Đang yên thì tết

Thường trẻ em tuổi nhi đồng quấn bố mẹ. Từ tuổi thiếu niên bắt đầu thích có một góc riêng, thích nghe nhạc Indie, Rap, K-pop và xa dần bố mẹ. Khi ấy, các con hay tìm cớ để không đi chơi cùng bố mẹ.

Bỗng dưng tết đến. Phụ huynh nọ thấy 2 con mình xin đi cùng bố mẹ chúc tết họ hàng. Mừng rưng rưng vì con biết quan tâm tới thân thích dây rễ. Sau vài hôm thì con cái mới lộ ra mưu kế đi cùng bố mẹ chúc tết để hóng thêm nhiều lì xì. Hết một ngày lại kiểm kê xem thu nhập trong ngày được bao nhiêu. Té ra mỗi đứa trẻ đều ấp ủ có một khoản để mua sắm một món đồ gì đó như đồ chơi công nghệ chẳng hạn. Khi kiểm kê thấy những bao lì xì có tiền mệnh giá thấp thì mặt mũi xị ra như quả bưởi héo.

Thuở trước, mừng tuổi là một phong tục vui vẻ. Chú bác, bằng hữu của phụ huynh đến nhà rôm rả tặng nhau những lời đẹp đẽ, sau đó mừng tuổi trẻ nhỏ bằng quả táo, cái kẹo, vài hào hay quả pháo tép, pháo dây (thời điểm trước khi cấm pháo). Bây giờ khi đi chúc tết, cha mẹ sẽ phải đếm số con cái nhà bằng hữu để chuẩn bị số lượng tiền sao cho đủ. Đó là chưa kể phải cân nhắc sao cho mệnh giá tiền không làm các bé thất vọng mà không lệch cán cân ngân sách.

Khi các gia đình gặp nhau, người ta không còn quá để tâm vào những lời có cánh, mà chỉ tíu tít lì xì. Phép lịch sự thì các bé không mở bao lì xì trước mặt người vừa mừng tuổi nhưng vẫn khéo léo kiểm kê để thì thầm báo cho bố mẹ mình đã nhận tiền mệnh giá bao nhiêu. Từ đó, bố mẹ sẽ mừng con của người vừa mừng tuổi ở mức tương đương kẻo mang tiếng.

Những gia đình có công nhân thu nhập bấp bênh mà gặp khách đến chúc tết mang mấy đứa con cùng vài đứa cháu thì vô cùng ái ngại. Càng ngại khi gặp những cô bác xênh xang rút ra cả "quyển" lì xì từ 200.000 đồng tới 500.000 đồng. Các cụ bảo "giàu nghèo 30 tết mới hay". Mừng tuổi ngày nay còn thể hiện mức độ thành công của người "rải thảm". Con nhận mừng tuổi mà cha mẹ không thể nhẹ lòng.

Cũng có gia đình ý tứ, đi chúc tết không mang con đi để tránh cho người thân phải mừng quá nhiều. Trong khi ấy, thật ái ngại khi có những gia đình cứ thấy khách đến là đội hình "lao động chính" gồm các con, anh chị em họ và con láng giềng ùa ra đón như ong vỡ tổ. Bảo sao có những gia đình ngại về quê cũng chỉ vì không đủ ngân sách lì xì. Ấy là nỗi sợ không hề bé.

Tết đến với không ít cô gái cũng ngại gặp các bậc bề trên vì lại phải trả lời lặp đi lặp lại những câu hỏi muôn năm cũ. "Có người yêu chưa? Chưa à. Kém quá"… "Có người yêu rồi à? Nó làm gì, lương cao không? Bao giờ cho bác ăn cỗ?"… "Này vẫn cưới cái cậu lần trước chứ?... "Cưới rồi thì đẻ đi! Con gái có thì"… "Đã có tin gì mới chưa? Chưa à? Thế thì phải đi khám xem thế nào, bác quen một ông lang giỏi lắm"… "Có tin vui rồi à? Siêu âm xem con trai hay con gái?"… "Con gái à? Bao giờ đẻ?"… "Con gái đầu lòng thì tốt rồi, nhưng phải đẻ cho ông bà thằng cu nối dõi tông đường mới hoàn thành nhiệm vụ!"…

Đấy. Đang yên đang lành thì tết ập đến với bao nhiêu nỗi kinh hoàng đối mặt. Càng được quan tâm, càng hãi. Đôi khi nói dối cũng là một giải pháp được chọn. Thậm chí, cô sinh viên về quê lại rủ thêm một bạn trai "hình nhân thế mạng" để các cụ hể hả.

Đầu xuân, đến công ty, thở phào nhẹ nhõm, rũ bỏ được "tấm lưới" hỏi han. Tết đến, khắp nơi người ta cứ chúc nhau an lành! An lành là gì nếu không phải là sự tự do nghỉ ngơi trong thế giới không chất vấn.

Mồng 5 hết tết, cả nước đi làm. Có gì sánh bằng tình yêu lao động. Nếu không có gì thay đổi thì 360 ngày nữa là tết nhé. Sợ chưa?

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/dang-yen-thi-tet-i684427/