Đảng ta - Gần 100 năm dựng xây Việt Nam phồn thịnh, rạng ngời
Gần 1 thế kỷ, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người cầm quyền. Đảng ra đời đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, đưa nhân dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội ở đây cũng chính là kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên của ấm no, phồn thịnh cùng những giá trị cao cả của lương tri nhân loại.
Lịch sử là sự trải nghiệm và minh chứng đã cho thấy sự lãnh đạo của Đảng trải qua nhiều thách thức to lớn, thậm chí có những lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng bằng ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với niềm tin của cả dân tộc, Đảng ta đã gánh trọng trách của giai cấp và dân tộc lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi tới những thắng lợi mang tính thời đại đã được ghi nhận. Tới đây, bằng niềm tin nơi Đảng cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới với những vẻ vang ở phía trước mà Đảng và nhân dân ta cùng nhau hướng tới tạo dựng trong tương lai.
NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, giai đoạn 1930-1945, Đảng phải hoạt động bí mật là chủ yếu, nhưng ngay trong những văn bản đầu tiên của Đảng ta, vấn đề tiến bộ kinh tế - xã hội (KT-XH) đã được đề cập đến với những cách thức trình bày khác nhau. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa đất nước ta vào một kỷ nguyên mới, đem lại độc lập dân tộc và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã tạo ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc của một quốc gia độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ chiến lược của nhân dân ta, Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã có một cách diễn đạt rất dễ hiểu về việc này, xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho nhân dân ta ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được tự do, hạnh phúc. Mục tiêu đó đã cho thấy sự quan tâm đến tiến bộ KT-XH mà Đảng ta luôn tâm niệm thực hiện trong mọi tình thế của đất nước.
Sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục KT-XH vừa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việc thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngay sau khi đất nước giành lại được sự thống nhất cũng cho thấy sự quan tâm, nhất quán đối với việc chăm lo thực hiện tiến bộ KT-XH trong những giai đoạn, bối cảnh khác nhau của đất nước. Ở những thời kỳ khác nhau, Đảng lãnh đạo thực hiện tiến bộ KT-XH có thể được lồng ghép trong những nhiệm vụ trọng tâm khác hoặc thực hiện độc lập cùng với các nhiệm vụ chiến lược khác của đất nước. Ngay cả khi Đảng nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa, khắc phục những nhận thức chưa thực sự đầy đủ về phương thức và công cụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì tiến bộ KT-XH luôn là mục tiêu ưu tiên của Đảng.
Đứng trước những trì trệ trong phát triển KT-XH, Đảng ta đã chủ động đổi mới phương thức vận hành nền kinh tế và chuyển biến từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn về những vấn đề đang đặt ra đối với việc thực hiện tiến bộ KT-XH, Đảng ta đã thực hiện đường lối đổi mới với nhiều bước khởi động cẩn trọng, như ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-9-1979 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa IV về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương”; Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; Quyết định số 25/QĐ-CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa V (tháng 6-1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa...
ĐỔI MỚI TRONG ĐỔI MỚI ĐƯA VIỆT NAM TỚI PHỒN THỊNH, RẠNG NGỜI
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt xấp xỉ 6,5%/năm; GDP của những năm đầu đổi mới đã tăng từ khoảng 26 tỷ đô la Mỹ năm 1986 lên mức 476,3 tỷ đô la Mỹ năm 2024; GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 đô la Mỹ/người, tăng 63 lần so với năm đầu đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 dự kiến sẽ giảm xuống mức 2,8%. Từ một nền kinh tế khép kín, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt xấp xỉ 786 tỷ đô la Mỹ. Kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển khá nhanh với khoảng 2.000km đường bộ cao tốc và đang đầu tư khoảng 1.500km đường cao tốc. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, phúc lợi xã hội của người dân không ngừng tăng lên, thể hiện ở tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội là 42,71%, bao phủ bảo hiểm y tế 94,2% trong năm 2024, tuổi thọ trung bình tăng từ 64,8 tuổi năm 1986 lên 74,6 tuổi trong năm 2024.
Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được đảm bảo và giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đã và đang nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân được chú trọng và dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng phát huy theo hướng tích cực, gia tăng sự tham gia của người dân vào các lĩnh vực công tác của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với những thành tựu to lớn của gần 40 năm đổi mới, với thế và lực đã được tích lũy, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong kỷ nguyên phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần của đại thắng mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt lên khó khăn và thách thức, thực hiện các giải pháp đột phá mang tính cách mạng để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để bứt phá, vượt lên chính mình, đạt được những mục tiêu to lớn trong kỷ nguyên phát triển mới, trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước phải đạt mức 2 con số liên tục trong những năm tới. Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục đột phá hơn nữa để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để kiến tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phát triển lành mạnh. Đổi mới thể chế là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên, là sự tận trung với nhân dân như Bác Hồ vẫn thường răn dạy chúng ta. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ làm việc máy móc, nhũng nhiễu, “hành dân”, “hành doanh nghiệp”, việc gì có lợi cho cá nhân, cho nhóm thì mới làm, đổ lỗi cho cơ chế, sợ trách nhiệm… Trong đó, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh phải được thực hiện trước tiên. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân theo hướng gia tăng tính Đảng, tinh gọn bộ máy tổ chức, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và lấy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển KT-XH để đất nước “cất cánh” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, trọng tâm là sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở những chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần phát huy cao độ tinh thần của đại thắng mùa xuân năm 1975 trong việc xác định các mũi nhọn tấn công, đâu là những điểm ưu tiên tiếp theo, tránh việc dàn trải vào nhiều lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, mạnh dạn đột phá, sáng tạo, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chính quy, hiện đại; xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh hơn nữa. Trên cơ sở lựa chọn chính nghĩa, kiên trì thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tham gia xây dựng và phát triển các quan hệ đa phương, là một thành viên tích cực cho nền hòa bình, tiến bộ của thế giới; chủ động, tích cực hội nhập hơn nữa vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Kiến tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.