Đảng viên trẻ đà vị dám nghĩ dám làm

Bằng tinh thần của người trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện những điều mới, tại xã Đà Vị, Na Hang hiện đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của đảng viên trẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó đã truyền lửa, xóa bỏ dần tư tưởng 'ly hương' cho lớp thanh niên địa phương.

Nữ bí thư Chi bộ dám nghĩ, dám làm

Thôn Bản Tâng, xã Đà Vị (Na Hang) có khí hậu khắc nghiệt, luôn trong tình trạng thiếu nước sản xuất, đất đai bạc màu, cũng vì thế mà đến hôm nay Bản Tâng vẫn là thôn khó khăn nhất của xã. Năm 2015, chị Hoàng Thị Cư, khi ấy chưa đầy 30 tuổi được bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận của thôn. Là lớp người trẻ, chị nuôi hoài bão phải làm một điều gì đó để nhân dân trong thôn cùng thoát nghèo.

Tham khảo nhiều qua mạng Internet, chị chọn trồng cam sành Hàm Yên, mất gần 6 tháng tiếp cận và thất bại, rồi bắt đầu lại với 100 gốc cam Vinh trên 3.000 m2 đất đồi. Chị Cư bảo, hành trình chinh phục cây cam trên đất khó là hành trình dài và gian nan, 2 vợ chồng mỗi ngày đều thay nhau gùi khoảng hơn 20 bao phân chuồng lên đồi với quãng đường gần nửa cây số để bón từng gốc cam mới trồng, hay những ngày mưa gió ở lại đồi cam để bảo vệ cây non khỏi gãy đổ, rồi chuyện canh trâu, bò của một số người dân kém ý thức thả vào phá hoại…

Chị Hoàng Thị Cư (bên trái) hướng dẫn người dân cách phát hiện sâu bệnh trên cây sâm đương quy.

Chị Hoàng Thị Cư (bên trái) hướng dẫn người dân cách phát hiện sâu bệnh trên cây sâm đương quy.

Chị Cư nhớ lại, năm 2023, năng suất được hơn 12 tấn cam, được thương lái về tận nơi thu mua với giá 6.000 đồng/kg, chị thu về được hơn 70 triệu đồng. Làng trên xóm dưới kháo nhau, đất cằn quê mình tưởng để hoang thế mà trồng cam lại có thu nhập. Cùng năm đó, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn.

Đầu năm 2023, trong một lần đi thăm họ hàng tại xã Công Bằng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), chị được tiếp cận với cây sâm đương quy, loài cây có đặc tính khai thác được cả củ, thân, lá, thời gian trồng và khai thác ngắn ngày, nếu làm đúng kỹ thuật thì vẫn trồng được thêm 1 vụ lúa trên cùng diện tích đất. Đầu tiên chỉ là thử nghiệm 1.000 cây, thấy hiệu quả, năm 2024, Bí thư Chi bộ Cư “đánh liều” đầu tư 40 triệu đồng để cải tạo 1 ha đất lúa, mua 1,1 vạn cây sâm giống về trồng, hiện đầu ra của cây khá ổn định, thu nhập đạt trên 70 triệu đồng mỗi vụ.

Tiếp cận những mô hình kinh tế mới

Tết Nguyên đán năm 2025, Bí thư chi bộ Lầu A Lành vui lắm, anh bảo, năm nay bản Mông Nà Pin có thêm hướng đi mới để phát triển kinh tế, đó là chăn nuôi gà đen H’Mông. Tháng 3 - 2024, mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ủy ban nhân dân xã Đà Vị triển khai thực hiện tại thôn Nà Pin. Tham gia thực hiện mô hình có 7 hộ gia đình, mỗi hộ được nhận nuôi 100 con gà con giống gà đen H’Mông và 18 bao cám để chăn nuôi.

