Đằng sau việc Trung Quốc muốn phục hưng nam tính

Đặc điểm chung của loạt hành động chấn chỉnh lại giới showbiz hay nền giáo dục ở Trung Quốc được cho là để tránh ảnh hưởng xấu thế hệ trẻ nước này. Song, tranh cãi vẫn nảy sinh.

Giới hạn giờ chơi game của người dưới 18 tuổi. Siết chặt văn hóa thần tượng. Chỉ trích, cấm cửa các chàng trai "tiểu thịt tươi" không đủ nam tính. Ban hành lệnh cấm dạy thêm sau giờ học.

Các động thái sắp xếp lại, quản lý mạnh tay của chính phủ Trung Quốc xuất hiện hàng loạt trong năm nay. Dù ban đầu thoạt nhìn những thứ và các đối tượng chịu ảnh hưởng nằm ở các lĩnh vực khác nhau, chúng vẫn nhằm phục vụ một mục đích chung.

Theo WSJ, các động thái này hướng tới xây dựng một thế hệ tương lai lành mạnh, tốt đẹp từ góc nhìn của bộ máy cầm quyền tại đất nước tỷ dân.

 Tình trạng nghiện game online ở nhiều thanh, thiếu niên xứ tỷ dân bị đánh giá là gây nhiều hệ lụy lên chính người chơi và xã hội. Ảnh: WSJ.

Tình trạng nghiện game online ở nhiều thanh, thiếu niên xứ tỷ dân bị đánh giá là gây nhiều hệ lụy lên chính người chơi và xã hội. Ảnh: WSJ.

Ngăn chặn hàng loạt

Hôm 30/8, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc ban hành quy định mới. Theo đó, trẻ vị thành niên chỉ được phép chơi game online vào thứ 6, các ngày cuối tuần và lễ, trong khung 20-21h.

Theo PC Mag, yêu cầu có hiệu lực ngay lập tức. Các nhà cung cấp cũng do đó cần triển khai gấp hệ thống nhận dạng tên thật, buộc người chơi đăng nhập, cung cấp số điện thoại, mã ID được cấp, quét khuôn mặt.

Tờ Tân Hoa Xã mô tả quy định thời gian chơi game mới là nỗ lực để “bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên”. Trước đó, tờ này và một số tờ báo khác trong nước gọi các trò chơi điện tử là “thuốc phiện gây hại cho tâm trí”.

"Thanh niên đại diện cho tương lai của đất nước", tờ này viết, nói thêm rằng việc rút ngắn thời gian chơi game "liên quan đến việc nuôi dưỡng một thế hệ con người mới cho sự trẻ hóa của đất nước".

Trước đó, hồi tháng 3, chủ tịch nước Tập Cận Bình từng tuyên bố việc nghiện trò chơi điện tử và “những thứ bẩn thỉu, lộn xộn khác trên mạng” có thể ảnh hưởng xấu đến giới trẻ Trung Quốc.

 Một nữ sinh viên đi ngang qua văn phòng công tác thanh niên ở Thượng Hải. Ảnh: WSJ.

Một nữ sinh viên đi ngang qua văn phòng công tác thanh niên ở Thượng Hải. Ảnh: WSJ.

Bai Meijiadai, giảng viên tại Đại học Liêu Ninh, người nghiên cứu về văn hóa hâm mộ, cho biết các nhà chức trách lo ngại về tác động của văn hóa thần tượng đối với trẻ em cho đến thanh niên.

“Họ muốn nhìn thấy giới trẻ học tập và làm việc, chứ không phải chi quá nhiều tiền để săn đuổi các ngôi sao”, Bai nói với New York Times.

Nỗi lo này kéo theo một loạt biện pháp chấn chỉnh nghiêm khắc như tăng cường kiểm soát không gian mạng đối với người hâm mộ, hủy bỏ nhiều cách thức khuyến khích khán giả bỏ tiền ủng hộ idol.

Các nghệ sĩ nam có phong cách nữ tính, ẻo lả cũng chính thức bị cấm cửa từ ngày 2/9 khi Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản không cho các nghệ sĩ có hình tượng kể trên xuất hiện trên truyền hình.

Theo Sina, hiện tại trên màn ảnh nhiều vai diễn nam khó phân biệt với nữ giới vì đánh son đỏ, da trắng, thân hình gầy gò, mềm mại. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các bộ phim đam mỹ (tình yêu đồng tính nam) tạo nên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nam tính xảy đến với thế hệ sau.

