Danh cầm Paganini: Tài hoa lận đận

Ngoại hình dị dạng, tính khí khó chịu, ẩm ương, nhưng là thiên tài âm nhạc với nghệ thuật chơi vĩ cầm thiên cổ khó tìm, Niccolo Paganini sau các chương trình biểu diễn đã luôn được phụ nữ xô tới vây quanh, và được giới mày râu sẵn sàng tha thứ cho mọi thói trăng hoa với các mỹ nhân. Đã có rất nhiều thị phi về ông trong khi chính bản thân ông lại là người hay làm từ thiện. Số phận danh cầm cũng phức tạp như chính tính cách của ông và rõ ràng là chính tính cách không thuần ấy đã khiến đời ông liên tục phải long đong lận đận…

Tuổi thơ nghiệt ngã

Tới một ngày kia, ông chủ tiệm tạp hóa Antonio Paganini đã bắt buộc phải cho đi mời bác sĩ về nhà để cấp cứu cho con trai mình. Tuy nhiên, tới nơi, bác sĩ đã phải buông tay bất lực: xem ra, cậu bé Niccolo đã không còn chút sự sống nào nữa.

Cậu bé được đặt vào quan tài. Thế nhưng, khi nghi lễ viếng đang sắp tới phần kết thúc thì bỗng nhiên Niccolo bừng tỉnh, ngồi dậy, ngơ ngác nhìn cảnh tượng xung quanh với vẻ kinh sợ... Người mẹ lao tới ôm lấy cậu…

Vậy mà sang hôm sau, người cha lại đặt vào tay Niccolo cây vĩ cầm. Antonio Paganini ngay từ thuở ấu thơ đã mơ ước trở thành một danh cầm vĩ đại, ông thích chơi mandolin những khi rảnh rỗi và có lẽ chính bằng cây mandolin đó đã quyến rũ được cô gái Teresa làm vợ. Nhưng mơ ước không thành sự thật đã được ông dồn vào cậu con trai đầu. Tuy nhiên, người con đó đã không đáp ứng được mong mỏi của người cha. Teresa an ủi chồng rằng, bà dường như đã thấy một giấc mơ mà trong đó, đứa con thứ hai sinh ra sẽ là một thiên tài âm nhạc. Đứa con thứ hai đó chính là Niccolo.

Mới 5 tuổi, Niccolo đã được cha dạy chơi đàn mandolin. Khi cậu lên 7 tuổi, người cha cho con chuyển sang kéo đàn vĩ cầm.

Người đầu tiên được Antonio chọn là nghệ sĩ vĩ cầm Giovanni Servetto. Có lẽ ông thầy đầu đời này theo phương pháp dạy dỗ cũng không khá hơn chính Antonio nên Niccolo trong suốt cuộc đời còn lại của mình có lẽ đã không coi Servetto là thày dạy “vỡ lòng” cho mình trong nghệ thuật chơi vĩ cầm. Lớn dần lên, hẳn Niccolo đã chán cầm đàn trong tay nếu chỉ nghĩ tới việc học nghề theo cách mà người cha và ông thầy Servetto chỉ bảo. May thay, tài năng trẻ đã sớm được hai nhân vật quan trọng để mắt tới: đó là nhạc sĩ Francesco Gnecco và Giacomo Costa, capellmeister (chỉ huy dàn nhạc) ở nhà thờ San Lorenzo. Hai người này đã đối xử với Niccolo một cách trân trọng và giúp đỡ cậu rất tế nhị. Costa thậm chí còn đưa tài năng trẻ vĩ cầm vào chơi cùng dàn nhạc của mình…

Không thể nói là quá trình dạy con nghiệt ngã của ông bố đã không lưu lại dấu tích gì trong số phận Niccolo. Danh cầm cả đời bị dày vò vì tình trạng sức khỏe yếu, có lẽ xuất phát từ những khổ cực sớm phải chịu trong gia đình và luôn bị ám ảnh bởi những suy tư u tối. Hơn nữa, Niccolo đã phải là một người tương đối kém các kỹ năng sống, khi viết thường không đúng chính tả và bộc lộ nhiều lỗ hổng kiến thức xã hội không tương xứng với một nghệ sĩ biểu diễn danh tiếng…

