'Đánh chặn LRHW là chuyện nhỏ với S-500'
Dù tên lửa siêu thanh LRHW Mỹ được giới thiệu có thể tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 17 nhưng đánh chặn chúng không phải chuyện khó với Nga.
Nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, với khả năng của hệ thống phòng thủ tầm cao S-500, nhiệm vụ đánh chặn những vũ khí như LRHW của Mỹ không phải là chuyện khó.
"Hệ thống phòng thủ mới nhất S-500 Prometheus đủ khả năng đánh chặn các phương tiện tấn công đường không-vũ trụ siêu thanh khi đang bay với tốc độ thậm chí lớn hơn nữa. Tổ hợp LRHW của Mỹ mà các ấn phẩm truyền thông nói đến cũng thuộc nhóm mục tiêu mà S-500 đủ sức bắn trúng với xác suất cao", nguồn tin cho biết.
Trước đó, truyền thông và giới quân sự nói rằng, LRHW sẽ cho phép Mỹ giáng đòn tấn công Nga trong trường hợp xảy ra xung đột. Có giả định rằng vận tốc tối đa của phần đầu đạn này đạt Mach 17, khối chiến đấu này có thể triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.700 km.
"Tính đến thực tế trong khái niệm LRHW đầu đạn sẽ là phần bay siêu thanh với khả năng cơ động yếu, việc S-500 tiêu diệt nó sẽ không thành vấn đề", Tổ hợp công nghiệm Quốc phòng Nga nói.
Hệ thống S-500 sở hữu hệ thống radar di động riêng để phát hiện những mục tiêu thuộc lớp này, như vậy không bị ràng buộc về giới hạn của tuyến phòng thủ chống tên lửa với một khu vực cụ thể.
S-500 Prometheus thuộc thế hệ mới và là hệ thống đánh chặn phổ quát tầm xa và tầm cao với tiềm lực phòng thủ chống tên lửa gia tăng. Theo dữ liệu của các nguồn mở, bán kính diệt mục tiêu của S-500 là khoảng 600 km.
Vũ khí này đủ khả năng triệt hạ các mục tiêu đạn đạo đang bay với tốc độ lên tới 7 km/giây, cũng như đánh chặn phần đầu đạn của tên lửa siêu thanh.
Hiện nay, một số thành phần của S-500 đã được đưa vào trang bị, trong khi hệ thống hoàn chỉnh sẽ được bàn giao cho phòng thủ Nga trong năm tới. Trong khi đó, hệ thống LRHW được Mỹ giới thiệu có những tính năng đỉnh cao đến nay vẫn chưa có cuộc thử nghiệm thực tế nào được ghi nhận.
Như vậy, trước khi Mỹ thành công với LRHW, người Nga đã có sẵn hệ thống đánh chặn để đối phó. Ngoài ra, lực lượng phòng thủ Nga còn khẳng định, với loại đạn đánh chặn không dùng cho xuất khẩu, S-400 cũng đủ sức đối phó với LRHW của Mỹ.
Thông điệp này đã được đưa ra bằng việc S-400 đánh chặn đòn tấn công từ vũ khí siêu thanh trong tập trận bắn đạn thật. Trong cuộc diễn tập tại Quân khu phía Đông, phòng thủ Nga đã tấn công mục tiêu cơ động hỗn hợp, hệ thống S-400 đã diệt thành công mục tiêu bằng loại tên lửa đánh chặn 48N6 có tốc độ Mach 14.
Cùng tham gia diễn tập với S-400 còn có đài radar Nebo-U, tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pantsir-S1. Trong diễn tập này, Nebo-U đã được sử dụng để xác định các vụ phóng tên lửa từ khoảng cách 350km. Sau khi phát hiện mục tiêu, thông tin được chuyển về trung tâm chỉ huy (với tốc độ của thời gian thực) để triển khai chiến đấu.
Điều đặc biệt là Nebo-U vốn không thuộc trang bị của tổ hợp S-400. Đài radar này có thể phát hiện ra các tên lửa và máy bay tàng hình siêu âm từ khoảng cách lên tới 600km. Không những vậy, Nebo-U còn có khả năng định vị các thiết bị gây nhiễu của quân địch và nó hoạt động một cách hoàn toàn độc lập và tự động.
Hệ thống radar này hiện đang được sử dụng rộng rãi và bố trí dày đặc quanh thủ đô Moskva nhằm cảnh giới xa và chỉ thị mục tiêu cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300/400 trong nhiều năm nữa. Bằng cách phối hợp với Nebo-U, hệ thống phòng thủ S-400 đã đánh chặn thành công toàn bộ số mục tiêu trong diễn tập.
So với tên lửa 48N6 thì điểm đột phá của đạn 40N6 là nó được tích hợp đầu dò radar chủ động chứ không còn là phương pháp hiệu chỉnh thông qua tên lửa(TVM) nữa, cho khả năng bắn trúng mục tiêu ngoài tầm dẫn của radar điều khiển hỏa lực.
Với tên lửa mới, một khẩu đội tên lửa S-400 có thể giám sát 300 và tấn công cùng lúc 36 mục tiêu trên không bằng 72 tên lửa có tốc độ cao chỉ trong một lần phóng và chúng hoàn toàn có thể đánh chặn được cả mục tiêu siêu thanh.