Đảng dẫn dắt toàn dân tộc tiến lên
Đón xuân này, dân tộc ta tròn 95 năm mùa xuân có Đảng, là mùa xuân thứ 80 của nước Việt Nam độc lập, 50 năm Bắc - Nam sum họp một nhà, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những ngày đầu xuân mới, mừng Đảng ta tròn 95 năm tuổi, mừng đất nước đổi mới, phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã phỏng vấn Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (TP. Hồ Chí Minh) về sự lãnh đạo tài tình của Đảng và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền, đảm bảo Đảng là người lãnh đạo, đưa dân tộc tiến lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, dẫn dắt cả dân tộc tiến lên, để chăm lo tốt hơn cho hạnh phúc của nhân dân.
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, 95 năm qua, Đảng ta luôn vững chắc tay chèo, lãnh đạo, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ông đánh giá thế nào về sự lớn mạnh của Đảng ta?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Trở lại câu chuyện của lịch sử năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam và ngay sau phát súng xâm lược đầu tiên thì hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của chúng ta liên tục nổ ra, nhưng đều thất bại. Chúng ta đánh giá đó là sự thất bại do khủng hoảng về đường lối cứu nước. Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Hơn 30 năm nhận diện con đường cứu nước của dân tộc, Bác Hồ đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Ngày 3-2-1930, Đảng ta ra đời và ngay sau khi ra đời, Đảng đã phát động cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, phong trào dân chủ 1936-1939 đòi dân sinh dân chủ và chuẩn bị kháng Nhật, rồi kháng Nhật và dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc. Thế nhưng, kẻ thù lại tiếp tục muốn chia cắt lâu dài đất nước ta, vì thế dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tiếp tục 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ và kết thúc bởi chiến thắng ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử lãnh đạo của Đảng ta.
Đất nước thống nhất, chúng ta phải khắc phục hậu quả chiến tranh, những tồn tại của thời kỳ hậu chiến. Năm 1986, Đảng ta phát động công cuộc đổi mới với Đại hội lần thứ VI của Đảng, đất nước vươn mình phát triển và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Trước những vận hội mới, điều kiện mới, chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới vào một giai đoạn mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV: 95 năm qua, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam lập nên nhiều kỳ tích. Bên cạnh kết quả đạt được, Đảng ta cũng đã nhận diện 5 tồn tại, hạn chế trong phương thức lãnh đạo của Đảng và yêu cầu tiếp tục đổi mới. PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng đánh giá thế nào về điều này?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Bằng tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, Đảng ta đã đánh giá những thách thức, tồn tại, hạn chế trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Tôi cho rằng, Đảng đã nhìn rõ sự thật để tìm cách khắc phục nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Một đảng mà nhìn thấy những khuyết điểm của mình, vạch rõ những tồn tại đó từ đâu mà có rồi khắc phục nó, đó là một đảng mạnh dạn. Tôi cho rằng đó cũng chính là những bài học kinh nghiệm, những thách thức để chúng ta vượt qua, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
5 tồn tại, hạn chế trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng:
(1) Tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. (2) Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. (3) Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. (4) Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. (5) Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều.
Theo đề cương bài giảng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng, ngày 31-10-2024
PV: Thưa Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, 95 năm qua, có Đảng lãnh đạo, soi đường, dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được rút ra. Theo Tiến sĩ Nhị Lê thì mùa xuân năm nay với dân tộc ta có gì đặc biệt?
Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê: Nếu sự ra đời của Đảng đánh dấu một bước đi ngắn của cách mạng nhưng là bước tiến dài của dân tộc, tiến lên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì bắt đầu từ mùa xuân năm Ất Tỵ 2025, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ để đưa đất nước bước vào thời kỳ mới, đó là kỷ nguyên mới trong tầm nhìn trước mắt đến năm 2030, 100 năm mùa xuân của Đảng và tới năm 2045 - 100 năm mùa thu đất nước, cho nên 2025 là năm rất quan trọng, năm bản lề của nửa đầu thế kỷ XXI. Tất cả công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới dưới ngọn cờ của Đảng. Chưa bao giờ như bây giờ, đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới, trọng trách, lịch sử của Đảng, uy tín của Đảng đối với bạn bè quốc tế đặc biệt lớn lên, trưởng thành và đồng hành cùng dân tộc. Đảng ta thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh, trách nhiệm, đặc biệt là khát vọng dân tộc chính là khát vọng của Đảng.
