Đằng sau việc Nga đổi điểm phóng tên lửa sang Ukraine, từ Biển Đen sang biển Azov
Lý do Nga đổi điểm phóng tên lửa nhằm vào Ukraine từ Biển Đen sang từ biển Azov và liệu chiến thuật này hiệu quả tới đâu?
Tuần rồi, ông Dmitry Pletenchuk - phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine cho hay các tàu chiến của Nga đã bắt đầu đổi điểm phóng tên lửa vào Ukraine sang từ biển Azov thay vì từ Biển Đen, cho rằng Moscow có thể cảm thấy việc bố trí tàu chiến ở Biển Đen đã không còn an toàn, theo tờ Kyiv Independent.
Biển Đen không còn an toàn
Lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong đêm 22-6, nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng tại nhiều khu vực của Ukraine.
Theo ông Pletenchuk, 4/16 tên lửa được bắn đi trong cuộc tấn công là tên lửa hành trình Kalibr và những tên lửa này được phóng từ các tàu chiến tại biển Azov.
Ông Pletenchuk nhấn mạnh cuộc tấn công trên của Nga là một bước ngoặt quan trọng với việc Nga sử dụng biển Azov vì cho rằng vùng biển này an toàn hơn Biển Đen.
Hồi tháng 2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga đã chịu thiệt hại nặng, với việc 25% tàu chiến Nga tại Biển Đen đã bị đánh chìm, hư hỏng hoặc bị phá hủy kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Các cuộc tấn công của Ukraine có thể đã buộc các tàu chiến Nga rút khỏi bán đảo Crimea và di chuyển tới vùng biển an toàn hơn.
Biển Azov giúp Nga an toàn hơn?
Biển Azov giáp với miền nam Ukraine, nối với Biển Đen thông qua eo biển Kerch, và điều quan trọng là Nga kiểm soát toàn bộ đường bờ biển này.
Theo lực lượng hải quân Ukraine, hôm 25-6, 7 tàu chiến Nga được phát hiện tại biển Azov, trong đó có 2 chiếc được trang bị tên lửa hành trình Kalibr.
Ông Matthew Boyse - nghiên cứu sinh tại Trung tâm châu Âu và Á-Âu thuộc Viện Hudson (Mỹ) - nhận định rằng việc Nga kiểm soát toàn bộ đường bờ biển Azov khiến Ukraine gặp khó trong việc triển khai xuồng tự sát chống lại các tàu chiến Nga.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các tàu chiến sẽ an toàn trước UAV và tên lửa của Ukraine.
“Biển Azov tương đối an toàn hơn vì trên lý thuyết, các tàu mặt nước có thể hưởng lợi từ sự bảo vệ vượt trội trên đất liền và các xuồng tự sát của Ukraine dường như không thể tiếp cận được” – chuyên gia an ninh hàng hải Basil Germond tại ĐH Lancaster (Anh) nói.
Dù vậy, ông Germond nói thêm các tàu chiến Nga tại biển Azov vẫn nằm trong tầm tấn công của UAV và tên lửa Ukraine.
Theo ông Mark Temnycky - chuyên gia tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) - việc Nga rời khỏi Biển Đen là dấu hiệu cho thấy lực lượng nước này đang dần dần điều chỉnh từ những sai lầm mà họ phạm phải trong hai năm rưỡi qua.
“Thấy hạm đội của mình bị Ukraine phá hủy, người Nga giờ đang tìm kiếm những lựa chọn mới để củng cố và bảo vệ các khu vực mà họ chiếm được”- ông Temnycky nói với trang Business Insider.
Biển Azov nằm gần các khu vực của Ukraine mà Nga kiểm soát, do đó các tàu Nga ở đó sẽ được bảo vệ tốt hơn, ông Temnycky nói thêm.
Nga cũng đang xây dựng hệ thống phòng thủ xung quanh eo biển Kerch. Trước đó trong tháng 6, hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã bố trí sà lan và thanh chắn nổi xung quanh eo biển này.
Các xuồng tự sát của Ukraine sẽ cần phải đi qua tuyến đường quá cảnh đó để đi đến biển Azov, ông Scott Savitz – kỹ sư cao cấp tại tổ chức tư vấn phi đảng phái RAND (Mỹ) - cho hay.
“Điều này giúp Nga dễ dàng phát hiện và nhắm mục tiêu vào các phương tiện mặt nước không người lái (USV) của Ukraine. Hơn nữa, tại khu vực biển Azov hạn chế, các tàu Nga có thể trú ẩn bên dưới các hệ thống phòng thủ tên lửa bố trí trên đất liền” – ông Savitz nói.
Điều đó có thể ngăn cản các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu và bằng UAV của Ukraine.
Còn theo ông Bryan Clark - cựu sĩ quan hải quân Mỹ và hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson - các máy bay Ukraine sẽ phải bay vòng quanh bán đảo Crimea và có nguy cơ bị lực lượng phòng không Nga tấn công trên đường bay tới điểm phóng ở Biển Đen.
Trong khi đó, tên lửa Nga có thể vươn tới hầu hết lãnh thổ Ukraine từ biển Azov và các cảng dọc theo bờ Biển Đen của Nga, ông Clark lưu ý.
An toàn, hiệu quả tới đâu?
Tuy nhiên, sự an toàn mà biển Azov đem lại không phải là tuyệt đối, ông Steven Horrell – nghiên cứu sinh của Chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (Bỉ) - nhấn mạnh.
“Các tàu neo đậu vẫn rất dễ bị tấn công bằng vũ khí chính xác tầm xa như các hệ thống của phương Tây” – ông Horrell lưu ý.
Ông Igor Delanoë - Phó giám đốc Trung tâm phân tích Pháp-Nga Observo – cho rằng hải quân Nga có thể đối mặt vấn đề tương tự tại biển Azov như họ từng gặp phải tại Biển Đen.
“Người Ukraine - được các nhà tài trợ cung cấp nhiều vũ khí, vẫn có thể triển khai các cuộc tấn công tên lửa hay UAV để gây thiệt hại cho các tàu mặt nước ở biển Azov” – ông Delanoë nói.
Theo chuyên gia Savitz, Ukraine cũng có thể tìm cách nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các tàu chiến Nga ở đó bằng cách lợi dụng việc những tàu này hoạt động trong một vùng nước nhỏ, như thế khiến chúng dễ bị theo dõi hơn.