Đằng sau việc Na Uy trang bị 100% máy bay tàng hình F-35
Na Uy là quốc gia đầu tiên trên thế giới trang bị 100% chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 cho lực lượng không quân của mình nhưng ít ai biết cái giá mà quốc gia Bắc Âu này phải đánh đổi.
Chênh lệch mức giá
Ngày 6/1/2022, khi những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon cuối cùng bị loại biên sau 42 năm phục vụ, Lockheed Martin F-35A Lightning II đã đạt được Khả năng hoạt động ban đầu (Initial Operational Capability - IOC). Na Uy sau Italy và Anh, trở thành quốc gia châu Âu thứ ba đạt IOC với F-35. Không quân tiêm kích Hoàng gia Na Uy với 52 chiếc F-35A trở thành lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới được trang bị 100% tiêm kích thế hệ năm.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư ở một số tính năng chính - khả năng bay siêu thanh trong suốt hành trình mà không cần sử dụng chế độ đốt sau; sử dụng thiết kế và vật liệu chế tạo khung máy bay có độ phản xạ radar rất thấp; và có khả năng cơ động cao. Các tính năng khác bao gồm một thế hệ cảm biến, động cơ, liên kết dữ liệu và vũ khí mới.
Việc hoàn tất quá trình thay thế diễn ra chưa đầy một tháng sau khi nước láng giềng Phần Lan đặt hàng F-35, khiến người ta chú ý đến sự chênh lệch đáng kể về chi phí mỗi máy bay mà hai nước chi trả. Phần Lan đã mua 64 chiếc F-35 để thay thế các máy bay chiến đấu F-18 Hornet của mình với giá trung bình 1,3 tỷ krone Na Uy (147 triệu USD) cho mỗi máy bay, trong khi những chiếc mà Na Uy mua lại có giá 1,74 tỷ krone (197 triệu USD), đắt hơn 34%.
Theo Bjornar Moxnes, người từng là ủy viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Na Uy, việc Oslo lựa chọn F-35 được thực hiện dưới áp lực đáng kể từ Washington. Các tài liệu của WikiLeaks tiết lộ rằng Washington đã gây áp lực lớn để buộc Oslo phải lựa chọn máy bay chiến đấu F-35 đắt đỏ nhất trong lịch sử của Mỹ...
Có một số lời giải thích cho việc Phần Lan phải trả mức giá thấp hơn đáng kể cho những chiếc F-35. Helsinki mua một số lượng lớn máy bay chiến đấu hơn đã làm giảm chi phí cho mỗi đơn vị, điều này có thể giải thích phần nào sự khác biệt. Cuộc đấu thầu của Phần Lan về chiếc F-18E Super Hornet của Boeing cũng cạnh tranh hơn nhiều, gây áp lực đáng kể lên Lockheed Martin để đưa ra một lời đề nghị tốt hơn. Hơn nữa, Na Uy đã nhận được những chiếc F-35 của mình sớm hơn nhiều với chiếc đầu tiên được giao vào năm 2015, gần một thập kỷ trước khi chiếc đầu tiên được giao cho Phần Lan.
Đây là một yếu tố quan trọng vì giá thành của máy bay giảm rất nhiều theo thời gian khi quy mô sản xuất tăng lên. Các mẫu được sản xuất sau này cũng đã có những cải tiến đáng kể về hiệu suất. Việc mua của Na Uy cũng cấp thiết hơn so với Phần Lan do tuổi đời của những chiếc F-16 của nước này cao hơn nhiều (được giao lần đầu vào năm 1980), so với những chiếc F-18 của Phần Lan (được giao từ năm 1995). Những chiếc F-35 được giao vào năm 2015 là những chiếc đắt nhất được sản xuất.
Các nhà phân tích Na Uy cũng nhấn mạnh việc bán F-35 cho Phần Lan không phải là thành viên NATO là đặc biệt quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ đối với ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Chi phí cũng có thể được giải thích là do địa vị của Na Uy khác với Phần Lan là một đối tác trong chương trình F-35, điều này cho phép nước này không chỉ ảnh hưởng đến các quyết định phát triển mà còn sản xuất các bộ phận cho máy bay ngay trong nước. Chỉ riêng sự tham gia này của ngành công nghiệp quốc phòng Na Uy có thể gây nên chênh lệch về giá thành của các máy bay chiến đấu.
