Danh cao, lợi thấp

Được cất nhắc, đề bạt chức vụ cao hơn, tưởng nhiều người sẽ vui như mở cờ trong bụng. Lẽ thường là vậy, nhưng có không ít trường hợp lại không phải như vậy!

Cấp trên có ý định cất nhắc chủ tịch UBND xã nọ lên làm trưởng ngành của huyện. Theo đó, khi xếp vào vị trí mới, ông sẽ được bầu bổ sung “cơ cấu” vào ban chấp hành đảng bộ huyện. Thế nhưng, khi nhận được tin này, chủ tịch xã đã lên gặp bí thư huyện ủy để năn nỉ xin tại vị. Bí thư huyện ủy hỏi vì sao không thích lên vị trí cao hơn, chủ tịch xã “tâm tư” rằng, một phần vì đã quen việc ở địa phương, phần khác ở quê còn có gia đình, vợ con, cha già, mẹ yếu nên không muốn lên huyện công tác. Tìm hiểu mới biết, chủ tịch xã nhất quyết không lên huyện vì ông chẳng hứng thú gì khi được đề bạt chức Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, cái chức mà chính ông có lần so đo rằng, suốt ngày phải lo “cờ đèn, kèn trống” để “mua vui, làm đẹp” cho thiên hạ mà bản thân chẳng có lợi lộc nào đáng kể. Trong khi đứng đầu cơ quan công quyền một xã khá giàu của huyện, ông là “chủ tài khoản”, mỗi năm hạ bút duyệt ký chi tiêu cả chục tỷ đồng! Chả dại gì mà nhận cái chức tưởng như to hơn, nhưng thực quyền lại bé đi, ông từng nói vậy!

Một trường hợp khác: Đang đương chức chủ tịch UBND huyện, cấp trên có ý định điều động ông giữ chức phó ban dân vận tỉnh ủy và thông báo đây chỉ là “bước đệm” kế tiếp cho nhiệm kỳ mới, ông sẽ được cơ cấu vào ban thường vụ tỉnh ủy và giữ chức trưởng ban. Nhận được tin này, ông chẳng những không thoải mái, mà còn trực tiếp lên gặp những người có trách nhiệm của tỉnh để đề đạt nguyện vọng xin giữ nguyên vị trí ở huyện thêm một nhiệm kỳ nữa rồi… về hưu cũng được. Cái lý của ông đưa ra là làm dân vận không hợp với “tạng” người “ăn to nói lớn” như ông. Nhưng sâu xa hơn, ông chả thích đứng đầu ngành dân vận của tỉnh, bởi “tuy danh cao mà lợi thấp”. Còn ở vị trí của ông hiện tại, “danh đi liền với thực”, vì ông có “cái bút” đủ uy lực để ký các dự án đầu tư vào địa bàn, duyệt các khoản chi và các chỉ tiêu biên chế vào những cơ quan trong huyện...

Rồi một vị giám đốc sở của tỉnh được điều lên giữ chức vụ trưởng một cơ quan ngang bộ thuộc Trung ương. Nhậm chức mới, thời gian đầu ông khá phấn chấn, vui vẻ công tác. Nhưng chỉ nửa năm sau đó, ông trở nên ưu tư. Ông ưu tư không phải vì công việc bề bộn, mà vì cơ quan chỉ có hơn chục người, ít hẳn so với gần bảy chục cán bộ, nhân viên dưới thời ông làm giám đốc sở. Mỗi lần muốn đi công tác ở đâu, ông lại phải ký giấy đề nghị cấp trên mới được sử dụng xe công của cơ quan. Mà cái xe công ấy thì đã cũ, trong khi thời làm giám đốc sở, chiếc xe công khá sang do ông toàn quyền sử dụng, thích đi đâu cũng được. Biết thế này thì chả lên làm gì, vì tuy lên chức, mà lại phải “xuống” xe, ông than phiền như vậy.

Ba câu chuyện về “chức to, quyền bé”, “danh cao, lợi thấp”, “lên chức, xuống xe” thực ra từ lâu đã râm ran trong bộ máy công quyền ở nhiều nơi. Những câu chuyện trên tuy khác nhau về hình thức biểu hiện, nhưng lại có chung một đặc điểm: Đấy là thói thực dụng đang “ăn sâu, bám rễ” vào suy nghĩ, nhận thức một bộ phận cán bộ hiện nay. Thói thực dụng này bộc lộ ở chỗ: Không ít cán bộ chỉ thích “nắm giữ” vị trí có thực lực, thực quyền, đó là những chức danh dễ kiếm được nhiều lợi lộc, dễ “sinh lời”, dễ “vinh thân phì gia”. Thế nên, những người này rất ngại, thậm chí tìm mọi cách để không bị chuyển sang vị trí khác, kể cả vị trí cao hơn, nếu vị trí đó không mang lại nhiều bổng lộc, lợi ích vật chất cho họ.

Tưởng như cái sự so đo, tính toán thực dụng kiểu đó chỉ phần nào “lột tả” bộ mặt thật của những người tham danh háo lợi, nhưng nếu không phòng ngừa, chặn đứng tình trạng đang có xu hướng phổ biến này, thì nguy cơ băng hoại đạo đức công vụ, mọt ruỗng văn hóa công quyền ắt khởi nguồn từ đây!

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/danh-cao-loi-thap-599063