Đánh giá 20 năm thực hiện quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng

Chiều 10.7, Sở VHTT TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị

Qua 20 năm triển khai, công tác đặt, đổi tên đường không chỉ mang tính quản lý hành chính mà còn góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, các danh nhân và địa danh tiêu biểu của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Nghị định 91/2005/NĐ-CP đã quy định rõ thẩm quyền, nguyên tắc, tiêu chí, quy trình thực hiện, qua đó từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp, đảm bảo tính chính xác, trang trọng và phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

Từ năm 2005 đến nay, TP.HCM đã đặt tên cho 643 tuyến đường và công trình công cộng, đổi tên 3 tuyến đường, điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường. Các tên đường được lựa chọn dựa trên giá trị lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu…

PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, đánh giá thực trạng và nêu giải pháp đối với các tuyến đường trùng tên trên địa bàn TP.HCM

PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, đánh giá thực trạng và nêu giải pháp đối với các tuyến đường trùng tên trên địa bàn TP.HCM

Hiện TP.HCM đang quản lý “Ngân hàng tên đường và công trình công cộng” với 1.375 tên, trong đó đã sử dụng 620 tên để đặt tên đường, còn lại 755 tên chưa sử dụng.

Các tên này được phân loại đa dạng gồm danh nhân (trong nước và quốc tế), địa danh, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Giai đoạn 2013–2016, Sở VHTT TP.HCM phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển thực hiện đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”.

Mục tiêu nhằm xây dựng phương án khả thi cho việc đặt, đổi tên đường, phục vụ yêu cầu quản lý đô thị, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm, chia sẻ câu chuyện đặt tên đường phố hướng tới xây dựng TP.HCM là đô thị di sản

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm, chia sẻ câu chuyện đặt tên đường phố hướng tới xây dựng TP.HCM là đô thị di sản

Ngoài ra, công tác tuyên truyền ý nghĩa tên đường đến cộng đồng cũng được chú trọng. Năm 2020, Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) đã triển khai lắp đặt thí điểm bảng tra cứu thông tin tên đường thông qua mã QR, cung cấp thêm thông tin lịch sử, sự kiện liên quan đến tên gọi.

Việc triển khai mã QR đã được đánh giá hiệu quả, đang được xem xét nhân rộng tại nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Thành phố.

Song song đó, UBND các quận, huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ và tự hào hơn về ý nghĩa các tên đường, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử.

Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng hệ thống webgis để quản lý thông tin tên đường, phục vụ quy hoạch giao thông, quản lý đô thị và cung cấp dữ liệu cho người dân.

TS Trương Hoàng Trương, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói về thực tiễn triển khai Nghị định 91 và một số đề xuất

TS Trương Hoàng Trương, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói về thực tiễn triển khai Nghị định 91 và một số đề xuất

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị định 91/2005/NĐ-CP vẫn còn một số khó khăn, bất cập.

Theo đó, tiêu chí lựa chọn tên còn chung chung; điều kiện tuyến đường được xem xét đặt tên không còn phù hợp thực tiễn; chưa có quy định xử lý tình trạng trùng tên đường; tiêu chí xác định công trình công cộng có quy mô lớn, ý nghĩa quan trọng chưa cụ thể; quy trình lấy ý kiến đôi khi kéo dài; thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chưa rõ ràng…

Ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh, Nghị định 91 được xây dựng dựa trên mô hình chính quyền ba cấp, trong khi hiện nay các địa phương tổ chức theo mô hình hai cấp, điều này đang dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Nghị định trong 20 năm qua; phân tích tồn tại, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2005/NĐ-CP để phù hợp thực tiễn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị hiện nay.

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, chia sẻ thực trạng các tuyến đường trùng tên (sau sáp nhập) và đề xuất giải pháp

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, chia sẻ thực trạng các tuyến đường trùng tên (sau sáp nhập) và đề xuất giải pháp

“Trong khi chờ trung ương và cấp trên điều chỉnh Nghị định 91 theo đúng quy trình, chúng ta vẫn phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của một siêu đô thị mới TP.HCM với 168 phường, xã và đặc khu.

Do đó, cần có những giải pháp trước mắt, tạm thời cũng như giải pháp lâu dài để đáp ứng yêu cầu việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của thành phố”, ông Nhựt nhấn mạnh.

Theo Sở VHTT TP.HCM, những đóng góp, ý kiến tại hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để tham mưu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM (mới) trong thời gian tới.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/danh-gia-20-nam-thuc-hien-quy-che-dat-ten-doi-ten-duong-va-cong-trinh-cong-cong-151064.html