Đánh cược sinh mệnh vì miếng cơm manh áoTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, Afghanistan trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Thợ mỏ ở Chinarak chất than lên lưng lừa để vận chuyển tới xe tải. Ảnh: The New York Times
Trong bối cảnh đó, nhiều người buộc phải “bán mạng” tại các mỏ than nổi tiếng nguy hiểm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Theo The New York Times, số lao động tới mỏ Chinarak, nằm ở tỉnh Baghlan, miền bắc nước này, đã tăng gấp 3 lần so với trước khi Taliban tiếp quản. Nhiều người trong số họ là cựu quân nhân, cảnh sát, nhân viên tổ chức phi chính phủ, chủ cửa hàng…
Thậm chí, nhiều thợ mỏ tại đây chỉ ở độ tuổi thiếu niên. Taliban đã quốc hữu hóa ngành khai thác mỏ. Một quản lý cho biết mỏ Chinarak đem lại khoảng 30.000USD tiền thuế mỗi ngày, nguồn thu đáng kể trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang thiếu tiền mặt trầm trọng.
Tuy nhiên, điều kiện làm việc ở đây hết sức nghèo nàn, chủ yếu bằng sức lao động tay chân với cuốc, xẻng, gùi và chiếc đèn pha trên trán, trong những đường hầm chật hẹp với cấu trúc kém an toàn. Các thợ mỏ đã kiến nghị với chính quyền về việc bổ sung các trang thiết bị an toàn lao động và thanh chống lò, song không nhận được phản hồi.
Thống kê cho hay, khoảng 200 người đã thiệt mạng tại mỏ Chinarak kể từ khi nó được phát hiện cách đây 50 năm. Tuy nhiên, nơi này đang trở nên chết chóc hơn khi ngày càng nhiều thợ mỏ thiếu kinh nghiệm đổ về. Công việc nguy hiểm là thế nhưng cũng chỉ giúp họ kiếm được vài USD mỗi ngày. Mới đây, một vụ sập hầm đã chôn vùi hơn 20 thợ mỏ bên dưới. “Dù biết có thể mất mạng bất cứ lúc nào nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải lo cho 6 đứa con ở nhà”, Taza, từng là cảnh sát dưới thời chính quyền cũ, chia sẻ.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/491220-danh-cuoc-sinh-menh-vi-mieng-com-manh-ao.html