến mức một số lô vũ khí vốn đã được chất lên xe tải ở châu Âu, sẵn sàng chuyển đến Ukraine, cũng bị yêu cầu dừng lại. Những lô hàng này đã được phê duyệt từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ngày 7/7, Tổng thống Trump lại có dấu hiệu thay đổi lập trường khi nói với báo giới rằng các đợt viện trợ có thể sẽ tiếp tục. “Chúng ta phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ”, ông nói về việc tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Mỹ có quyền quyết định mức độ viện trợ cho một quốc gia khác và lượng lớn vũ khí chuyển cho Ukraine thời gian qua đã ảnh hưởng tới năng lực triển khai quân sự của Mỹ tại các khu vực khác. Chẳng hạn, số lượng hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ có rất hạn chế, nên việc triển khai đến nơi này thường đồng nghĩa với việc rút chúng khỏi nơi khác.
Tuy nhiên, việc tạm dừng viện trợ một cách đột ngột và không báo trước khiến Ukraine gặp khó khăn trong phòng thủ, nhất là khi Kiev đang nỗ lực giữ vững các vị trí ở miền Đông trước các đợt tấn công liên tiếp của Nga.
Hơn nữa, việc tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev cũng làm suy yếu vai trò trung gian hòa giải của ông Trump trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước, ông Trump bày tỏ thất vọng vì “không đạt được tiến triển” nào trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Dù vậy, sự thiếu nhất quán của ông Trump trong vấn đề viện trợ Ukraine được cho là một trong những yếu tố khiến Nga có thêm lý do để trì hoãn đàm phán, với hy vọng rằng ông Trump cuối cùng sẽ từ bỏ Ukraine trước khi đạt được thỏa thuận.