Đặng Văn Lâm sang Thái - đã qua thời cầu thủ Việt đi chỉ để 'học hỏi'

Một dòng chảy cầu thủ từ Việt Nam ra nước ngoài với giá trị cao và đến đó là để đá bóng, để bùng nổ, trở nên nổi tiếng như những ngôi sao khu vực là giấc mơ thực sự lớn với tất cả.

Thông tin Đặng Văn Lâm chia tay Hải Phòng để sang đội bóng hàng đầu Thái Lan Muang Thong United không khác gì quả bom nổ tung trong làng bóng đá nội trong những ngày mà người hâm mộ hồi hộp theo dõi trái bóng Asian Cup 2019 lăn ngay đầu năm.Những cuộc chuyển nhượng lớn của bóng đá nội trước đó đã diễn ra. Một trong số những người hùng của AFF Cup là Quế Ngọc Hải đã có bến đỗ mới với giá chuyển nhượng cũng tiền tỉ.

Tuy nhiên, thương vụ ấy không thể so với cuộc chơi của Đặng Văn Lâm.Ra nước ngoài thi đấu luôn là câu chuyện không quá phổ biến trong bóng đá Việt. Đơn giản, đấy không phải là chuyện thường xuyên xảy ra.

Những tấm gương ra đi trong quá khứ gần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ Công Vinh cho đến Công Phượng và Xuân Trường đều không để lại bất cứ ấn tượng lớn nào, ngoài những từ mà chúng ta thường sử dụng để giảm nhẹ hai từ “thất bại”. Đó là “học hỏi”, là “rút ra nhiều bài học kinh nghiệm”, là “hội nhập”.

Đấy chính là những gì mà chúng ta tin những cầu thủ ấy có thể nhận thức được sau thời gian không dài gắn bó với những CLB của họ ở Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sự nhận thức ấy không chỉ đến từ việc được tiếp cận với những nền bóng đá hiện đại (kể cả ở đội hạng dưới Leixoes như của Công Vinh), những tư duy bóng đá chưa phát triển ở Việt Nam, những cơ ngơi, điều kiện tập luyện, không khí thi đấu chuyên nghiệp ở mọi khía cạnh. Tóm lại là một thế giới bóng đá hoàn toàn mới, khác biệt với chúng ta.

Và nếu nhìn theo góc độ ấy, việc thở không khí ở đó thôi, chưa nói gì đến chuyện có được ra sân hay không, cũng là quá tốt với những cầu thủ hàng đầu của bóng đá Việt Nam ấy rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa. Rồi nếu nhìn những gì mà các cầu thủ ấy đã học được và đem về áp dụng cho bóng đá Việt, thì lại thấy có quá nhiều cái được.

Công Vinh nói rằng quãng thời gian ngắn ngủi ở Bồ Đào Nha có ích cho anh trong việc thi đấu và quản lý sau này. Xuân Trường chững chạc và mạnh mẽ hơn sau khi trở lại Việt Nam.

Công Phượng chỉ ra sân đúng 6 trận trong màu áo Mito Hollyhock theo hợp đồng cho mượn từ HAGL và không ghi được bàn thắng nào, trong một khoảng thời gian khá ngắn cách đây 3 năm. Chắc chắn, những trải nghiệm ngày đó giúp ích không nhỏ cho tiền đạo của đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn trưởng thành.

Nhưng xét cho cùng, vẫn có cảm giác nào đó chưa thật trọn vẹn đối với những người hâm mộ, vốn tin tưởng rằng những người đã ra đi ấy là những cầu thủ hay nhất nền bóng đá Việt Nam.

Nhưng họ có lẽ cũng hiểu rằng được như thế này đã là tốt rồi, mong cho lứa sau thành công hơn nữa, không phải sang đó là để “học hỏi”, mà là để đá chính, để ghi bàn, để thành những ngôi sao lớn.

Thành công lớn của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 đã thổi bùng lên những ước mơ lớn không chỉ của người hâm mộ, mà ở chính các cầu thủ. Khi bóng đá Việt Nam được thế giới chú ý đến ngày càng nhiều hơn, con đường liên thông giữa bóng đá nội và ngoại trở nên rộng rãi hơn do hội nhập và toàn cầu hóa.

Một dòng chảy cầu thủ từ Việt Nam ra nước ngoài với giá trị cao và đến đó là để đá bóng, để bùng nổ, trở nên nổi tiếng như những ngôi sao Nhật Bản hay Hàn Quốc là giấc mơ thực sự lớn với tất cả.

Người ta nức lòng khi đọc được những tin tức nói rằng Công Phượng được các CLB Hàn Quốc và Nhật Bản chú ý đến. Những dòng đồn thổi rằng Quang Hải có đủ khả năng để sang Thái Lan, thậm chí có thể đến một bến đỗ mới ở Châu Âu.

Một dòng chảy cầu thủ từ Việt Nam ra nước ngoài với giá trị cao và đến đó là để đá bóng, để bùng nổ, trở nên nổi tiếng như những ngôi sao Nhật Bản hay Hàn Quốc là giấc mơ thực sự lớn với tất cả.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu lứa cầu thủ mới này đã đủ khả năng, không chỉ về chuyên môn, để sẵn sàng đối mặt với một sân chơi mới, lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, áp lực nhiều hơn, và những nền văn hóa, ngôn ngữ mới hay chưa?

Giỏi chuyên môn chỉ đóng vai trò nhỏ

Câu trả lời không nằm ở những người đại diện cầu thủ, vốn cũng đã chuyên nghiệp hơn ở ta, mà chính ở các cầu thủ.