Với cương vị là Bí thư Chi bộ, anh Lành chủ động cải tạo diện tích đất sau nhà để chăn nuôi gà, bắt nhịp cùng con giống mới, anh phải đi học hỏi lớp người già, họ bảo, gà H’mông muốn không bị bệnh phải cho ngủ chỗ cao, tránh tiếp xúc với đất để không bị lạnh chân, sẽ tránh được các bệnh hô hấp, gà con thức ăn cũng phải sạch để không mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

Sau khi chăn hết thức ăn được cấp, anh chuyển dần cho ăn cám ngô, rau chuối và các nguồn thức ăn tự nhiên, gà ăn rất khỏe và lớn cũng nhanh. Đến nay gà trống đạt trọng lượng khoảng 2,8 kg và 1,5 kg với gà mái. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gà không đủ cung cấp ra thị trường dù giá bán khá cao khoảng 160.000 đồng/kg, tuy nhiên ai mua cũng đều tấm tắc khen thịt gà ngon và muốn mua thêm nhưng cả bản không ai còn gà để bán. Năm 2025, cả thôn Nà Pin sẽ tập trung nuôi gà đen H’Mông thương phẩm, anh tin với cách làm dân dã, nuôi thực chất, mọi người chắc chắn sẽ thành công.

Anh Hứa Văn Hướng (bên phải) đang kiểm tra chất lượng các mẻ bún trước khi bán ra thị trường.

Anh Hứa Văn Hướng (bên phải) đang kiểm tra chất lượng các mẻ bún trước khi bán ra thị trường.

Sinh năm 1995, tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, nhưng anh Hứa Văn Hướng, thôn Phai Khằn lại chọn về quê lập nghiệp. Anh Hướng chia sẻ, gia đình có truyền thống làm bún khô từ những năm 2000, mỗi dịp Rằm tháng 7 Âm lịch, anh đều thấy mẹ và bà nội làm mâm xôi ngũ sắc, anh nảy ra suy nghĩ, tại sao mình không thử làm bún khô ngũ sắc để bán ra thị trường. Nghĩ là làm, anh Hướng bàn cùng chị họ Ma Thị Thoa cùng làm thử, trải qua nhiều phen thất bại, nhưng được sự động viên và giúp đỡ của gia đình, cuối cùng 2 chị em đã thành công. Từ năm 2020, sản phẩm bún khô Đà Vị đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, từ đó tạo được lòng tin cho khách hàng, đầu ra cũng rộng mở hơn.

Sức mạnh Internet đã giúp việc kinh doanh của những người trẻ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều. Những ngày mới thành lập, 2 đảng viên trẻ Thoa và Hướng mỗi ngày đều ưu tiên một khoảng thời gian để quảng bá sản phẩm trên Facebook, Zalo. Khách hàng đông dần. Những tháng cuối năm, Hợp tác xã nông nghiệp Đà Vị cung cấp ra thị trường 4 - 5 tấn sản phẩm/tháng. Thị trường cũng được mở rộng dần, từ Na Hang đến thành phố Tuyên Quang, rồi vươn dần ra Hà Giang, Sơn La, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước… Hiện, các loại bún giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg, thu nhập mỗi lao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Là người có công đầu mang cây bưởi về bản Dao, đảng viên Tướng Văn Sáu, thôn Bản Lục giản dị, nhẹ nhàng kể, năm 2016, một lần về quê nội tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được nếm thử bưởi ngọt Soi Hà trồng tại quê hương, có vị ngon, ngọt, lại dễ trồng, anh nảy ra ý tưởng trồng thử vài cây tại gia đình. Anh Sáu nói, ngày mới trồng thử cây bưởi, thấy cây hợp đất phát triển tốt, lớn nhanh và không có sâu bệnh, cuối năm đó, vợ chồng anh bàn nhau chuyển đổi toàn bộ 7.000 m2 đất trồng ngô và tre Bát độ sang trồng bưởi trước sự can ngăn của gia đình.

Đến năm 2021, bưởi ra bói những lứa quả đầu tiên, ai cũng tấm tắc khen ngon, làng trên xóm dưới còn chủ động đến mua bưởi của gia đình anh. Anh Sáu chia sẻ, năm 2021 anh thu được 1.000 quả bưởi, bán được gần 20 triệu đồng, rồi con số cứ thế tăng dần qua các năm và nhiều người dân cũng bén duyên dần với bưởi. Toàn thôn hiện có trên 40 hộ gia đình phát triển trồng bưởi, diện tích hiện đã lên tới trên 8 ha.

Đồng chí Hoàng Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Đà Vị nhận xét, toàn xã Đà Vị hiện có gần 10 tấm gương đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi. Những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả đang hàng ngày, hàng giờ truyền lửa nhiệt huyết để thế hệ trẻ có thêm động lực làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dang-vien-tre-da-vi-dam-nghi-dam-lam-206959.html