Đánh cược...
H., một cô gái 25 tuổi ở Lâm Đồng, tháng trước đã suýt mất mạng vì sản phẩm chức năng. Cô đã sử dụng 7 loại thực phẩm chức năng trôi nổi trong nhiều ngày. Hậu quả là trong miệng xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da và người nhà đã phải đưa cô đi cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện các ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi… “Bệnh nhân H. hoại tử thượng bì nhiễm độc nặng, nguy cơ tử vong lên đến 50%”, bác sĩ kết luận. Bệnh nhân đã thoát khỏi vòng nguy hiểm sau đó và dần hồi phục. Tuy nhiên, di chứng trên cơ thể lẫn tinh thần của cô vẫn rất nặng nề.
Cùng với thực phẩm chức năng, thuốc giả cũng ngày càng phổ biến trên thị trường và xuất hiện mọi lúc mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương từng cho biết, đa số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả là kháng sinh và thường là những loại kháng sinh đắt tiền. Thuốc điều trị ung thư cũng thường được nhắm đến vì chúng mang lại lợi nhuận lớn và vì đánh vào tâm lý tìm sự cứu cánh trong nỗi tuyệt vọng của người bệnh.
Có loại thuốc giả được sản xuất trong nước, nhưng phần lớn được nhập từ nước ngoài. Có doanh nghiệp còn nhập lượng lớn thuốc trị ung thư giả để phân phối cho các bệnh viện như trường hợp của Công ty VN Pharma cách đây chưa lâu. Các loại sản phẩm này có thể thâm nhập vào từng gia đình, thậm chí cả bệnh viện, gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe, tài chính và đe dọa tính mạng không ít người dân.
Vì sao các loại sản phẩm này dễ dàng xuất hiện trên thị trường đến vậy? Theo các nhà phân tích, sự bùng nổ của mạng Internet là môi trường thuận lợi để đưa sản phẩm thuốc giả đến tận tay người bệnh. Rất nhiều trang web công khai bán thuốc không được chấp thuận, thuốc giả cũng như bán thuốc kê đơn mà không yêu cầu kê đơn hợp lệ. Kẽ hở pháp lý cũng được tận dụng triệt để, nhất là thông lệ chỉ lấy mẫu kiểm tra trước khi thuốc lưu hành đối với các loại thuốc có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt về chất lượng.
Trong khi đó, các quy định cũng như việc kiểm soát trong các hệ thống bán lẻ thuốc trong nước còn lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp. Thuốc phải đi qua nhiều tầng nấc trung gian khiến chi phí phân phối bị tăng lên, đồng thời khó truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thông tin về người mua thuốc, hóa đơn chứng từ trong mua bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ gần như không được quan tâm. Ai cũng có thể ra nhà thuốc để mua các loại thuốc một cách dễ dàng, kể cả loại bắt buộc phải kê toa.
Cùng với việc dễ dãi trong quản lý, giám sát là sự dễ dãi của chính những người sử dụng thuốc. Không ít người sẵn sàng đưa vào cơ thể mình và người thân các loại thuốc hay sản phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng và không theo bất kỳ chỉ định nào của giới chuyên môn. Sự dễ dãi đó chính là cách đẩy mạng sống của mình và mọi người đến nguy kịch một cách nhanh nhất.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/danh-cuoc-post1471912.tpo