Đảng viên Pờ Lò Hừ ở bản Pha Bu
Khi tôi đến nhà Pờ Lò Hừ (ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thì cả nhà anh đang chuẩn bị cho bữa cơm mời khách hôm sau.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu kể từ khi gia đình định cư tại bản, anh lại háo hức chuẩn bị một bữa cơm đầy ý nghĩa. Pờ Lò Hừ lên tận Đồn Biên phòng Pa Ủ mời bằng được khách quý của gia đình là những cán bộ, chiến sĩ của đơn vị...
Chịu ơn nên tạc vào lòng không quên
Mang cái cười róm rỉnh, giọng nói nhỏ nhẹ chuyển hơi một mạch dài, gương mặt xương xương sinh động, Pờ Lò Hừ đích thị là người đàn ông rất có duyên. Anh khá bất ngờ khi tôi "đột kích" nhà mà không hề hẹn, bởi có anh bộ đội Đồn Biên phòng Pa Ủ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) khẳng định, nếu nhấc điện thoại lên hẹn gặp để viết về anh, ngay lập tức Pờ Lò Hừ sẽ chối từ... Pờ Lò Hừ là người La Hủ, một dân tộc cần được bảo tồn đặc biệt. Với vị trí địa lý vùng dân cư, nên toàn bộ cộng đồng người La Hủ ở xã Pa Ủ nằm trong địa bàn do Đồn Biên phòng Pa Ủ quản lý.
Người La Hủ ở xã Pa Ủ cách đây vài chục năm là nhóm người yếu thế, sống lưu lạc trong rừng sâu, núi cao. Cuộc sống của người La Hủ khi đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc săn bắt, hái lượm. Người La Hủ cứ lang thang trong rừng, dựng lều lợp bằng lá cây, lá trên nóc lều khô vàng thì lại dời đến khoảnh rừng khác. Cuộc sống nay đây, mai đó khiến người La Hủ vẫn cứ quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Năm Pờ Lò Hừ 14 tuổi, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ vận động, thuyết phục, đưa cả nhà anh về bản Hô Gia định cư. Bộ đội dựng cho gia đình anh căn nhà, dạy cách trồng rau và cấy lúa... Tuổi ấy, cậu thiếu niên Pờ Lò Hừ lờ mờ hiểu có lao động thì mới có ăn. Nhưng do đời sống tinh thần hầu như bị mai một nên gia đình sống thu hẹp, không chia sẻ, dè chừng và thận trọng trước mọi thay đổi, mọi sự giúp đỡ.
Cả nhà ông Pờ Lò Gia (bố của Pờ Lò Hừ) đều không biết tiếng phổ thông, nên rất ít khi giao tiếp với người ngoài. Năm Pờ Lò Hừ 19 tuổi, bộ đội vận động anh đi học chữ. Hai năm, anh chẳng nghỉ buổi học nào, mặc dù con đường từ bản đến lớp dài 16km và đều phải đi bộ. Cả tuần học, tới chiều thứ sáu, một mình Pờ Lo Hừ lại lầm lũi trở về bản trong đêm tối. Anh là học sinh lớn tuổi nhất lớp, hơn cả thầy giáo người Thái ở xã Mường Tè (huyện Mường Tè). Càng học, Pờ Lò Hừ càng hiểu rằng: Muốn có cuộc sống tốt đẹp, người La Hủ phải chăm chỉ lao động và định cư ổn định. Vì vậy, anh cùng với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tích cực vận động đồng bào La Hủ trồng lúa, trồng cây, chăn nuôi trâu, bò...
Nỗ lực thay đổi tương lai người La Hủ
Bước vào ngôi nhà gỗ của Pờ Lò Hừ, tôi thấy những bao thóc to xếp chồng lên nhau cao gần tới trần nhà. Phía trong, bếp lửa chiều ấm thơm mùi thức ăn. Vợ của Pờ Lò Hừ, chị Pờ Xa Xô đang nấu bữa cơm chiều. Còn Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pờ Lò Hừ thì đang tất bật chuẩn bị để hôm sau mời cơm bà con dân bản, cán bộ xã, bạn làm ăn, giáo viên cắm bản và nhất là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ. Thượng úy Phu Già Pô, cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ nói với tôi: "Hôm qua, anh ấy đi xe máy lên tận đơn vị mời cán bộ, chiến sĩ đến nhà mừng cho vợ chồng anh mua được chiếc xe tải trị giá 577 triệu đồng".
Mùa trồng lúa năm 2022, nhà Pờ Lò Hừ thu hoạch khoảng 700 bao thóc, mỗi bao ước chừng 50kg. Anh còn có đàn bò, trâu lên tới trăm con; có trang trại nuôi cá, gà, dê; có vườn trồng sâm, tam thất; nương thảo quả 10ha; sa nhân 20ha; quế gần 20ha. Hỏi anh về tổng nguồn thu từ làm kinh tế năm vừa qua, anh chỉ mỉm cười, rồi lặng im. Hỏi anh bao giờ vườn quế cho thu hoạch, Pờ Lò Hừ bảo anh muốn trồng quế cả chục năm mới khai thác. Anh không kể về những thành quả đạt được mà chỉ say sưa kể rằng trồng cây quế khâu chăm sóc trong năm đầu tiên cực kỳ quan trọng, bởi nếu cây không được chăm sóc sẽ còi cọc, chậm phát triển, năng suất thấp. Ngoài ra, trồng quế không được quá thưa, bởi thưa quá khiến năng suất thấp, cây dễ bị đổ, gãy; nếu trồng quá dày, cây sẽ khó phát triển, nhiều sâu bệnh vì thiếu ánh nắng, thiếu chất... Những kiến thức ấy ngoài việc tự học còn là công sức, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình Pờ Lò Hừ đã tạo việc làm cho hàng chục người dân trong bản. Không chỉ giúp đồng bào mình có việc làm, trả công xứng đáng, anh còn chỉ bảo, khuyên nhủ họ siêng năng, cùng làm và cùng hưởng. Đi từ đầu bản, có tới mấy ngôi nhà gỗ to đẹp còn khá mới, hỏi ra mới biết đó là của Pờ Đô Hừ, Pờ Gạ Đư, những người anh em, được Pờ Lò Hừ giúp đỡ làm ăn, rồi còn dìu dắt để trở thành người đảng viên của Đảng.