 Cộng đồng fan hâm mộ trên mạng bị coi cần chỉnh đốn lại vì nhiều hành vi độc hại. Ảnh: VCG.

Cộng đồng fan hâm mộ trên mạng bị coi cần chỉnh đốn lại vì nhiều hành vi độc hại. Ảnh: VCG.

Trước đó, vào cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc từng cảnh báo nam thanh niên nước này đang có xu hướng "nữ tính" trên mức bình thường và thúc giục các trường học khuyến khích các môn thể thao vận động như bóng đá nhằm "trau dồi nam tính cho học sinh".

Không dừng lại ở lĩnh vực giải trí, các nhà chức trách áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt đối với ngành công nghiệp dạy thêm, vốn bùng nổ trong những năm qua để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của các bậc cha mẹ.

Vào cuối tháng 7, Quốc vụ viện Trung Quốc ra lệnh cấm chính quyền địa phương phê duyệt các công ty dạy thêm mới và buộc những trung tâm hiện tại phải đăng ký dưới tên tổ chức phi lợi nhuận.

Những nơi này cũng phải ngừng nhận vốn đầu tư nước ngoài và không được phép dạy các môn học hay chương trình giảng dạy nước ngoài vượt quá tiêu chuẩn từng năm.

Các lò luyện thi cũng không được phép hoạt động vào cuối tuần và trong dịp nghỉ lễ. Chính quyền địa phương sẽ là bên quy định mức phí các cơ sở được phép áp dụng. Việc nhận dạy kèm tại nhà cũng bị cấm.

Biện pháp mới được tuyên bố một mặt nhằm khiến cuộc đua công bằng hơn cho các gia đình ít điều kiện đầu tư cho việc học hành, mặt khác giảm áp lực học hành.

 Hình ảnh các "công xưởng", lò luyện thi tại Trung Quốc vốn chật kín học sinh tìm đến hàng ngày đã biến mất. Ảnh: AFP.

Hình ảnh các "công xưởng", lò luyện thi tại Trung Quốc vốn chật kín học sinh tìm đến hàng ngày đã biến mất. Ảnh: AFP.

Lách luật

Nói cách khác, những yếu tố bị coi là suy nghĩ, thẩm mỹ lệch lạc, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ trẻ Trung Quốc đều đang trong quá trình bị thẳng tay dẹp bỏ.

Tuy nhiên, bất chấp quy định mới, giới trẻ Trung Quốc có thể lại tìm cách vượt qua giới hạn về thời gian chơi game như từng làm trước đây.

Theo PC Mag, tồn tại một thị trường ngầm ở quốc gia này, chuyên mua bán máy chơi game Xbox và PlayStation có nguồn gốc bên ngoài. Chúng được cấu hình theo quy tắc tại Mỹ hoặc Nhật bản, giúp cho game thủ không bị hạn chế về thời gian.

Trong khi đó, các ý kiến nổ ra gay gắt về việc cấm các chàng trai "mặt hoa da phấn", trang điểm điệu đà chỉ thể hiện lối nhìn thiển cận và sự áp đặt quá mức.

Nhiều khán giả tin rằng nghệ thuật vốn đa dạng và phong cách của một người không liên quan đến tài năng, tính cách hay việc có đóng góp cho xã hội hay không.

Theo SCMP, việc "tẩy chay văn hóa thần tượng", đồng thời thiết lập một "tiêu chuẩn thẩm mỹ đúng đắn" được xem như một động thái bức ép tính tự do sáng tạo của nghệ thuật và nghệ sĩ.

"Đây là sự phân biệt đối xử chống lại những người có bản dạng giới khác biệt, hoặc có xu hướng nữ tính, đó là sự xung đột giữa tiêu chuẩn thẩm mỹ lạc hậu và sự cá nhân hóa trong xã hội hiện đại", Ah Qiang - một nhân viên tổ chức phi chính phủ cấp cao có trụ sở tại Quảng Châu - nói với SCMP.

Còn với lệnh cấm dạy thêm, vẫn xảy ra tình trạng dạy chui, lén tổ chức mở lớp dạy thêm ở các tỉnh thành. Tại một trường học ở Giang Tô, hai thầy, cô bị phát hiện đưa học sinh đến ký túc xá dành cho giáo viên để dạy học. 5 giáo viên ở thủ đô Bắc Kinh bị đuổi việc vì hành vi tương tự.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-viec-trung-quoc-muon-phuc-hung-nam-tinh-post1258775.html