PV: Ở đâu có đảng viên thì ở đó có tổ chức đảng. PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng có thể chia sẻ, làm rõ thêm về điều này?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khơi dậy được lòng yêu nước của toàn dân tộc, đứng lên đấu trang giành độc lập, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời nói rằng: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, làm sao đất nước được độc lập, tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người từng nói: Nếu đất nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì, cho nên không phải ngẫu nhiên trong Điều lệ Đảng nói rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc, đại biểu trung thành cho lợi ích của công nhân, đồng thời là đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc Việt Nam. Có lẽ điều đó đã tạo nên sức mạnh to lớn, vì ấy là một tổ chức tất cả chiến đấu, hy sinh cũng vì độc lập cho dân tộc và ngày nay cho đất nước đạt được những tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế và cơ đồ to lớn cũng vì dân tộc. Tôi cho rằng với một đảng như vậy chắc chắn sẽ lãnh đạo thành công, được nhân dân ngưỡng mộ, đồng tình.
PV: 95 năm qua, Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền. Thưa Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp thiết như thế nào?
Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê: Trước thềm kỷ nguyên mới càng đặt ra trọng sự rất to lớn đối với Đảng về nội dung cầm quyền, quy luật cầm quyền, điều kiện cầm quyền, môi trường cầm quyền, thậm chí tiên liệu tất cả nguy cơ đối với đảng cầm quyền. Đảng của chúng ta lựa chọn đột phá một cách mạnh mẽ và toàn diện vào phương thức cầm quyền của Đảng. Cho đến hôm nay, trong lịch sử của Đảng Cộng sản công nhân quốc tế thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cộng sản cầm quyền dài nhất. Điều đó càng cho thấy sự đột phá, quyết định sự thành bại của kỷ nguyên mới trong tầm nhìn đến năm 2045 là phương thức cầm quyền, nghĩa là ở đó, nó không chỉ là tầm nhìn mà là phương lược hành động, là tổ chức lực lượng.
Nói như PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Đảng mà không có nhân dân thì sự tồn tại của Đảng không có nghĩa lý gì cả, hay nói một cách dung dị: Đảng cầm quyền để nhân dân làm chủ, đó là mục tiêu cao nhất trong toàn bộ sự nghiệp cầm quyền của mình và phải thừa nhận rằng cùng với những bài học lịch sử hết sức căn bản, to lớn, có ý nghĩa quyết định năm cầm quyền của Đảng thì một nhược điểm mà lần này, sự xác quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm là sự tiếp tục kế thừa nhiều nhiệm kỳ trước của Đảng, mà trực tiếp là nhiệm kỳ XI, XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là thời kỳ mà chúng ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới mạnh mẽ hơn, công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ.
PV: Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thưa PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, chúng ta cần thống nhất nhận thức như thế nào về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? Đây có phải là công cuộc đổi mới lần thứ hai của Đảng ta?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Kỷ nguyên là một khái niệm để chỉ một giai đoạn lịch sử, nó gắn với những biến cố, những sự kiện trọng đại đã tạo bước ngoặt cho một dân tộc, một đất nước, một thời kỳ, thậm chí một thời kỳ của nhân loại bước vào bước ngoặt mới của sự phát triển. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta đã làm một cuộc cách mạng long trời lở đất, lật đổ chế độ thực dân hơn 80 năm, chúng ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Ngày 30-4-1975, chúng ta đánh đuổi đế quốc thực dân, giành độc lập trên phạm vi cả nước và thống nhất đất nước sau nhiều năm bị chia cắt, cho nên có thể nói năm 1945, chúng ta bước vào kỷ nguyên giành độc lập và đến năm 1975 thì thống nhất, đất nước hòa bình. Đến năm 1986, chúng ta bước vào kỷ nguyên của đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và sự đổi mới ấy đã đạt cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công cuộc chuyển đổi số và sự hội nhập toàn cầu đặt ra cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn dân tộc, sự thống nhất về ý chí, niềm tin, khát vọng để vượt qua những thách thức, phát huy cơ hội, tranh thủ sự phát triển của thế giới để phát triển.
PV: Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, những “điểm nghẽn” mà dân tộc Việt Nam đang gặp phải khi bước vào kỷ nguyên vươn mình là gì?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Khi nói về điểm nghẽn sự phát triển của đất nước, rất nhiều học giả chia sẻ, đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước thì mấy nhiệm kỳ qua chúng ta chỉ ra rất rõ các điểm nghẽn và thứ tự những điểm nghẽn ấy có sự thay đổi. Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và giải quyết vấn đề thể chế là tạo động lực cho sự phát triển, điều này thế giới đã thừa nhận. Vì thế, phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn. Chính vì thế, thời gian qua và năm 2025, chúng ta thấy một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy tổ chức đang được thực hiện quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Những cơ quan tạo ra thể chế ấy trước hết phải đổi mới và hình thành một hệ thống luật pháp, thể chế phải thật hiệu lực, hiệu quả khơi thông các nguồn lực chứ không phải không làm được thì cấm.