Nói về Pờ Lò Hừ, Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ không tiếc lời khen ngợi: “Hừ cần cù, thật thà, có trách nhiệm lắm, bà con và anh em trong đơn vị ai cũng quý, cũng thương”. Bà con bản không thương anh sao được, bởi anh chỉ mải giúp bà con, chỉ tận tụy với đồng bào, không nề hà từ những việc nhỏ nhặt. Khi bà con trong bản không nhớ ngày sinh, tháng đẻ của mình, đi làm căn cước công dân, lên đến UBND xã rồi lại gọi cho Pờ Lò Hừ để hỏi “sinh ngày, tháng bao nhiêu?”. Pờ Lò Hừ mở sổ ra để dò từng người. Trong bản, nhà nào có bé mới sinh là anh cầm sổ đến thăm hỏi rồi ghi chép, giúp đỡ làm thủ tục khai sinh cho cháu. Anh còn nhận Ky Hử Đo về nuôi năm 7 tuổi. Ky Hử Đo không có nhà cửa, cha mẹ đi lang thang. Đến giờ Ky Hử Đo đã có vợ con, được vợ chồng anh giúp dựng nhà, cho bò giống, cây giống...
Chứng kiến một số người trong bản sử dụng thuốc phiện, gương mặt ám khói nhọ nhem, mắt trũng sâu, khi phê trong khói thuốc, lúc quằn quại vì cơn đau, ngứa ngáy đến tận xương tủy..., hỏi gì cũng bảo "không biết đâu", "mình ngu quá...", Pờ Lò Hừ vận động họ đi cai nghiện, lên trạm y tế tiêm, uống thuốc, khuyên nhủ họ không được để người trong nhà, nhất là những đứa trẻ, thấy mình dùng chất gây nghiện.
Trong bản trước đây có Vàng Hà Nùng muốn kết hôn trước tuổi quy định. Anh đến tận nhà vận động, vẫn chưa yên tâm, anh còn mời Vàng Hà Nùng và cha mẹ cùng đến để phân tích, giảng giải, can thiệp không kết hôn sớm. Pờ Lò Hừ tham gia tuần tra, phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, vận động để trẻ được đến trường, chỉ bảo bà con ăn ở sạch sẽ, cho vay tiền, vay con giống, cây trồng... Không chỉ làm những việc mà chính quyền và dân tin tưởng giao phó, hơn thế, anh còn thường xuyên nghĩ ra việc để làm, thấy việc là gắng làm, nếu việc đó đem lại lợi ích cho dân, cho bản.
Một lòng theo Đảng
Pờ Lò Hừ được kết nạp Đảng. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Từ một đứa trẻ La Hủ đói ăn, khát uống, sống lang thang trong rừng, anh trở thành trưởng bản (năm 2007), là đảng viên (năm 2011), là bí thư chi bộ (năm 2014). Hơn ai hết, tự đáy lòng mình, Pờ Lò Hừ biết ơn Đảng tới nhường nào! Bởi “nghĩa nhân như chén nước đầy”, anh nhất tâm theo Đảng, cùng chính quyền, Bộ đội Biên phòng hết lòng vì dân. Với anh, tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ là những người anh em "cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu”. Từ tình cảm, sự tin yêu đó, anh tích cực phát triển đảng viên trong Chi bộ bản Pha Bu. Đến nay, Chi bộ có 6 đảng viên, trong đó 3 đảng viên là người của bản. Pờ Lò Hừ rưng rưng khi nhắc nhớ người cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ năm xưa là Lù Văn Thêu và Phó bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Ly Xà Phu đã dìu dắt anh vào Đảng. Nhờ có sự dìu dắt đó anh mới trưởng thành và được như ngày nay.
Tiễn chúng tôi ra về, ánh mắt Pờ Lò Hừ hướng về phía đầu bản Pha Bu. Nơi đó có lá cờ Đảng, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm bay trong gió đại ngàn. Niềm tin yêu Đảng thôi thúc anh giúp đỡ, chỉ bảo đồng bào La Hủ chăm chỉ làm ăn hơn và nỗ lực vượt qua gian khó.
Ngồi sau xe máy của Thượng úy Phu Già Pô, chúng tôi im lặng nghe gió đưa tiếng sáo vẳng từ xa. Tiếng sáo không còn đơn độc và buồn như tâm hồn của người La Hủ trước đây. Tiếng sáo vang lên giữa buổi chiều hoàng hôn nơi biên giới đã vui hơn, như để gọi bầu bạn, như phỏng chiếu những tâm tư sâu kín, để bày tỏ tình bạn, tình yêu đôi lứa...