Đảng viên đồn biên phòng (tiếp theo bài 1)

Trung tá Nguyễn Văn Sinh, đảng viên “681” thường xuyên đến thăm, động viên gia đình chị Trần Thị Mỹ Ánh, bị bệnh tâm thần. Ảnh: XUÂN HIẾU

BÀI 2: Đảng viên “681”

Xuất phát từ đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển của tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP về phân công đảng viên đồn BP phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới (gọi tắt là Chỉ thị 681) bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Giúp dân không chỉ bằng vật chất

Mấy tháng trước, ngày nào người dân thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cũng thấy trung tá Nguyễn Văn Sinh chở chị Trần Thị Mỹ Ánh - một người bị bệnh tâm thần, đi đi về về đều đặn mỗi ngày cho dù là nắng hay mưa, cho đến khi bệnh tình của chị thuyên giảm. Anh Đoàn Hình Đượng (SN 1982) chồng chị Ánh cho biết: “Chúng tôi lập gia đình năm 2009. Sau khi sinh đứa con thứ hai (năm 2014) thì vợ tôi bị bệnh tâm thần. Hằng ngày mỗi khi chiều đến là cứ như người mất hồn và ngày càng nặng thêm. Tôi làm thợ sơn, mỗi tháng thu nhập chỉ vài triệu đồng, tằn tiện nuôi con, còn lại dành để chạy tiền thuốc, đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh cho vợ nhưng vẫn không khỏi. Thứ gì có giá trị, bán được tôi đều đã bán, nhưng sức khỏe của vợ ngày một yếu đi nên đành phó thác cho số mệnh”.

Là cán bộ địa bàn thôn Giai Sơn, thấu hiểu hoàn cảnh thương tâm của chị Ánh cùng gia đình, trung tá Nguyễn Văn Sinh đã tham mưu và được Đảng ủy Đồn BP An Hải phân công phụ trách, giúp đỡ gia đình này. Qua tìm hiểu, biết được ở Bình Kiến (TP Tuy Hòa) có người chữa bệnh tâm thần bằng thuốc gia truyền hiệu quả, trung tá Sinh đã khuyên anh Đượng đưa vợ đến đó chữa trị. “Nghe anh Sinh đặt vấn đề tôi cũng biết ơn, nhưng còn tiền đâu nữa mà chữa với trị. Với lại tôi còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ, đâu có thời gian đưa vợ đi hàng ngày. Không ngờ anh Sinh lại tự nguyện làm người đưa đón bệnh nhân rồi còn tự trả một phần tiền thuốc. Nói thật, lúc đầu tôi rất áy náy trước việc làm của anh Sinh, nhưng bằng lời lẽ chân tình của một cán bộ sĩ quan chuyên nghiệp trong lực lượng BĐBP nên tôi đã đồng ý. Nhờ vậy mà bệnh tình của vợ tôi hiện nay đã thuyên giảm 7-8 phần”. Hỏi trung tá Nguyễn Văn Sinh lấy tiền đâu để anh trả tiền thầy, tiền thuốc cho chị Ánh, anh cười hiền: “Là chỗ quen biết và thấy hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân rất khó khăn nên bà thầy không lấy tiền khám. Còn tiền thuốc bà cũng chỉ lấy vốn, không lấy công và cũng không nhiều lắm nên tôi lo được”.

Một trường hợp khác, ông Lê Văn Vân ở phường Xuân Thành, TX Sông Cầu là thương binh hạng 2/4, bị mất một chân khi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên ông Vân có ý định cho con trai là Lê Văn Xin đang học lớp 5, chuẩn bị lên lớp 6 thôi học, ở nhà phụ giúp gia đình. Nắm được ý định của ông Vân, thượng úy Nguyễn Ngọc Phong, đảng viên được Đảng ủy Đồn BP Xuân Đài phân công phụ trách các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở phường Xuân Thành đã thường xuyên gặp gỡ, vận động, thuyết phục ông Vân để cháu Xin tiếp tục đến lớp, đến trường, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí đủ để cháu đóng học phí.

