Đánh dấu bằng biệt danh
Một buổi chiều nắng xiên xiên và nóng đến bẳn gắt đủ để khiến con người ta cảm thấy chán nản tất thảy đã xúi giục tôi xếp xó lại đống công việc còn dang dở đó để lội facebook cho đỡ đi cái sự ngán ngẩm.
Cũng chẳng có gì mới trên cái dòng “newsfeed” ngoài những tranh cãi mới bùng lên xoay quanh ba cái chuyện xã hội nhố nhăng, những chuyện chắc chắn sẽ bị lãng quên cái xoẹt chỉ trong dăm ba ngày tới.
Và chỉ đến khi một status quảng cáo, được gắn cái chữ nho nhỏ của facebook là “sponsor”, chợt hiện lên mới khiến tôi dừng lại được một chốc lát. Đó là một quảng cáo của một tài khoản có cái tên khá ngộ nghĩnh khi gắn thêm hai chữ “hoa quả” hay “trái cây” gì đó đằng sau một cái tên nữ tính. Ở đó, cô chủ hàng rao bán đủ thứ và thứ giữ chân tôi lại chính là “pate cột đèn”. Không ngờ, giữa thời đại thông tin tràn ngập mà con người ta vốn dĩ định kiến với quảng cáo này, một cái status quảng cáo lại có sức hút với tôi hơn hẳn những status thời sự.
Tôi vốn thích pate, nếu không nói là mê mệt. Từng thử qua đủ loại pate, kể cả pate gan ngỗng trứ danh từ Pháp, tôi vẫn không thể nào chấm điểm cho loại pate nào ngon hơn “pate cột đèn” đến từ Hải Phòng. Tất nhiên, đó là cảm nhận vô cùng cá nhân mà chắc chắn sẽ bị không ít những người sành sỏi bĩu môi dè bỉu, nhất là khi tôi lại còn đặt pate gan ngỗng lên bàn so sánh. Song, có lẽ, như tôi từng viết, ăn là ăn chính cái nỗi nhớ, ăn chính cái ký ức của mình.
Tôi vẫn luôn nhớ Hải Phòng, thành phố mà thuở mới tốt nghiệp đại học, tôi xuống công tác gần như hàng tuần, làm việc dưới cảng và làm việc với cả khách hàng ở xi măng. Cái thành phố nhỏ nhắn nhưng phóng khoáng bậc nhất miền Bắc ấy có sức hút mãnh liệt đối với tôi, với những đêm mùa đông lang thang trong thành phố, với một người con gái bé nhỏ, và dừng chân ăn bánh mì pate cột đèn cay cay.
Nhớ là thèm, thèm là phải ăn ngay, tôi liền đặt thử một hộp “pate cột đèn” của cô chủ hàng “hoa quả, trái cây” gì đó. Tôi muốn thử xem cái quảng cáo “chính gốc” ấy của cô có đúng hay không. Cũng đã lâu rồi, dễ cũng phải đến dăm năm, tôi không được nếm vị pate cột đèn ấy. Kể từ hồi ông anh người Hải Phòng đi định cư ở nước ngoài, đã không còn những chuyến hồ hởi nửa đêm anh cất tiếng gọi “Ghé Lý Tự Trọng làm vài ly, anh mới vào có mang ít bánh cuốn với pate Hải Phòng”.
Sau pate cột đèn, có lẽ chỉ có pate của hàng bánh mì T.T ở Hàng Cót, Hà Nội là thuyết phục được tôi. Miếng pate thơm lựng, bùi bùi, béo béo kiểu ấy không thể kiếm đâu ra, nhất là ở thành phố phương Nam này. Cũng từng thử pate trừu của một nhà hàng quận 1. Ngon đấy, nhưng là so với hiện tại của đô thị sầm uất này thôi. Còn so với ký ức, với pate Hàng Cót hay đặc biệt là pate cột đèn thì xách dép.
Nhoáng một cái, cậu giao hàng đã gọi inh ỏi. Hộp pate vuông vức được chuyền tay. Tôi hâm lại nồi cơm cũ để thử chút pate với cơm cho bữa xế. Vẫn thích nhất là pate chiên khẽ rồi ăn với bánh mì hoặc miếng pate đặt trên bát xôi nóng cho nó tan chảy dần ra theo từng hạt nếp nhưng đành dùng cơm nguội hâm lại khi đang không sẵn thức ăn mà lại trong cơn lười thế này. Và rồi khi bát cơn mới được làm nóng hổi được trộn lên với những miếng pate mới vừa mềm ra vì nhiệt của cơm, tôi đã ngửi thấy cái hương vị từ nỗi nhớ. Đúng là Hải Phòng rồi, đúng cột đèn rồi, không chệch đi đâu được nữa. Vậy là kể từ bây giờ, tôi đã có thể được hưởng lại thứ pate “thần thánh” của lòng mình thường xuyên rồi. Cảm ơn thời đại tốc độ, cảm ơn mạng xã hội và cảm ơn cô chủ hàng có cái bí danh “hoa quả trái cây”.
