Danh dự không thể đánh đổi
Người xưa đã đúc kết: 'Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng', hay 'Danh dự như một que diêm, cháy một lần là hết'. Sau tất cả, danh dự là điều duy nhất còn lại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: 'Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất'.
Nhìn những gì đã qua trong năm Quý Mão 2023, có lẽ nhiều người cùng đồng cảm, đó là tiếp tục vững tin vào quyết tâm, nỗ lực và sự kiên trì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh thêm một bước, không chỉ ở việc xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc, mà còn ở việc hoàn thiện thể chế hướng tới “3 không”: Không thể - không dám - không muốn tham nhũng. Nhiều “đại án” được đưa ra xét xử, nhiều vụ việc thuộc “vùng khó” đã được khởi tố, điều tra; nhiều quy định mới rất chi tiết nhằm đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian vừa qua có thể được xem là một giai đoạn mang tính “lịch sử” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhưng mặt khác, chúng ta cũng cảm thấy xót xa về sự sa ngã, suy thoái, “nhúng chàm” của không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Thông tin tại Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong năm 2023 đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; thi hành kỷ luật 24.162 đảng viên (tăng 12% so với năm 2022). Với nhiều mức độ vi phạm khác nhau, những người này không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân, mà cả sự nghiệp và đặc biệt danh tiếng, danh dự của nhiều cán bộ, đảng viên trong số họ cũng phút chốc tan tành. Đó thực sự là điều vô cùng tiếc nuối.
Ở các vụ án lớn vừa qua như Việt Á, “chuyến bay giải cứu”, Công ty AIC..., trong những lời cuối cùng trước tòa, nhiều bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối hận về hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của mình. Ngoài việc nộp lại tiền khắc phục hậu quả, không ít bị cáo đã đưa ra các bản thành tích, huân - huy chương để mong được sự khoan hồng của pháp luật. Hình ảnh đó cho thấy sự đánh đổi là quá lớn, quá đau xót. Đỉnh cao vinh dự và danh dự. Vực sâu của lỗi lầm, sa ngã. Cái giá phải trả cho những hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là cả một sự nghiệp của chính họ và nỗi ê chề trong con mắt người đời.
Ở đó cũng không hề có sự “hạ cánh an toàn”. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, tiếp tục một số cựu cán bộ lãnh đạo bị đưa ra ánh sáng do các sai phạm trong thời gian công tác của mình. Đó là những vết nhơ khó gột rửa. Đó là danh dự đã mất.
Suy cho cùng, không một ai có thể “thoát tội”, một khi tay đã “nhúng chàm”. Phán quyết của tòa án là một chuyện, điều dằn vặt hơn là sự đối diện của mỗi cá nhân trước “tòa án lương tâm”. “Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ...”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng liên hệ đầy xúc động về tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”. Danh dự và nhân cách là điều không thể “bán rẻ” hoặc đem đánh đổi. Chỉ có những vị “quan thanh liêm” mới để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.
Do vậy, một lần nữa có thể khẳng định công tác cán bộ thực sự là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, trong đó đạo đức cán bộ luôn được đề cao. Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng...”.
Với mục tiêu “vì nước, vì dân” như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng bản thân, không ngừng “tự soi, tự sửa”. Đối với những người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương lại càng cao hơn. Người có chức, có quyền nếu không vượt qua được chính mình, không giữ được danh dự, liêm sỉ thì không chỉ cá nhân đó mất hết, mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Biết trọng danh dự là yêu cầu trước hết và cũng là yêu cầu cuối cùng đối với cán bộ, đảng viên.
Liệu từng ấy bài học về đạo đức cán bộ từ các vụ án, vụ việc lớn gần đây có đủ sức cảnh tỉnh, răn đe? Cho dù thế nào, công tác kiểm tra, giám sát cũng cần được tăng cường và chú trọng hiệu quả thực chất để sớm ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kịp thời phát hiện các mầm mống của chủ nghĩa cá nhân trong bối cảnh nhiều cám dỗ bủa vây, tạo nên sức đề kháng giúp cán bộ, đảng viên giữ mình tốt hơn, đồng nghĩa với bảo vệ danh dự của mình tốt hơn.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/danh-du-khong-the-danh-doi-20240206233129385.htm