Đảng viên cao tuổi nêu gương sáng

Những đảng viên hưu trí mà chúng tôi có dịp gặp lần này đều là những người giàu kinh nghiệm, trí tuệ, có nhiều năm đóng góp cho xã hội, trải qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác và hiện rất có uy tín tại địa phương. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Vẹn nguyên cảm xúc ngày đầu vào Đảng

Ở tuổi 90, ông Nguyễn Hữu Ý (SN 1930) ở thôn Bích Lộc Triêu, trước đây là Bích La Thượng, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) vẫn khỏe mạnh, tinh anh. Dù đã bước qua 71 năm tuổi đảng, ông Ý vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

 Ông Nguyễn Hữu Ý. Ảnh: LT

Ông Nguyễn Hữu Ý. Ảnh: LT

Ông Ý được kết nạp đảng vào năm 1949, khi vừa tròn 19 tuổi. Thời điểm này, quê hương ông là vùng địch tạm chiếm (ban ngày địch kiểm soát nhưng ban đêm thì cách mạng làm chủ) nên ông tham gia du kích từ rất sớm và được cách mạng rèn luyện, trưởng thành. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tổ chức đảng cũng như cán bộ cách mạng trong vùng tạm chiếm, ông Ý đã gan dạ tìm mọi cách đánh địch vào ban đêm bằng các phương pháp như đặt bẫy hầm chông, đạn đạp, rồi kế lấy ớt bột đứng trên hướng gió đổ về phía đồn địch nhằm xông cho quân giặc hắt hơi để biết chỗ mà đánh… Với những thành tích trong chiến đấu và rèn luyện, năm 1948 ông Ý được giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng, “Tôi phải đi bộ cả ngày đường để băng rừng, lội suối luồn lách qua mưa bom, bão đạn lên chiến khu Ba Lòng học lớp cảm tình đảng. Lòng tôi lúc đó cảm thấy lâng lâng, hãnh diện nên dường như quên hết chuyện đường sá xa xôi, hiểm nguy rập rình…”, ông Ý nhớ lại.

Sau khi được kết nạp đảng vào năm 1949 tại Chi bộ Phong Quang, đến năm 1953, ông được Huyện ủy điều động bổ sung làm quân báo nắm tình hình địch ở địa bàn huyện Triệu Phong. Một năm sau thì ông tập kết ra miền Bắc, biên chế vào Trung đoàn 271, đến năm 1982 về hưu với quân hàm trung tá.

Cuộc đời ông Ý trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông nhẩm tính mình có 36 năm 10 tháng cầm súng chiến đấu và chưa bao giờ lùi bước trước quân thù. Là lính trinh sát, ông Ý tự nhận mình là “người đi trước về sau” nhưng không trận nào là không tham gia. Có lẽ vì thế mà chuyện đời tư của ông cũng “vắt” qua 2 cuộc chiến tranh với những dấu mốc không thể nào quên đó là người con gái đầu của ông sinh vào năm 1953, thời gian cuối kháng chiến chống Pháp và phải đến 22 năm sau, khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi vào năm 1975 ông mới có thêm người con thứ 2. Sau khi rời quân ngũ, ông Ý tiếp tục có nhiều hoạt động đóng góp cho địa phương khi có 16 năm làm cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Triệu Phong và 15 năm làm Bí thư chi bộ thôn Bích La Thượng. Đến năm 2013, khi bước qua tuổi 83 ông mới thật sự nghỉ ngơi với niềm vui tuổi già bên con cháu.

Người đảng viên mẫu mực

Ông Nguyễn Sĩ Phụng (SN 1927) ở Khu phố 9, Phường 1 (thành phố Đông Hà) được mọi người kính trọng bởi lối sống mẫu mực và trách nhiệm với các phong trào, hoạt động của địa phương dù tuổi đã rất cao.