Và hơn thế nữa…
F-35 hiện là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất của phương Tây được sản xuất và cũng là loại máy bay tàng hình duy nhất được xuất khẩu. Loại biên F-16 để trang bị F-35, Na Uy ý thức được hiệu suất sử dụng F-35 thấp hơn nhiều so với F-16, cùng với đó là chi phí vận hành cũng cao hơn đáng kể - mỗi giờ bay của F-35 đắt hơn nhiều so với F-16 và thậm chí còn cao hơn cả máy bay thế hệ thứ tư sử dụng hai động cơ.
Việc bảo trì phức tạp của F-35 có thể trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong thời chiến, khi cung ứng bị hạn chế, phụ tùng thay thế khan hiếm và thời gian bay trên không với cường độ cao, khiến F-35 gặp nhiều rủi ro hơn. Một nguy cơ hiển hiện khi lực lượng không quân chỉ dựa vào F-35 là những chiếc F-35 hiện chưa có khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu, và dự kiến chỉ được coi là sẵn sàng chiến đấu cường độ cao, sau năm 2025.
Lầu Năm Góc tiếp tục trì hoãn việc đưa tiêm kích F-35 vào sản xuất quy mô lớn, do các lỗi thiết kế vẫn chưa khắc phục được. Những tồn tại này, là nguyên nhân những lời chỉ trích gay gắt về khả năng của F-35 của nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả hai đời bộ trưởng quốc phòng tiền nhiệm. Do vậy, trong một số năm, Na Uy sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của nước ngoài so với trước đây, đặc biệt là về phòng không, do F-35 chưa hình thành khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các máy bay chiến đấu F-35 của Na Uy được giao vai trò “Cảnh báo phản ứng nhanh” (Quick Reaction Alert) của NATO nếu có quyết định ngừng hoạt động Căn cứ không quân Bodo phía trên Vòng Bắc Cực. Lý do là ở đó, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, công tác bảo đảm hậu cần của các đơn vị F-35 có thể bị tê liệt. Tuy nhiên, một khi đạt đến mức độ sẵn sàng hoạt động cao hơn, F-35 sẽ cung cấp khả năng phòng thủ lớn hơn nhiều cho Không quân Na Uy so với trang bị F-16; và do quy mô của chương trình sẽ tiếp tục nhận được những nâng cấp đáng kể trong nhiều năm tới, giúp nâng cao khả năng hoạt động.
Đáng chú ý, Na Uy là khách hàng ưu tiên và là đối tác quan trọng trong cả chương trình tiêm kích F-16 và F-35. Na Uy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu được trang bị chiến đấu cơ F-16, từ năm 1980 - chỉ hai năm sau khi Không quân Mỹ nhận được loại chiến đấu cơ đó và họ cũng là quốc gia nhận F-35 cùng năm với Không quân Mỹ, năm 2015. Việc chuyển đổi sang máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Na Uy phần lớn được tạo điều kiện thuận lợi bởi mối quan hệ với Mỹ, cũng như quy mô nhỏ của lực lượng không quân chiến đấu Na Uy, cần số lượng F-35 tương đối nhỏ.
Những hạn chế về khả năng của F-35 hiện tại đồng nghĩa với việc Na Uy sẽ phụ thuộc nhiều hơn so với trước đây vào sự hỗ trợ của nước ngoài, đặc biệt là cho phòng không trong trường hợp xung đột, vì những chiếc F-16 của họ, mặc dù đã cũ, nhưng vẫn hoạt động đầy đủ. Hiện vẫn chưa chắc chắn, không quân của quốc gia nào sẽ tiếp tục sở hữu hoàn toàn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, nhưng chắc chắn không phải là Không quân Mỹ. Lực lượng không quân tiếp theo sẽ trang bị hoàn toàn bằng F-35 có khả năng là các lực lượng nhỏ hơn, như của Bỉ, Thụy Sĩ hoặc Phần Lan./.