Đằng sau việc 'Thái tử Samsung' được ân xá: Drama Hàn với danh nghĩa cứu vãn nền kinh tế đất nước?
Người lãnh đạo thực sự của Samsung, ông Lee Jae-yong, được tại ngoại sớm nhằm mở ra cơ hội phục hồi kinh tế cho Hàn Quốc như lời tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc hay còn lý do sâu xa khác nữa?
Sáng ngày 13/8, ông Lee Jae-yong, 53 tuổi, bước ra khỏi Trung tâm giam giữ Seoul ở thành phố Uiwang, phía nam Seoul. Người đứng đầu tập đoàn Samsung, mặc một bộ đồ màu xám và đeo khẩu trang, trông gầy hơn nửa năm trước, và có một chút tóc bạc ở thái dương, nhưng ông vẫn dễ gần và lịch sự như trước.
"Tôi xin lỗi vì đã gây lo lắng cho mọi người. Tôi nhận thức rõ những mối quan tâm, chỉ trích và điều chờ đợi mình phía trước". Sau đó, ông cúi đầu chào nhóm phóng viên và lên xe rời đi.
Ông Lee được ca ngợi là thái tử của Samsung và được chăm sóc cẩn thận từ nhỏ. Tuy nhiên, cuộc đời của ông giống như một bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Ông liên tục ra vào tòa án vì các vấn đề hối lộ. Ngoài ra, cốt truyện đã bị đảo ngược hết lần này đến lần khác.
Về lý do tạm tha cho ông Lee, ủy ban xét duyệt ân xá gồm 9 người do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc Kang Sung-kok chủ trì đã công khai bày tỏ hy vọng rằng việc ông Lee Jae-yong được ân xá có thể thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc. Điều này có thực sự đúng?
1. Samsung nhận được gì?
Ông Lee Jae-yong và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
So với người cha độc đoán và gia trưởng của mình - ông Lee Kun-hee, Lee Jae-yong gần gũi với mọi người hơn.
Địa vị của ông Lee Kun-hee ở Samsung không khác gì một hoàng đế, bên cạnh có hơn 100 thư ký và vệ sĩ. Nếu ông Lee Kun-hee đi công tác nước ngoài, tổ thư ký phải đến nơi công tác trước 15 ngày để chuẩn bị phòng làm việc và nơi ở riêng cho ông. Tất cả mọi thứ đều phải sắp xếp chính xác như nhà của ông Lee Kun-hee (ông chủ thích làm việc tại nhà). Vì vậy, trong thời đại của Lee Kun-hee, đau khổ và mệt mỏi nhất là thư ký và vệ sĩ của ông chủ.
Ở thời đại của Lee Jae-yong, thư ký và vệ sĩ cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi vì vị thiếu gia này không có thói kiêu ngạo của "chủ tịch thống trị" trong phim truyền hình Hàn Quốc. Khi đi công tác, ông sẽ xách túi riêng và không làm phiền thư ký, tự pha cà phê trong các cuộc họp, không cần nhân viên an ninh của trụ sở Samsung cúi đầu góc 90 độ chào. Bất kỳ nhân viên nào của Samsung từng tiếp xúc với Lee Jae-yong hầu như đều sẽ nhận xét về ông là một người đặc biệt dễ gần, không phân biệt thứ bậc và là một người tốt.
Vì hình ảnh cởi mở của mình, ông Lee Jae-yong luôn được coi là người phát ngôn hình ảnh quốc tế của Samsung.
Tuy nhiên, đối với vai trò là người kế nhiệm Samsung, một chuẩn mức đạo đức tốt thôi vẫn chưa đủ, làm thế nào để điều hành một doanh nghiệp tốt mới là điều quan trọng nhất. Sau khi ông Lee Jae-yong kế nhiệm Samsung, điện thoại di động của Samsung bắt đầu với S6 và giới thiệu màn hình cong và vật liệu kính. Các sản phẩm này đã loại bỏ thiết kế nhựa lớn trước đây và mang lại cảm giác mạnh mẽ về thiết kế.
Quan trọng hơn, Samsung đã tiếp nhận thử thách của Apple và Huawei để duy trì vị trí số một thế giới; mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung đã vượt qua Intel để trở thành công ty bán dẫn lớn nhất thế giới; mảng kinh doanh màn hình của Samsung tiếp tục thống trị trong lĩnh vực màn hình OLED kích thước nhỏ. Không chỉ thương hiệu nội địa Hàn Quốc mà các thương hiệu quốc tế lớn cũng không thể đe dọa vị trí thống trị của Samsung.
