Đằng sau việc TikTok Shop buộc phải dừng hoạt động tại Indonesia
Theo quy định thương mại mới nhất của Indonesia, các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp (direct ecommerce) trên ứng dụng mạng xã hội trong đó có TikTok Shop sẽ bị cấm từ 4/10.
TikTok là kênh giải trí thu hút lượng người dùng khủng trên toàn thế giới trong một thời gian ngắn sau khi ra mắt vào tháng 8/2018. Một trong những điểm độc đáo của TikTok là thuật toán phức tạp, giúp nhanh chóng nhận biết sở thích và tương tác của người dùng dựa trên cách họ tương tác với ứng dụng.
Sự ưu việt của TikTok Shop
Ngay năm đầu tiên nó đã thu hút hơn 100 triệu người và hiện nay trung bình mỗi ngày có hơn 1,2 tỷ lượt xem video. Chỉ trong vài tháng sau khi ra mắt, đã lọt vào danh sách top ứng dụng hàng đầu ở nhiều quốc gia dù một số quốc gia như Ấn Độ và Mỹ đã cấm TikTok vì những vấn đề an toàn dữ liệu và quyền riêng tư.
Trên đà phát triển thần tốc tháng 11 năm 2022 TikTok Shop lần đầu tiên được ra mắt tại thị trường Mỹ và Vương Quốc Anh, nó được xem là nền tảng hay công cụ mua sắm trực tuyến có thể truy cập trực tiếp từ mạng xã hội TikTok. Nó cũng cho phép những người bán hàng đăng tải sản phẩm và bán hàng trên TikTok. Theo đó, quá trình mua bán giữa người bán và người mua được thực hiện hoàn toàn trong ứng dụng (in-app shopping), tức người dùng không cần rời khỏi nền tảng để xem chi tiết thông tin về sản phẩm hay tiến hành thanh toán.
Tính đến hiện tại, TikTok Shop hiện có sẵn ở 9 quốc gia tại 3 vùng lãnh thổ khác nhau đó là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. TikTok Shop là một hệ sinh thái mới được phát triển tương tự với các sàn TMĐT hiện nay, cho phép người dùng bán hàng trực tiếp thông qua tài khoản TikTok kinh doanh. Các sản phẩm của của người bán được giới thiệu thông qua video nguồn dữ liệu, các livestream và tab giới thiệu sản phẩm nổi bật trong trang hồ sơ của họ.
Nỗi lo mang tên Indonesia
Sự xuất hiện của TikTok Shop bị cho là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng tại các thị trường truyền thống như trung tâm bán buôn Tanah Abang ở Jakarta sụt giảm. Theo chuyên gia bán hàng trực tuyến Phạm Việt An của KTS Group thì Indonesia là một trong những thị trường có mức đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị hàng hóa ngành bán lẻ trực tuyến. của TikTok Shop tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2022, GMV của TikTok Shop tại đây là 2,5 tỷ USD – tương ứng 57% GMV (Gross Merchandise Volume-tổng khối lượng hàng hóa ngành bán lẻ trực tuyếntrong toàn khu vực (theo thống kê của Momentum Works).
Theo cơ quan quản lý nhà nước Indonesia, với sức mạnh của thuật toán và chiến lược định giá sản phẩm linh hoạt của TikTok Shop, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu chỏ của quốc gia này khó lòng mà cạnh tranh nổi. Để bảo hộ cho các doanh nghiệp Indonesia quốc gia này cấm các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp (direct ecommerce) trên ứng dụng mạng xã hội. TikTok Shop được ra mắt tại Indonesia hơn hai năm trước và cuối năm ngoái (2022) đã trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ năm của Indonesia. Là một nền tảng truyền thông xã hội, TikTok đã thu thập một lượng lớn dữ liệu để giúp họ hiểu được thị hiếu của người dùng, đây là một lợi thế không ai có được.
Theo đó, để có thể được tiếp tục kinh doanh trực tuyến, TikTok phải thành lập một nền tảng mới. Sàn thương mại đình đám này phải xin giấy phép thương mại điện tử từ Bộ Thương mại của Indonesia và tạo một ứng dụng TikTok Shop riêng biệt với mạng xã hội TikTok.Theo Bộ Thương mại Indonesia điều này mới bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và TikTok Shop không thể tận dụng tập khách hàng mạng xã hội TikTok như hiện nay.
Góc nhìn Việt Nam
Những động thái của Bộ Thương mại Indonesia chắc chắn sẽ được các quốc gia còn lại nghe ngóng động tĩnh. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày TikTok Shop bán lượng hàng trị giá 300-350 tỷ đồng, thông qua 1-1,2 triệu clip bán hàng, có những TikToker đã kiếm được tiền tỷ thông qua các buổi live stream.
Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT và TikTok Việt Nam đã ký kết Hợp tác Chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia. Các cá nhân, công ty Việt Nam có thêm cơ hội tham gia các lớp đào tạo, tìm hiểu các giải pháp sáng tạo TikTok for Business và giải pháp thương mại điện tử toàn diện trên TikTok Shop để khai thác tối đa sức mạnh của nền tảng.
Nền tảng TikTok đóng vai trò là đơn vị trung gian điều phối hoạt động giao nhận của người mua, người bán. Chính vì thế, TikTok sẽ thu phí nền tảng tính vào số tiền thanh toán của khách hàng, phí nền tảng ban đầu của TikTok Shop tại Việt Nam là 1%.
Về vận chuyển, tương tự như các sàn TMĐT, TikTok Shop chọn các đối tác vận chuyển uy tín tới kho của nhà bán hàng để lấy hàng và giao tới người mua. Đơn vị vận chuyển cho TikTok Shop tại Việt Nam là J&T Express.