 Ông Nguyễn Sĩ Phụng. Ảnh: LT

Ông Nguyễn Sĩ Phụng. Ảnh: LT

Từ năm 1943, ông Phụng đã tích cực tham gia các phong trào chống Pháp bằng việc nhận, phát truyền đơn cho cách mạng, canh gác cho các cuộc họp chi bộ ở làng Đại Áng, phường Đông Lương diễn ra đảm bảo trong bí mật, an toàn. Sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, ông Phụng tham gia vào Đội tự vệ đỏ của làng Đại Áng rồi từng là điệp viên hoạt động tình báo cho cách mạng ở địa bàn thị xã Quảng Trị cho đến năm 1949 bị lộ thì ông được cấp trên cho ra Hà Tĩnh đi học. Sau này, ông Phụng được điều động công tác ở lĩnh vực thuế, tài chính ở nhiều địa phương như: Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Nội… Ông Phụng được kết nạp vào đảng năm 1961 ở tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1972, khi còn là cán bộ ở Bộ Tài chính, ông được Trung ương chọn tham gia phái đoàn đặc biệt của Chính phủ vào giúp tỉnh Quảng Trị giải phóng. Kể từ đó ông phụ trách lĩnh vực tài chính ở Quảng Trị cho đến năm 1980 về hưu.

Ở tuổi 93, ông Phụng vẫn luôn tâm niệm bản thân phải là người gương mẫu, trách nhiệm với lời nói và việc làm của mình để từ đó làm gương cho con cháu noi theo. Trong cuộc sống hằng này, ông thường xuyên nhắc nhở, dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải và làm việc tốt, tích cực học tập, lao động phát triển kinh tế gia đình, để trở thành những công dân có ích.

Bí thư chi bộ “nói đi đôi với làm”

Là Bí thư Chi bộ thôn An Phú, xã Hải Thái (huyện Gio Linh) ông Nguyễn Thanh Hai được người dân tín nhiệm, tin yêu bởi tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, gần gũi, hòa đồng với người dân, nói đi đôi với làm.

 Ông Nguyễn Thanh Hai. Ảnh: LT

Ông Nguyễn Thanh Hai. Ảnh: LT

Ông Hai đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn Phú Ân kể từ năm 2013 khi ông hết làm cán bộ nông trường cao su về nghỉ hưu theo chế độ. Đến tháng 9/2019, xã Hải Thái sáp nhập thôn Trung An và thôn Phú Ân đổi thành tên An Phú, ông Hai tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn An Phú. Hiện chi bộ có 82 đảng viên tham gia sinh hoạt. Ông Hai cho biết: “Bất kể việc gì của làng xã thì đảng viên, gia đình đảng viên phải là người đi đầu, làm trước. Chi bộ đã đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nội dung chính trong các buổi sinh hoạt định kì. Chúng tôi nhận thức rằng việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là đương nhiên nhưng quan trọng là mỗi đảng viên phải làm theo như thế nào. Đây là một đề tài mà các buổi sinh hoạt ở Chi bộ thôn An Phú luôn thảo luận sôi nổi. Tự mỗi cá nhân đảng viên tùy theo chức trách nhiệm vụ, vị trí công tác đều phải tự tìm cách làm theo Bác. Làm theo Bác từ cách sống giản dị, không phô trương; cách tiết kiệm trong sinh hoạt hằng ngày hay đơn giản là chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất để cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình… Vì thế đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt chi bộ đã trở thành động lực để mỗi đảng viên tự rèn luyện, phấn đấu nhằm hoàn thiện bản thân mình đồng thời giáo dục con cháu noi theo”.

Để nêu gương cho đảng viên trong chi bộ, ông Hai luôn phát huy tính năng động, nhiệt tình trong công việc. Ông thường tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đồng thời tích cực vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện hương ước, quy ước của thôn, hòa giải các mâu thuẫn nhỏ cũng như áp dụng khoa học- kĩ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; tiết kiệm trong tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng... Nhiều năm liền chi bộ ông phụ trách đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, bản thân ông Hai 3 năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền các cấp tặng bằng khen, giấy khen; là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145841