Có vẻ như Samsung đã trở nên mạnh mẽ hơn trong thời đại của Lee Jae-yong và hình ảnh công ty cũng trở nên hiện đại hơn. Đây cũng là lý do tại sao một số lượng giới tinh hoa Hàn Quốc yêu cầu chính phủ cho ông được tạm tha. Họ hy vọng Samsung có thể chạy nhanh hơn, đưa nền kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi vũng lầy do dịch bệnh gây ra nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông Lee Jae-yong sau khi ra tù có thể không mạnh như thế giới bên ngoài thổi phồng.
2. Từ Note 7 sang nhân CPU tùy chỉnh thất bại
Sự cố Note 7 ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa vị của Samsung
Hai điều khiến Samsung thất vọng nhất trong thời Lee Jae-yong đến từ mảng kinh doanh điện thoại di động. Cuối năm 2016, pin của chiếc điện thoại di động hàng đầu của Samsung là Note 7 đã bốc cháy và phát nổ, sự cố này buộc Samsung phải thu hồi hàng triệu sản phẩm trên toàn thế giới. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy sự cố nổ pin Note 7 xảy ra chủ yếu do Samsung quá nóng lòng muốn đưa sản phẩm ra thị trường dẫn đến việc kiểm tra sản phẩm không đầy đủ trước khi sản xuất hàng loạt.
Vụ nổ Note 7 đã đẩy Samsung vào một cuộc khủng hoảng kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu, với thiệt hại ước tính lên đến 5 tỉ USD. Trong số đó, lợi nhuận hoạt động của Samsung Mobile giảm 96% so với một năm trước. Vị thế của công ty trong ngành cũng bị ảnh hưởng, biểu hiện rõ ràng nhất là thị phần điện thoại di động của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã lao dốc không phanh và cuối cùng phải rút khỏi Trung Quốc.
Vụ nổ Note 7 không chỉ bộc lộ tham vọng thành công của Samsung vào thời điểm đó mà còn phản ánh văn hóa doanh nghiệp khắt khe của công ty, dẫn đến việc các nhân viên cấp thấp không dám phản đối quyết định của lãnh đạo cấp trên.
Văn hóa vâng lời cấp trên bắt đầu tại Samsung vào thời ông Lee Kun-hee. Đây cũng là điều mà ông Lee Jae-yong mong muốn thay đổi sau khi ông tiếp quản công ty. Sự cố Note 7 cho thấy mặc dù Lee Kun-hee đã chuyển giao quyền lực cho con trai nhưng công ty vẫn đang hoạt động theo đúng lộ trình ban đầu ông Kun-hee vạch ra.
Vào thời ông Lee Kun-hee, Samsung đã có một canh bạc lớn và quyết tâm mạnh mẽ. Quy tắc "đầu tư ngược chu kỳ" nổi tiếng đã khiến Samsung vươn lên vị trí số một thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và bảng điều khiển màn hình. Sau khi Lee Jae-yong ôn hòa lên nắm quyền, chủ nghĩa thực dụng có xu hướng làm Samsung chậm lại.
Tháng 9/2016, dưới sự bảo trợ của ông Lee Jae-yong, Samsung đã bán mảng kinh doanh máy in của mình cho HP với giá 1,05 tỉ USD với mức chiết khấu 40%. Chiến lược mảng máy in đã từng là một phần quan trọng của Samsung và được kỳ vọng sẽ có được thị phần đầu tiên trên thế giới, nhưng cuối cùng nó lại dễ dàng bị bỏ rơi.
Samsung dưới sự lãnh đạo của Lee Jae-yong đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược mở rộng toàn diện vào thời ông Lee Kun-hee và chuyển sang tập trung vào khả năng cạnh tranh cốt lõi. Việc bán mảng kinh doanh máy in là một biểu hiện của sự điều chỉnh này, nhưng đây không phải là duy nhất.
Tháng 11/2019, Samsung đóng cửa bộ phận phát triển nhân CPU tùy chỉnh dành cho các bộ xử lý Exynos và lựa chọn thiết kế Cortex-A có sẵn của ARM. Samsung đã đầu tư tổng cộng 17 tỉ USD vào lõi CPU tự phát triển. Khoản tiền khổng lồ này không rõ do ông Lee Kun-hee hay ông Lee Jae-yong ra quyết định nhưng chính ông Lee Jae-yong đã xóa số tài sản này về con số không.