Hay trường hợp gia đình bà N.T.D ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa. Đại úy Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn BP Cửa khẩu cảng Vũng Rô, cho biết gia đình bà thuộc diện khó khăn, có con trai là lao động chính nhưng vì mê cờ bạc, dẫn đến nợ nần chồng chất, không trả được phải bỏ nhà, trốn khỏi địa phương. Từ đó, gia đình vốn đã khó khăn càng thêm khốn khó, cuộc sống đảo lộn. Đảng ủy đã phân công đảng viên, thiếu tá Nguyễn Ngọc Đường trực tiếp giúp đỡ. Được sự động viên, can thiệp và giúp đỡ của thiếu tá Đường, anh con trai mê cờ bạc của bà D đã nhận ra sự tác hại của máu đỏ đen, quay về chí thú làm ăn, từng bước trả được nợ nần. Bà D tâm sự: “Lúc đầu tôi ngại lắm. Có ai vạch áo cho người khác xem lưng bao giờ? Con tôi vì bị rủ rê, nhận thức không tới nơi tới chốn nên sa vào con đường cờ bạc. Con cái như vậy nên tôi mặc cảm, xấu hổ không muốn tiếp xúc với ai. Nhưng trước thái độ ân cần, bằng những lời nói và việc làm của chú Đường, giờ đây con tôi đã nhận ra lỗi lầm, hứa không tiếp tục mắc sai phạm”.

Đảng viên “681” trao đổi thông tin với người dân vùng biển. Ảnh: XUÂN HIẾU

Đảng viên “681” trao đổi thông tin với người dân vùng biển. Ảnh: XUÂN HIẾU

Gắn kết tình quân dân

Đại tá Đặng Phú Quốc, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 681, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP và Đảng ủy các đồn BP đã phân công, giao nhiệm vụ cho 140 đảng viên phụ trách 460 hộ gia đình, gồm 216 hộ nghèo, 83 hộ gia đình chính sách, 89 hộ có thành viên trong gia đình từng có tiền án, tiền sự, 52 hộ có mối quan hệ phức tạp, dễ bị lợi dụng kích động, có mối quan hệ xã hội phức tạp, hay hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Quán triệt phương châm “3 biết” (biết địa chỉ nhà, biết hoàn cảnh và biết tâm tư nguyện vọng của gia đình), các đảng viên “681” đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình được phân công; xây dựng kế hoạch phụ trách, phương án giúp đỡ từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các đảng viên “681” còn phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, quy định địa phương. Sự giúp đỡ của các đảng viên đồn BP đã góp phần thiết thực trong việc khích lệ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên lao động sản xuất. Cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình được giúp đỡ đã thay đổi rõ nét, không có hộ nào có thành viên vi phạm pháp luật phải xử lý. Đáng kể là đã có những cá nhân vốn nghiện ngập, thường xuyên vi phạm pháp luật nay đã thay đổi tích cực về lối sống, siêng năng làm ăn, chăm lo xây dựng gia đình. “Trong thời gian thực hiện chủ trương của tỉnh về việc di dời chợ Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) đã xuất hiện một số đối tượng có hành vi kích động, hay tụ tập gây rối an ninh trật tự trên địa bàn. Đồn BP An Hải đã phối hợp với công an, quân sự và các ban ngành, đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là các hộ gia đình được đảng viên đồn BP phụ trách hiểu và nhất trí với chủ trương của địa phương, không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo làm mất an ninh trật tự trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cho biết.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP Phú Yên khẳng định: Kết quả chung trước tiên và lớn nhất qua thực hiện Chỉ thị 681 gắn với Quy định 2373, đó là cấp ủy, cán bộ, đảng viên các đồn BP nâng cao nhận thức, xác định rõ nhiệm vụ giúp dân là nhiệm vụ chính trị, tận tình hướng dẫn để từng gia đình tự vươn lên. Từ sự giúp đỡ của đảng viên đồn BP, nghĩa tình quân dân thêm gắn kết. Nhân dân sẵn sàng hỗ trợ nhiều thông tin, giúp BĐBP kịp thời xử lý tình hình, giải quyết tốt các mâu thuẫn nổi lên trên địa bàn, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Đảng ủy - BĐBP Phú Yên xác định, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 681 gắn với việc phân công đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, khu phố ven biển theo Quy định 2373 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, các đồn BP cần phát huy vai trò nòng cốt, tính tiền phong gương mẫu, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Đồng thời đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động quần chúng; gắn phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển” với phong trào “BĐBP Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng thế trận lòng dân trên tuyến BP ngày càng vững chắc.

BÀI CUỐI: Xứng danh bộ đội quân hàm xanh

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/418/242093/dang-vien-don-bien-phong-tiep-theo-bai-1.html