Dành 'đất' cho điều lành

Cách đây vài hôm, tôi được người bạn chia sẻ đoạn video ngắn, khoảng gần 5 phút, kể lại câu chuyện ấm lòng giữa một du khách và cô gái nghèo vùng núi biên viễn. Dù đã được người bạn dặn dò trước khi xem rằng 'đây là một video được dàn dựng' nhưng tôi vẫn không thể kiềm chế được sự xúc động khi xem hết nội dung này.

Câu chuyện nhẹ nhàng, được ghi hình theo lối tự nhiên nhất, đơn giản nhất, đời thường nhất với công cụ chỉ là chiếc điện thoại thông minh thôi nhưng thực sự đã chạm vào khát vọng muốn được sống nhân văn ẩn sâu trong mỗi con người. Sau đó, đã có một cuộc trao đổi ngắn giữa tôi với người bạn kia về “dòng” video dạng này trên mạng xã hội và kéo theo đó là những câu hỏi dành cho không khí mạng xã hội ở Việt Nam hôm nay.

Video kể trên được thực hiện bởi một nhóm sản xuất nội dung video Trung Quốc. Chúng theo dạng dàn dựng những câu chuyện theo kịch bản và được kể lại giống như câu chuyện có thật. Nhiều người cũng tưởng rằng chúng là chuyện có thật và điều đó càng làm cho những nội dung kiểu đó hiệu quả hơn.

Hiện nay, trên môi trường mạng xã hội ở Trung Quốc đang thịnh hành những video mang tính nhân văn, tạo ra cảm xúc tích cực hoặc giới thiệu chi tiết các kỹ nghệ thủ công dân gian tinh xảo, điêu luyện và đặc sắc đậm tính bản địa. Được biết, những video này có thể tự phát ban đầu nhưng về sau này, chúng được khuyến khích bởi các tổ chức cả nhà nước lẫn tư nhân. Đơn giản, chúng làm cho người dùng mạng xã hội tin vào một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp hơn hoặc giới thiệu được bản sắc địa phương một cách hấp dẫn hơn.

Thực tế, xu hướng làm các nội dung video tích cực để thu hút cộng đồng thông qua các câu chuyện được dàn dựng đã có từ lâu, từ khoảng thời gian mà TikTok chưa ra đời và Facebook còn chưa phát triển thành một nền tảng xem video trực tuyến. Thái Lan là một trong những quốc gia đi đầu khu vực trong việc sản xuất những nội dung tích cực, có tính giáo dục một cách tinh tế từ hơn 10 năm trước, với nền tảng phát hành chủ đạo là YouTube. Chính làn sóng ấy mới là đối trọng quan trọng nhất và bền bỉ nhất trong việc chống lại làn sóng video nội dung nhảm nhí, thậm chí là độc hại.

Cho tới hôm nay, không chỉ Trung Quốc, Thái Lan nói riêng mà còn nhiều quốc gia khác đã có những hành động, thậm chí là chính sách để khuyến khích các nội dung tích cực được sản xuất và lan truyền trên mạng xã hội. Trở lại với Việt Nam, chúng ta nhiều năm qua đã lên tiếng không ngừng nghỉ về vấn nạn video độc hại trên mạng xã hội. Nhiều phê phán đã được đưa ra, cả trên truyền thông chính thống lẫn phi chính thống. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất nội dung vi phạm còn bị xử phạt, chế tài. Song, bên cạnh việc phê phán, bài trừ, dường như chúng ta chưa có đủ những khuyến khích để mảng đối lập với chúng, tức là các nội dung tích cực, có đất phát triển và lọt vào các “top” xu hướng theo dõi của người dùng.

Vậy thì nên chăng, đã đến lúc cần khuyến khích, tạo đất sống cho các nội dung tích cực? Nhiệm vụ này không chỉ nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước đơn thuần. Sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn cử như đặt hàng để lồng ghép tế nhị hình ảnh sản phẩm chẳng hạn, cũng là động lực rất lớn để các nhà sáng tạo nội dung có được sự vững tâm cho công việc khó khăn và bền bỉ này. Thậm chí, bản thân các địa phương cũng rất cần quảng bá, giới thiệu mình và sự tham gia tài trợ của họ cho dòng nội dung tích cực này là hoàn toàn khả thi với mục tiêu nhiều bên cùng có lợi.

Tất cả chỉ là chưa có một định hướng lâu dài và xuyên suốt mà thôi. Có lẽ, vai trò của nội dung lành mạnh chưa được xem là quan trọng trong cuộc chiến với nội dung bẩn nên do đó, nội dung sạch vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Thế mới nói, cần phải tạo “đất” sống cho những điều tích cực và công việc đó không bao giờ là muộn cả.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/danh-dat-cho-dieu-lanh-i747306/