Những ngày sau thành công của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup, tôi có dịp nói chuyện với Quang Hải về việc cậu nghĩ thế nào trước khả năng thi đấu ở nước ngoài. Rất tự tin, Hải bảo “em luôn sẵn sàng”. Hải sẵn sàng, nghĩa là Hải nghĩ có đủ khả năng để ra một sân chơi mới, lớn hơn, căng thẳng hơn, nghiệt ngã hơn, nhưng cũng rất nhiều điều thú vị đang chờ ở phía trước.

Hải mới 21 tuổi, tương lai ở phía trước còn rất dài, còn nhiều “đất” để diễn, để lớn. Và một cơ hội như thế nếu đến, liệu có thể giúp những cầu thủ như Hải trưởng thành hơn, thành những ngôi sao lớn vượt ra ngoài khuôn khổ của bóng đá khu vực?

Sự giỏi giang về chuyên môn chỉ đóng vai trò nhỏ trong hành trình mà một cầu thủ Việt thi đấu ở nước ngoài. Kỹ năng sống, vốn sống, ngoại ngữ, khả năng hòa nhập với văn hóa, lối sống, cách sinh hoạt, thậm chí là thích nghi với khí hậu và ẩm thực của bến đỗ mới cực kỳ quan trọng trong thành công của họ.

Câu trả lời đương nhiên bỏ ngỏ vì không ai biết được điều gì có thể xảy ra. Nhưng có thể tin, nếu Hải đi, sau khi người đại diện của Quả bóng vàng Việt Nam 2018 tìm được cho cậu một đội bóng thích hợp, Hải sẽ đi xa hơn Vinh, Trường và Phượng, bởi Hải khác họ.

Hải cá tính hơn, mạnh mẽ hơn. Hải có không ít bài học từ những người đi trước và cậu có một người đại diện từng trải, hiểu biết và rất “Tây”.

Đúng, tâm lý “Tây” ấy là yếu tố quan trọng. Sự giỏi giang về chuyên môn chỉ đóng vai trò nhỏ trong hành trình mà một cầu thủ Việt thi đấu ở nước ngoài.

Kỹ năng sống, vốn sống, ngoại ngữ, khả năng hòa nhập với văn hóa, lối sống, cách sinh hoạt, thậm chí là thích nghi với khí hậu và ẩm thực của bến đỗ mới cực kỳ quan trọng trong thành công của họ.

Điều này thì ngay cả các ngôi sao nước ngoài cũng có thể vấp phải, và được cho là một nguyên nhân khiến họ không thành công khi đổi môi trường sống và thi đấu.

Công Vinh từng mô tả rằng anh không nói chuyện được với ai, và các đồng đội cũng ít tiếp xúc với anh. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã gạt ra khỏi đội bóng không ít những cầu thủ không có kỹ năng hòa nhập.

Văn Lâm thì sẽ không như thế, bởi Lâm khác hẳn, một người ngay từ khi sinh ra đã là người “quốc tế”, thừa hưởng những gì hay nhất của một ông bố Việt và bà mẹ Nga, đã lớn lên và trưởng thành trong các lò đào tạo trẻ ở Moskva.

Bản thân lý lịch ấy đã là một sự thừa nhận, một đảm bảo cho việc Lâm có thể hòa nhập thế nào trong một môi trường không phải Việt Nam; dù trên thực tế là Lâm đã mất nhiều năm bươn chải và rất vất vả ở chính quê cha mới có được ngày hôm nay.

Ngày càng nhiều cầu thủ Việt kiều ở các lứa tuổi trở về nước tìm cơ hội thi đấu và đang nuôi ước mơ một ngày trở thành những người hùng của đội tuyển quốc gia; trong khi một dòng chảy khác cho thấy bóng đá Việt có thể xuất khẩu được, để tỏa sáng chứ không phải học hỏi, bóng đá ta đang hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới bóng đá hiện đại.

Thế nên, tôi không ngạc nhiên lắm khi đọc tin về cuộc phiêu lưu mới của Lâm trên đất Thái, tại chính đội bóng hàng đầu của giải đấu số 1 Đông Nam Á ở cấp câu lạc bộ.

Không ngạc nhiên, bởi tin một người như Lâm có thể thành công, bởi cá tính và các phẩm chất cũng như khả năng hòa nhập của Lâm cho phép mình đi xa hơn những gì đã chứng tỏ ở V.League và trong màu áo đội tuyển Việt Nam.

Còn Quang Hải, bao giờ Hải sẽ đi, và đi đâu? Chính Hải đang giữ câu trả lời ấy, vì Hải đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là khi nào mà thôi.

Ngày càng nhiều cầu thủ Việt kiều ở các lứa tuổi trở về nước tìm cơ hội thi đấu và đang nuôi ước mơ một ngày trở thành những người hùng của đội tuyển quốc gia; trong khi một dòng chảy khác cho thấy bóng đá Việt có thể xuất khẩu được, để tỏa sáng chứ không phải học hỏi, bóng đá ta đang hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới bóng đá hiện đại.

Không mong gì hơn là một ngày được thấy sự đa dạng về thành phần sẽ tạo nên sức mạnh của đội tuyển chúng ta trên tầm châu lục (chứ không còn là khu vực), với bộ khung được tạo thành bởi những cầu thủ hay nhất đất nước, nhiều trong số đó đang tỏa sáng trên các sân cỏ ngoài Việt Nam.

Trương Anh Ngọc
Illustration: Châu Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dang-van-lam-sang-thai-da-qua-thoi-cau-thu-viet-di-chi-de-hoc-hoi-post905397.html