'Đánh bắt xa bờ'
Tuần vừa rồi, cộng đồng Việt xôn xao vì Google lấy món phở đặt ngay trang đầu như avatar. Vui mừng, tranh cãi, hớn hở, chia rẽ... chung quanh chuyện món phở có ngon không, có là đệ nhất ẩm thực của Việt Nam không, người Việt có nên tự hào vì món phở là của Việt Nam không hay nên tìm kiếm một niềm tự hào khác 'xứng tầm' hơn... nhiều lắm, tranh cãi nhiều lắm.
Dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận, phở hay nói rộng hơn là các món ăn châu Á đang ngày một được ưa chuộng trên thế giới. Chỉ nói trong phạm vi các nước Tây Âu, nếu chục năm trước mà lang thang ở Paris, Bruxelles, Amsterdam... để tìm một nhà hàng châu Á ngon đều phải vào những khu nhiều người Á sinh sống. Giờ thì khác, nhà hàng Nhật, Hàn, Trung Hoa, Việt rải rác khắp nơi. Người Paris vốn coi ẩm thực châu Á là ngon và rẻ đã chịu bỏ vài trăm euro cho một bữa ăn của người Nhật, mà còn khó đặt chỗ, không phải ngày nào cũng đặt được.
Chẳng có gì tự nhiên mà có, tất nhiên!
Làn sóng người di cư đi “đánh bắt xa bờ” đã mang theo thói quen sinh hoạt, nhu cầu ăn uống của mình và dần phổ cập trong xã hội mà họ sinh sống. Cao hơn, dùng ẩm thực là phương tiện để giao lưu văn hóa, tạo ảnh hưởng để rồi giao thương đã không còn là công cụ bí mật của bất cứ quốc gia nào. Người Pháp xuất khẩu bột mì, bơ, sữa khắp nơi khi mà bánh mì Pháp, bánh ngọt Pháp trở thành thương hiệu bảo đảm cho sự ăn khôn, ăn ngon. Người Hàn là một trong ba quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Pháp. Sản phẩm điện tử của Nhật được dùng nhiều như tần suất sushi xuất hiện trên bàn ăn của người châu Âu... Chuyện này cũ rồi, cả thế giới đã hiểu ra “xâm lăng văn hóa” là gì và đằng sau nhạc Hàn, sushi, ramen sẽ là gì tiếp nối.
Và người Việt, không biết đã thực hiểu!?
Chỉ tính riêng năm 2020, đại dịch Covid-19 làm cả thế giới lao đao nhưng chẳng hề hấn gì với nhà sản xuất mì ăn liền Yum Yum. Sản phẩm mì ăn liền có xuất xứ Thái Lan này đã bán cho thị trường châu Âu gần 150 triệu sản phẩm, đấy là chỉ tính riêng con số mà nhà nhập khẩu hàng đầu châu Âu Heuschen & Schrouff nhập vào để phân phối cho các siêu thị mà họ là nhà cung cấp, không kể đến những nhà nhập khẩu châu Á nhỏ lẻ. Ẩm thực châu Á không chỉ mang lại cơ hội làm ăn cho người châu Á mà giờ đã là cơ hội cho nhiều nhà nhập khẩu và phân phối tại lục địa già.
Từ một công ty chỉ có hai người, đi bán dạo gạo mì cho các gia đình Indonesia nhập cư vào Pháp bằng chiếc xe tải nhỏ, ngày nay Heuschen Schrouff đã là nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm châu Á với hàng trăm nhân công, hơn 5.000 đầu sản phẩm, hệ thống kho bãi lên gần trăm nghìn mét.
Ai tiêu thụ sản phẩm? Tất nhiên không chỉ có người châu Á sinh sống tại châu Âu, tất nhiên người châu Á biết nấu cơm, nấu phở chẳng dại gì ngày nào cũng úp mì để ăn. Như vậy, nhu cầu thực phẩm châu Á là có thật, thị trường cho lương thực thực phẩm châu Á là có thật.
Cách Opera của Paris không xa là một khu phố ẩm thực Nhật Bản với những siêu thị nhỏ của người Hàn Quốc rải rác khắp nơi. Một gói chip được sản xuất tại Pháp chỉ có giá vài chục xu, cũng như thế, gói chip Hàn sẽ có giá gấp 3 đến 4 lần. Ẩm thực châu Á trở thành thời thượng và người nhanh tay nắm bắt cơ hội, không phải hiếm.
Vậy người Việt đang ở đâu?