3. Tại sao Samsung bị TSMC lấn lướt?
TSMC sớm vượt Samsung trong ngành gia công chip bán dẫn.
Năm 2017, ông Lee Jae-yong, người đứng thứ ba về tài sản cá nhân ở Hàn Quốc, đã trải qua sinh nhật lần thứ 49 một mình trong căn phòng tù rộng 7 mét vuông. Bữa ăn sinh nhật chỉ trị giá 1.400 won (chưa đầy 30.000 VND). Chỉ trong vòng hai năm kể từ đó, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã trải qua những thay đổi chấn động địa cầu.
Broadcom tuyên bố từ bỏ kế hoạch mua lại Qualcomm, Nvidia mua lại ARM, Intel tham gia vào mảng kinh doanh đúc chip và TSMC dẫn đầu trong việc sản xuất hàng loạt chip 5nm. Chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua những thay đổi dữ dội.
Khi toàn bộ ngành công nghiệp không ngừng nghỉ, người yên lặng duy nhất là Samsung, mà đối thủ TSMC liên tục xây dựng nhà máy, sản xuất hàng loạt quy trình mới, từng bước đẩy Samsung ngày càng xa hơn. Chính vì vậy, trong ngành công nghiệp Hàn Quốc đã có những ý kiến cho rằng việc bắt giữ Lee Jae-yong đã khiến việc ra quyết định của Samsung bị đình trệ, và đặc biệt, khoảng cách với TSMC ngày càng mở rộng.
Đồng Giám đốc điều hành Samsung Electronics Yoon Boo-keun (BK Yoon) nói với truyền thông Hàn Quốc rằng vụ xét xử Lee Jae-yong đã ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của Samsung Electronics và các công ty khác, có thể đe dọa đến khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Vào tháng 6/2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dùng bữa trưa với người đứng đầu bốn tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc là LG, SK, Hyundai và Samsung. Bữa ăn diễn ra không dễ dàng, vì những người đứng đầu bốn tập đoàn lớn đề nghị ông Moon Jae-in, người có ý định đàn áp chaebol, nên ân xá cho ông Lee Jae-yong. Một lý do duy nhất: vì nền kinh tế của Hàn Quốc.
Chủ tịch Tập đoàn SK Choi Tae-won nói rằng Samsung cần các nhà lãnh đạo công ty tại văn phòng, chứ không phải trong tù, để đưa ra quyết định nhanh chóng về các khoản đầu tư mới liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất chip.
Thậm chí, Phòng Thương mại Mỹ và nhiều công ty Mỹ đã vận động chính phủ Hàn Quốc trả tự do cho Lee Jae-yong với lý do việc ông ra tù là vì lợi ích chung của Mỹ và Hàn Quốc.
Sau đó, kết quả trở nên rõ ràng, vài tháng sau, ông Lee Jae-yong được ân xá.
Trên thực tế, việc Samsung tụt hậu so với TSMC đã tồn tại trong thời đại của ông Lee Kun-hee. Năm 2011, TSMC dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt chip 28nm và bắt đầu thống trị thế giới chip.
Từ năm 2014 đến 2015, Samsung đã mạo hiểm bỏ qua dây chuyền 20nm và trực tiếp sản xuất hàng loạt dây chuyền 14nm, giành được một số đơn đặt hàng của Apple. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường cho rằng chip 14nm của Samsung không tốt bằng chip 16nm TSMC.
Việc Samsung tụt hậu so với TSMC về quy trình và sản lượng đã tiếp tục cho đến thời đại EUV hiện tại (quang khắc cực tím).
Trên thực tế, ngay cả trong tù, ông Lee Jae-yong vẫn có thể gặp gỡ các giám đốc điều hành thường xuyên. Nhờ vậy, Samsung Electronics vẫn đang tiến lên với tốc độ hiện có.
Ngay cả khi các giám đốc điều hành của Samsung phản ánh quyết định chiến lược trì trệ, các dự án lớn của Samsung vẫn liên tục được triển khai. Tháng 4/2021, Samsung đã nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền ở Texas, Mỹ, mong muốn được đầu tư 17 tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip.
Mọi thứ cho thấy dù phải ngồi tù cũng không làm chùn bước quyền quyết định của Lee Jae-yong với tư cách là người nắm quyền lãnh đạo đế chế Samsung, nền kinh tế Hàn Quốc không hề chịu ảnh hưởng vì vụ kiện của Lee Jae-yong.