Khi dư vị ngon ngọt của pate cột đèn chưa tan, tôi mông lung nhớ về cái hàng bánh mì ở góc đường Tô Hiệu - Chùa Hàng, thành phố Cảng ấy. Ừ nhỉ, đi lâu rồi quên, nhưng hình như cũng không ai gọi tên cái hàng bánh mì ấy theo tên người chủ mà chỉ đơn thuần gọi theo cái “dấu mốc” là cây cột đèn góc phố. Cây cột đèn như ngàn vạn cây cột đèn, bình dị, đơn sơ. Ấy vậy mà cái cây cột đèn bình dị, đơn sơ ấy đã bỗng dưng trở nên một thương hiệu không chỉ lan đi cả nước mà có khi còn ra cả nước ngoài. Người Hải Phòng đi lập nghiệp ở xứ người cũng nhiều. Người yêu bánh mì pate cột đèn đi lập nghiệp ở năm châu bốn bể cũng nhiều. Chắc hẳn có không ít người trong số họ cũng như tôi, luôn vọng về cái cột đèn đơn sơ ấy, nhớ mùi vị pate ấy.
Từ cái tên pate cột đèn, tôi sững nghĩ về rất nhiều “biệt danh thương hiệu khác”. Hóa ra, người Việt chúng ta hay có thói quen đánh dấu một quán hàng quen bằng đặc điểm địa lý mà nó đóng đô hơn là ghi nhớ bằng chính cái tên chính thức của nó. Tôi nhớ, cái quán ở Lý Tự Trọng xưa kia tôi hay ngồi. Nó có tên đàng hoàng, nhưng mọi người đều gọi tên nó bằng số nhà, số 99. “Ghé 99 đi”; “Có ở 99 không?”, “Mình ra 99 nhé” là những câu nói quá quen của khách thân thương với quán. Nó cũng giống y như cái quán có tên nhưng lại bị gọi bằng số ở Võ Văn Tần ngày nào. Quán dời từ số nhà 121 lên số nhà 138 đến bao nhiêu năm rồi mà khách nhậu vẫn cứ gọi tên nó là 121 như ngày nào. Giờ quán đóng cửa rồi, cái quán khác được thế vào đó, có tên thương hiệu nổi tiếng luôn. Ấy vậy mà người ta vẫn quen miệng gọi quán mới là 138.
Gọi tên hàng quán theo số nhà là thói quen dễ gặp nhất, đặc biệt là ở miền Nam. Nhưng ngoài ra, người Việt còn gọi tên bằng các định danh địa điểm khác nữa, như phở Gầm Cầu ở Hà Nội chẳng hạn. Cách gọi ấy thực ra là rất khoa học. Nó không chỉ định “biệt danh” cho một thương hiệu mà còn xác định rõ địa điểm để khi hẹn hò bạn bè thì họ không đi lạc đường, sai quán. Ấy nhưng nhiều khi cũng lắm chuyện dở khóc dở cười chỉ vì việc định biệt danh bằng địa lý lại được thống nhất luôn với định danh thương hiệu cho tiện. Như cái quán lẩu dê xưa đặt ở phố Kỳ Đồng chẳng hạn. Lấy luôn tên là Kỳ Đồng quán. Rồi dời qua dăm bảy địa điểm, nó vẫn giữ cái tên ấy đến độ lắm người nhầm cứ phi xuống phố Kỳ Đồng mà kiếm trong khi nó lại đang chễm chệ ở ngay quận Nhất.
Những cái tên như phở Hàng Đồng, phở Gầm Cầu, bánh giò cột điện, pate cột đèn vân vân và vân vân kia chỉ là biệt danh mà chính người tiêu dùng gọi mãi thành quen. Song, những biệt danh ấy có thể trở thành thương hiệu, thậm chí là rất mạnh.
Chỉ có điều, cái thương hiệu ấy có được chăm sóc để phát triển thành một cái gì đó lớn lao hơn hay không mà thôi. Câu chuyện của chuỗi phở Thìn ở TP Hồ Chí Minh và câu chuyện của những pate cột đèn khác nhau lắm lắm. Xuất phát điểm chúng đâu khác gì nhau, đâu thua kém gì nhau về sự nổi tiếng đâu nào.
Nhưng bàn tay nào đụng vào để biến thành vàng lại là câu chuyện khác. Cứ để nguyên đấy, giữ cái bản thể bình dị và cổ điển cũng có nhiều cái hay nhưng có khi nào cũng là sự lãng phí đối với món quà tặng tuyệt vời mà người tiêu dùng đã dành cho mình: một đánh dấu bằng biệt danh lẫy lừng như một thương hiệu???
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/danh-dau-bang-biet-danh-i664618/