Điểm nghẽn thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng con người là yếu tố hết sức quan trọng. Con người phải có trình độ, bản lĩnh, kỹ năng, đạo đức, nắm chắc tình hình, thời cơ và thách thức để có thể đuổi kịp và vượt các nước. Điểm nghẽn thứ ba là kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật. Giải quyết điểm nghẽn này thì trong kết cấu hạ tầng, kết cấu hạ tầng số là vấn đề rất quan trọng.
PV: Không thể chậm trễ, không thể chần chừ, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, theo Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là gì?
Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê: Trước hết là tầm nhìn. Không có tầm viễn kiến thì không đi xa được. Kỷ nguyên mới là sự tiếp tục công cuộc đổi mới trong bối cảnh mới và tầm nhìn xác lập ngay từ khi Đảng Cộng sản ra đời. Còn đi đến như thế nào là tùy điều kiện lịch sử cụ thể, căn cứ điều kiện trong nước, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, truyền thống dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội theo con đường, phương thức của chúng ta. Và nếu nhìn lại từ giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, một loạt các quốc gia Đông Âu sụp đổ, chúng ta vẫn vững vàng đi bằng con đường của chúng ta.
Đảng ta sinh ra từ nhân dân, là đứa con nòi của dân tộc. Tất cả thành bại của Đảng khởi nguồn từ nhân dân. Điều kiện trong nước, thành quả gần 40 năm đổi mới đã kiến tạo những nền tảng hết sức căn bản, chỉ ra những yếu huyệt để chúng ta đột phá một cách tổng thể trong chỉnh thể công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Thời cơ đang đến với Việt Nam, đó là thời cơ của kỷ nguyên mới. Điều kỳ thú mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói là tìm con đường ngắn nhất. Một thế kỷ trước, một thành tựu như thế phải mất hàng trăm năm, nhưng bây giờ chỉ có 30 năm, thậm chí 20 năm, cho nên thời cơ lúc này là lực lượng và tốc độ phát triển là quan trọng, thì kỷ nguyên mới phải giải quyết vấn đề tốc độ. Tầm nhìn là định hướng, nội hàm là định tính, mô hình là định hình, bây giờ là tốc độ, cho nên có thể diễn đạt một cách dung dị: Kỷ nguyên mới là công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong bối cảnh mới, phát triển với tốc độ một ngày bằng nhiều chục năm để đưa đất nước bứt phá, đạt mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, cho nên con đường như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào phương thức cầm quyền của Đảng đi như thế nào?
Bình Phước với 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn chuẩn bị đầu tư xây dựng hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh - Ảnh: Tiến Dũng
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, nhiệm vụ trước mắt, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cũng như việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ như thế nào để chúng ta thực sự vững vàng bước vào kỷ nguyên mới?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Đảng ta từng khẳng định xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, vì nó là yếu tố quyết định sự thành bại công cuộc cách mạng của chúng ta. Chủ trương, đường lối có tốt hay không cũng do cán bộ và chính cán bộ là người lãnh đạo để thực hiện chương trình này, cho nên công tác cán bộ rất quan trọng. Bình Phước cũng như các tỉnh, thành khác đang bước vào giai đoạn mới là chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chính vì vậy, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ cực kỳ quan trọng và theo tôi, trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ phải thật sự tài năng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và cả chuyển đổi số.
Đào tạo nguồn nhân lực là điều rất quan trọng cho cán bộ hiện nay, nguồn nhân lực xuất phát từ nền dân trí. Bình Phước vẫn là nơi còn nhiều khó khăn, một tỉnh biên giới, sự phát triển còn chậm so với tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cho nên vấn đề dân trí cực kỳ quan trọng. Điểm thứ hai là những cán bộ rất kỹ năng, thành thạo, hiệu quả trong công việc. Ngày nay là thời kỳ của tốc độ và khi nói đến cán bộ là nói đến thái độ, nghiệp vụ, tài năng, kỹ năng và thái độ gắn liền với đạo đức.
Ngoài những phẩm chất ấy, cán bộ phải có năng lực hội nhập nhưng rất bản lĩnh. Đổi mới sáng tạo đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ cao, bản lĩnh; người cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay phải rất đoàn kết, nhưng rất kỷ cương, đất nước rất cần kỷ cương, không có kỷ cương không phát triển được, nhưng cũng đầy tình thương và trách nhiệm; khiêm tốn nêu gương, học tập và rèn luyện suốt đời. Tôi cho rằng, trong công việc sắp tới về cán bộ, chuẩn bị đưa Bình Phước bước vào giai đoạn phát triển mới thì lực lượng cán bộ vẫn là then chốt của then chốt, người cán bộ đầy tài năng và đạo đức.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/168776/dang-dan-dat-toan-dan-toc-tien-len