4. "Phim truyền hình Hàn Quốc" với nhiều cú plot twist (bẻ lái)
Lãnh đạo của 3 tập đoàn kinh tế (chaebol) của Hàn Quốc gồm Samsung, SK và LG.
Tại sao các chaebol Hàn Quốc và các công ty Mỹ vẫn vận động chính phủ ông Moon Jae-in ân xá cho "thái tử" Samsung? Câu trả lời là quyền lực và tiền tài.
Hiện tại, ông Lee Jae-yong chỉ gián tiếp nắm giữ 0,58% cổ phần của Samsung Electronics, nhưng gia đình họ Lee lại kiểm soát toàn bộ tập đoàn với chưa đến 2% vốn chủ sở hữu thông qua việc nắm giữ chéo nhiều công ty con của tập đoàn. Cơ cấu cổ phần phức tạp này khiến Samsung trở thành một doanh nghiệp gia đình hoàn chỉnh và hạn chế quyền của các nhà đầu tư khác, đây cũng là lý do khiến Samsung luôn bị thế giới bên ngoài chỉ trích.
Sau khi ông Lee Kun-hee qua đời, vấn đề mà ông Lee Jae-yong phải đối mặt là làm thế nào để giải quyết các mối quan hệ trong ngoài và tiếp quản thành công "vương trượng" của cha mình.
Sau khi nắm quyền, chiến lược tập trung vào năng lực cạnh tranh cốt lõi của Tập đoàn Samsung và tích hợp mạnh mẽ các công ty con và doanh nghiệp của Lee Jae-yong không chỉ điều chỉnh phương hướng kinh doanh của công ty mà còn làm tăng cường kiểm soát công ty.
Trong quá trình này, "thái tử" Lee Jae-yong đã thể hiện một thái độ sáng suốt hơn Lee Kin-hee, đó là củng cố vị trí ra quyết định của ban giám đốc công ty. Samsung Electronics, công ty niêm yết hàng đầu của Tập đoàn Samsung, đã sửa đổi các điều khoản liên kết và củng cố vị trí quyết định cao nhất của hội đồng quản trị, đồng thời mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Mỹ.
Đối với các ông lớn Hàn Quốc, khi người đứng đầu Samsung thoát khỏi vòng lao lý, quyền lực và tiền tài của họ mới được đảm bảo và chịu ít đe dọa hơn dù là hiện tại hay tương lai.
Nói tóm lại, khi ông Lee Jae-yong ra tù, cái gọi là ảnh hưởng tích cực đến đầu tư và kinh tế Hàn Quốc chỉ là vỏ bọc, và lợi ích của các chaebol và vốn nước ngoài mới là nguyên nhân sâu xa.
Quan trọng hơn, ở Hàn Quốc từ lâu đã có một tiền lệ rằng "chaebol nắm thẻ miễn tội". Lee Jae-yong không phải là người đầu tiên mà cha của ông, Lee Kun-hee, đã hai lần nhận được ân xá của Tổng thống.
Năm 2007, Chủ tịch Chung Mong-koo của Hyundai Motor bị kết án ba năm tù vì tội tham nhũng, nhưng một thẩm phán của Tòa phúc thẩm tuyên bố rằng ông Chung quá quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, vì vậy việc thi hành án đã bị hoãn vô thời hạn.
Chủ tịch tập đoàn SK - Choi Tae-won cũng từng bị kết án 4 năm tù vì tội biển thủ công quỹ. Ông được cựu Tổng thống Park Geun-hye ân xá vào năm 2015 với lý do nhằm mục đích kích thích kinh tế quốc gia.
Park Young-jin, một thành viên của Quốc hội Đảng Dân chủ Hàn Quốc, từng gọi việc tạm tha cho ông Lee Jae-yong là một hành vi vi phạm pháp quyền, người giàu và quyền lực luôn có một lối thoát cho riêng mình.
Bộ phim "Chaebol và lệnh trừng phạt" cũng giống như một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, được dàn dựng nhiều lần ở Hàn Quốc nhưng lần nào cũng nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt.
Lần này, "Thái tử" Lee Jae-yong được ân xá. Theo một cuộc khảo sát của truyền thông Hàn Quốc, hơn 70% người dân Hàn Quốc ủng hộ. Liệu đây là sự tôn thờ mù quáng sức mạnh của tư bản độc quyền, hay kết quả từ sự thao túng truyền thông Hàn Quốc (các chaebol kiểm soát truyền thông thông qua các mối quan hệ chặt chẽ), không ai biết rõ hơn người trong cuộc.