Mua nhà ở Hungary, ở Bồ Đào Nha, ở đảo Malte nhiều năm qua đã âm thầm trở thành mục tiêu của nhiều gia đình Việt. Để có được tấm thẻ xanh lưu trú, để gia đình con cái được hưởng miễn phí mọi cơ hội học hành, an sinh xã hội... và thường, chỉ dừng ở đấy. Năm 2019 giữa đại lộ lớn của thành phố Lisbon, một tấm biển rất lớn được căng trên một tòa nhà đang sửa chữa “Sản phẩm của công ty Minh... liên hệ...”, nghĩa là tòa nhà ấy đã được mua, đang được sửa mà mục tiêu sẽ lại hướng tới khách hàng là người Việt sang đầu tư bất động sản để có thẻ.
Bất động sản châu Âu chưa bao giờ cho người ta cơ hội lướt sóng với lợi nhuận gấp hai, gấp ba chỉ trong một, hai năm như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Sa Pa hay thậm chí là Bắc Ninh. Cơ hội cho các nhà đầu tư châu Á rộng hơn nhiều nếu chọn mục tiêu là tìm kiếm thị trường, tạo công ăn việc làm, mơ mộng hơn là tạo tầm ảnh hưởng.
Gọi là mơ mộng - nhưng là giấc mơ không phải không thể.
Người Do Thái đã tạo ra một khu phố bán buôn hàng may mặc giữa thủ đô Paris. Người Hoa, khi mới đặt chân đến Pháp cũng chỉ lo tập trung vào kinh doanh ăn uống, nay đã chiếm một góc ngoại ô Paris cho các mặt hàng may mặc và phụ kiện may mặc. Người Tây Tạng cũng đã tạo nên chân dung của họ bằng những sản phẩm mỹ nghệ đậm nét dân tộc, để có thể kể về văn hóa người Tạng.
Như vậy, những con thuyền đi đánh bắt xa bờ liệu có thể mang về những mẻ cá lớn? Tôi vẫn hay hình dung về những nhà đầu tư đi làm ăn xa như những con thuyền ra khơi đến những vùng biển mới. Sẽ muôn thuở là những con thuyền đơn độc nếu đi một mình, âm thầm, không có sự hậu thuẫn, nương tựa. Sẽ dễ dàng hơn khi là những con thuyền có cùng một mục tiêu, cùng nhau tạo nên một vùng ảnh hưởng.
Vùng ảnh hưởng ấy, tại sao lại không bắt đầu từ bát phở? Vâng cái bát phở vừa được Google dùng làm avatar ấy! Cái bát phở mà ngày hôm nay người Pháp nhận là bắt nguồn từ món Pot au feu - cái món hầm rau củ với thịt bò và xương ống bò chẳng có mùi vị gì liên quan đến Phở, cái bát phở mà người Hoa cũng cho vào thực đơn của họ để bán cho Pháp và nhận là món ăn Hoa. Cái bát phở ấy đã theo người Việt sang Pháp từ mấy chục năm trước, rồi được phổ cập thêm lần hai với làn sóng người Việt đi xa những năm 80, rồi thêm một lần nữa với anh chị em lao động tại Đông Âu, và giờ đây sao lại không trên kệ các siêu thị của người Pháp? Và theo sau nó sẽ tiếp tục là những món ăn khác.
Hàng hóa Việt, sau nhiều thăng trầm khốn khó đã có mặt được tại châu Âu, tất nhiên vẫn đi theo con đường nhập khẩu. Món ăn Việt cũng đã trở nên thân quen với người châu Âu cùng những chuyến đi của những con thuyền lẻ tẻ, để thật sự tạo được một làn sóng, một sự ảnh hưởng cần những chuyến mở đường và sự tập hợp của những con thuyền đơn lẻ.
“Thiếu những mặt hàng Á châu ăn liền tươi sẵn tại các siêu thị Pháp là một cánh cửa cho những nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Việt Nam”, ông Frantz Crohet, Giám đốc siêu thị Carrefour, vùng Pontault Combault, Pháp chia sẻ, “Người châu Âu không lạ gì phở, không lạ gì bánh cuốn, quá quen thuộc với đậu phụ, nhưng hình như người Việt tại châu Âu mới chỉ nghĩ đến bán nó trong chính nhà hàng của họ thay vì tìm cách đặt trên bàn ăn nhà người phương Tây”.
Phụ thuộc vào một khẩu vị, đồng nghĩa với sẽ lưu luyến nó và khi cơ hội để được lưu luyến vẫn còn, thì sao những con thuyền đơn lẻ lại không đi cùng nhau?
Nghĩ khác, là một quyết định, chứ không phải khả năng. Chỉ là người Việt có quyết định sẽ nghĩ khác hay không mà thôi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quoc-te-hangthang/danh-bat-xa-bo-679658/