Tài năng vô địch

Người cha quyết định đưa Niccolo lên Parma để tầm sư học đạo với danh cầm rất nổi tiếng thời đó là Alessandro Rolla. Để có tiền làm lộ phí, Niccolo đã có một chương trình biểu diễn đầu tiên trong đời tại nhà hát Sant Angostino ở Genoa. Tiền bán vé không đủ nên vị mạnh thường quân là Gian Carlo Di Negro đã tổ chức cho chàng trai thêm một buổi biểu diễn nữa tại Florence và cuối cùng, Niccolo cũng đã có tiền để cùng cha lên Parma.

Ở Parma, mọi việc thoạt đầu không suôn sẻ. Hai cha con Paganini đã vấp phải cánh cửa đóng kín trong phòng ngủ ở nhà Rolla: người nghệ sĩ khả kính này bị ốm, không muốn tiếp ai cả và cũng không ai rõ bao giờ ông mới có thể tiếp khách được. Thật trớ trêu! Hai cha con đứng trước nguy cơ phải ra về xôi hỏng bỏng không. Thế nhưng, Niccolo sững lại phút giây. Chàng trai thấy trên bàn có cây vĩ cầm và mấy bản nhạc, đó chính là sáng tác của Rolla. Niccolo tò mò đọc, cảm thấy hứng khởi và bắt đầu cầm đàn để chơi những bản nhạc đó. Từ trong phòng ngủ, Rolla nhận ra những giai điệu quen thuộc và vì tò mò, đã gượng dậy đi ra ngoài để tận mắt nhìn thấy người đang tấu lên một cách tài hoa và lôi cuốn những giai điệu của mình. Ông đã không khỏi kinh ngạc khi thấy đó chỉ là một chàng trai rất trẻ. “Tôi đâu còn có gì để dạy cho cậu bé này!” – Rolla đã nói với Antonio như vậy.

Rolla đã giới thiệu Niccolo với nhạc sĩ Fernando Paer. Về phần mình, Paer lại giới thiệu tài năng trẻ với Gasparo Ghiretti và chính với sự dìu dắt của Ghiretti, Niccolo Paganini đã trưởng thành và đạt được đỉnh cao hoàn mỹ với tư cách một người chơi vĩ cầm cũng như với tư cách một nhà soạn nhạc.

Sau Ghiretti, Paganini đã là một ngôi sao thượng thặng không ai có thể phủ nhận được. Ông đã du diễn khắp các thành phố, rồi tới nhiều quốc gia. Không ít khán giả cảm thấy bất mãn vì giá vé cao ngất ngưởng trong các chương trình biểu diễn của Paganini; đáp lại, ông đã nâng giá vé lên cao thêm nữa… Và tất cả những ai mua vé tới xem ông biểu diễn đều không phải thất vọng: phong cách kéo đàn của Paganini thực sự vô tiền khoáng hậu. Đôi tay của ông có giá cao hơn bất cứ mức giá vé nào: đôi tay đó là vô giá!

Tất nhiên, cùng với vinh quang, tới với Paganini là những mỹ nhân. Ông đã luôn được phụ nữ mến mộ vây quanh và dễ dàng có được những bạn tình thú vị. Người nổi tiếng nhất trong số này là nữ ca sĩ Antonia Bianchi. Mối liên kết giữa hai nhân vật nổi tiếng này trông kỳ cục tới mức làm dấy lên rất nhiều thị phi về họ. Paganini vốn vẫn bị coi là dị nhân xấu xí về ngoại hình, còn Bianchi thì lừng danh sắc nước hương trời, chim sa cá lặn. Cả hai người đều có tính giăng hoa, công khai nem chả ngay cả khi họ tỏ ra yêu nhau nhất: có lẽ là do Paganini luôn ở trong thể trạng ốm yếu vì đủ các thứ bệnh (viêm cúm, tê xương, sốt, viêm đường ruột…) nên đã không thể làm thỏa mãn được vợ (không giá thú)? Thế nhưng, trong thực tế, “bệnh nhân vĩnh cửu” Niccolo lại luôn dư sức để duy trì quan hệ ngoài luồng với đủ loại mỹ nhân…

