Đánh án ma túy trên ngã ba Đông Dương (bài 3)

Để có được những thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên vùng ngã ba Đông Dương, bên cạnh nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kon Tum, còn ghi nhận sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, trong đó có Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP xung quanh vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP.

Bài 3: Quyết liệt trong đấu tranh chống tội phạm ma túy

- Thưa đồng chí, hoạt động tội phạm ma túy trên khu vực ngã ba Đông Dương đang gióng hồi chuông báo động khi đây trở thành một trong những “cung đường” trọng điểm vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng chí nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Nằm trong vùng “Tam giác phát triển” Việt Nam- Lào- Campuchia, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng phục vụ phát triển kinh tế cho cả vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và địa bàn Tây Nguyên rộng lớn. Cùng với tín hiệu tích cực đó, khu vực này thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó nổi lên là hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào, Campuchia vào Việt Nam, một phần tiêu thụ trong nước, số còn lại vận chuyển sang nước thứ 3.

Đáng chú ý, từ năm 2015-2018, các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt tội phạm ma túy (TPMT) trên tuyến Tây Bắc nên TPMT đã có sự chuyển hướng sang địa bàn miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, thậm chí tiến hành lập xưởng sản xuất ma túy với quy mô rất lớn ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định, địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực biên giới tỉnh Kon Tum luôn tiềm ẩn nguy cơ lớn về sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy từ “Tam giác vàng” qua biên giới tỉnh Kon Tum để tiếp tục trung chuyển đi các địa bàn khác.

Ma túy được các đối tượng vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, sau đó tập kết sát biên giới rồi chờ thời cơ vận chuyển vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Hoạt động của TPMT tập trung chủ yếu ở địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia đã lợi dụng mối quan hệ thân tộc của nhân dân sinh sống ở các khu dân cư dọc hai bên biên giới, cũng như nhận thức về pháp luật của bà con còn nhiều hạn chế để hình thành nên những “mắt xích” trung chuyển ma túy vào Việt Nam.

Ngoài ra, do kinh tế khó khăn nên một số người đã bị dụ dỗ, bị mua chuộc tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy thuê với mức tiền công rất lớn. Cùng với đó, đối tượng tham gia vận chuyển ma túy hầu hết là người ở địa phương, rất thông thuộc đường mòn, lối mở trên biên giới khiến công tác đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

- Trong thời gian qua, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP Kon Tum đấu tranh bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Đồng chí đánh giá thế nào về sự phối hợp này?

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của TPMT trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng hoạt động manh động. Vì vậy, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chỉ đạo Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, là đơn vị phụ trách đấu tranh với TPMT trên địa bàn Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với BĐBP Kon Tum và các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh với TPMT. Trong đó, các đơn vị BĐBP với chức năng, nhiệm vụ của mình phải phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng thế trận liên hoàn, khép kín, phát huy đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trong đó các biện pháp nghiệp vụ được xác định là mũi nhọn, chủ công, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh BĐBP.

Việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung với BĐBP Kon Tum được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ thu thập, phân tích, trao đổi thông tin tội phạm, điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng, đến xác lập chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, truy bắt tội phạm... Nhờ đó, trong thời gian qua, hai đơn vị đã đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án, vụ án, thu giữ số lượng ma túy lớn, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, phương tiện tham gia đánh án và tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tiêu biểu cho kết quả phối hợp là trong 2 ngày 24 và 25-6-2020, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung và các lực lượng chức năng đấu tranh triệt phá thành công 2 vụ án, bắt giữ 3 đối tượng, tang vật thu giữ 7,3kg ma túy tổng hợp. Ngoài ra, có rất nhiều phương án, kế hoạch mà cả 2 đơn vị đã và đang phối hợp để tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, chuyển hóa địa bàn với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững bình yên cho mảnh đất cao nguyên này.

-Thưa đồng chí, để chuyển hóa địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy trên vùng ngã ba Đông Dương, thời gian tới, lực lượng chức năng cần chú trọng những vấn đề gì?

-TPMT xuyên quốc gia hoạt động và kéo những con người bản địa ở các khu vực biên giới vào vòng quay của ma túy, trong đó có những địa bàn đã trở thành “điểm nóng”. Như 3 đối tượng trong 2 vụ án mua bán, vận chuyển ma túy bắt 2 ngày 24-6 và 25-6-2020 nói ở phần trên đều cư trú tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, trong đó 2 đối tượng là người dân tộc thiểu số Brâu. Hoặc vụ ngày 20-3-2021, lực lượng Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Kon Tum chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển 1kg ma túy tổng hợp dạng đá đều cùng ngụ thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Vì vậy, có thể nhận định, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy ở làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hiện đang diễn biến cực kỳ phức tạp, đây là “điểm nóng” về hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy cần phải chuyển hóa.

2 đối tượng quốc tịch Lào: Thao Lạt và Thao Hố cùng tang vật 40 bánh heroin trong Chuyên án 911LV, do BĐBP Kon Tum phối hợp với Công an tỉnh Attapeu bắt giữ ngày 14-11-2017. Ảnh: Thái Nga

2 đối tượng quốc tịch Lào: Thao Lạt và Thao Hố cùng tang vật 40 bánh heroin trong Chuyên án 911LV, do BĐBP Kon Tum phối hợp với Công an tỉnh Attapeu bắt giữ ngày 14-11-2017. Ảnh: Thái Nga

Để chuyển hóa địa bàn, hay từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi vùng ngã ba Đông Dương, theo tôi, chúng ta cần tập trung vào 3 vấn đề, hay có thể nói là 3 phương châm, đó là “kiên trì; kiên quyết và đồng bộ”.

Kiên trì là phải thật kiên trì, kiên nhẫn làm công tác dân vận, kết hợp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương đề ra các giải pháp ngăn chặn từ xa, làm trong sạch địa bàn từ cộng đồng dân cư sinh sống trên biên giới; phải kiên nhẫn vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì nhân dân mới hiểu và chuyển biến, nếu không kiên nhẫn “nói đi đôi với làm” thì vận động không thấm vào đâu.

Kiên quyết là phải quyết liệt, không nương tay, chùn bước đối với bất kỳ hành vi, mức độ phạm tội nào, dù bọn tội phạm ma túy có tinh vi, liều lĩnh, nguy hiểm đến mấy cũng đấu tranh đến cùng.

Còn đồng bộ là sự tổng hòa giữa các biện pháp nghiệp vụ Biên phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện, trong đó có công tác đối ngoại với nhân dân và lực lượng chức năng nước bạn.

Riêng đối với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp một cách toàn diện với BĐBP Kon Tum, chủ động xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập các chuyên án đấu tranh, kịp thời chặt đứt các “vòi bạch tuộc” của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia trên vùng ngã ba Đông Dương.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thái Nga - Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-an-ma-tuy-tren-nga-ba-dong-duong-bai-3-post439492.html