Rốt cuộc thì từ cuộc hôn nhân không chính thức này vẫn sinh ra được một cậu con trai có tên là Achille Ciro Alessandro (23-7-1825). Hầu như tất cả mọi người đều nghi ngờ rằng đấy không phải là con ruột của Paganini, ngoài chính ông. Từ lâu, danh cầm đã mơ ước có được một mụn con nối dõi nên khi Achille ra đời, ông đã dồn rất nhiều tâm huyết và thời gian để chăm sóc cậu bé. Tới lúc Achille ba tuổi, cha mẹ cậu sau rất nhiều mâu thuẫn éo le đã chính thức đường ai nấy đi. Niccole đã giành được cho mình quyền nuôi con và cho cậu bé mang họ của ông. Để gây dựng cho Achille một tương lai vững chãi, danh cầm đã làm việc quên ngày quên tháng…

Kết cục bi thương

Những chuyến du diễn liên miên với giá vé cao ngất ngưởng đã khiến cho thiên hạ đàm tiếu về bệnh tham tiền của danh cầm. Thế nhưng, Paganini trong thực tế lại thường phát không tới nửa số vé xem chương trình biểu diễn của mình, cho các sinh viên âm nhạc. Ông cũng dành một phần số tiền thu được để giúp đỡ họ hàng và những người nghèo túng trong xã hội. Để tiết kiệm chi tiêu cá nhân, ông thường mua trang phục ở những cửa hàng đồ cũ.

Tài năng vĩ đại của Paganini cũng khiến những kẻ đố kỵ tung đủ thứ tin thất thiệt. Họ đồn rằng dường như ông từng phạm tội giết người và ở nơi lưu đầy đã bán linh hồn cho quỷ dữ nên mới học được cách kéo đàn trác tuyệt như vậy (!). Phong cách biểu diễn rất độc đáo của ông cũng như dầu đổ thêm vào lửa thị phi… Có lần, những kẻ ác ý cắt đứt gần hết dây đàn, chỉ để lại có một sợi duy nhất, ông vẫn biểu diễn thành công toàn bộ bản nhạc từ đầu cho tới cuối!

Paganini mất vì bệnh lao khi chưa đầy 57 tuổi ở Nica (Pháp). Những tháng cuối đời, ông không ra khỏi nhà và hầu như ít khi ngồi dậy khỏi giường. Ông đã cứ nằm ngửa trên giường và lần tay lên các dây đàn. Quan tài cùng với thi hài của ông đã bị chôn xuống đào lên mấy lần vì những đe dọa của cư dân địa phương, những người không muốn vùng đất của họ bị “ô uế” bởi một dị nhân. Khi đó ở châu Âu đã có rất nhiều người tin rằng Paganini là đứa con của quỷ! Achille đã phải mất rất nhiều công sức mới tìm ra được chỗ mai táng cha mình…

Theo di chúc của danh cầm bị mang tiếng là “tham lam, keo kiệt”, những cây vĩ cầm sinh thời ông từng sử dụng rất quý hiếm và đắt tiền, đã được tặng cho một số sinh viên âm nhạc tài năng và cả những đồng nghiệp thù địch với ông khi ông còn sống nhưng vẫn được ông công nhận trình độ. Ông tặng cây vĩ cầm yêu thích nhất cho thành phố Genoa quê hương; cây vĩ cầm đó về sau được gọi là “góa phụ của Paganini”.

Cũng trong di chúc, Paganini đã cấm con trai tiêu tiền cho việc tổ chức lễ tang… Ông chỉ muốn tiêu tiền cho người khác chứ không muốn phí tổn dành cho bản thân mình…

Hoàng Oanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/danh-cam-paganini-tai-hoa-lan-dan-tintuc448600