Không để ách tắc hồ sơ đất đai
TP HCM sẽ tái cấu trúc quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã trong tình hình mới
Đánh giá sau 1 tuần triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM cho biết bộ máy hành chính cấp xã của thành phố đang trong giai đoạn đầu thích nghi với mô hình mới. Dù vậy, lĩnh vực đất đai - một trong những khâu nhạy cảm và phức tạp nhất - bước đầu vẫn duy trì ổn định, không xảy ra gián đoạn khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Đồng bộ dữ liệu địa chính
Trước thời điểm chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (ngày 1-7), Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM đã chủ động chuẩn bị từ sớm. Dữ liệu địa chính của 2 địa phương cũ là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được chuyển vào hệ thống phần mềm chuyên ngành VBDLIS - nền tảng quản lý dữ liệu địa chính thống nhất của toàn thành phố.
Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan phân tách, quy đổi số tờ bản đồ địa chính theo ranh giới hành chính mới của 168 phường, xã, đặc khu. Thành phố cũng thành lập các tổ hỗ trợ trực tuyến cho toàn bộ địa phương này tiếp nhận hồ sơ đất đai qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng bộ dữ liệu vào hệ thống VBDLIS, xử lý các nghiệp vụ đất đai, liên thông thuế điện tử, tạo mã QR và in giấy chứng nhận theo đúng quy định.
Để không xảy ra chồng chéo, gián đoạn hoặc bỏ sót nhiệm vụ sau sáp nhập, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến; ban hành các văn bản hướng dẫn thao tác thực hiện thủ tục hành chính đất đai theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giúp cán bộ tại phường, xã nhanh chóng nắm bắt và triển khai.

Người dân làm thủ tục đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH
Theo thống kê, chỉ sau 1 tuần triển khai mô hình mới, các đơn vị cấp xã đã tiếp nhận 278 hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM tiếp nhận và trả kết quả với 11.304 hồ sơ, trong đó có 675 hồ sơ trực tuyến và 4 hồ sơ phi địa giới hành chính.
Ông N.V.T (ngụ TP HCM) cho biết cách đây 2 ngày, ông đã đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất có địa chỉ tại phường Long Phước. "Cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của chi nhánh đã nhận hồ sơ, gửi giấy hẹn nhận kết quả sau 10 ngày làm việc theo quy định. Dù người dân đến làm thủ tục đông nhưng tôi rất hài lòng với cách hướng dẫn rõ ràng, tận tình của cán bộ ở đây" - ông bày tỏ.
Tái cấu trúc quy trình
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM, đánh giá cán bộ cấp xã đã bước đầu biết khai thác hệ thống dữ liệu địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai, xử lý hồ sơ trên phần mềm, liên thông thuế điện tử… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một vài khó khăn do một số cán bộ tại các xã, phường chưa quen phần mềm VBDLIS, chưa nắm rõ quy trình liên thông thuế điện tử hay còn lúng túng trong thao tác.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại một số phường, xã còn hạn chế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thiếu thiết bị, đường truyền yếu ở một vài nơi khiến việc xử lý hồ sơ điện tử bị chậm. Việc người dân phải đi lại xa để nộp hồ sơ, trong khi thời gian giải quyết yêu cầu gấp cũng gây ra áp lực không nhỏ cho cán bộ địa phương.
Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã khẩn trương rà soát toàn bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cấp xã đã được UBND TP HCM phê duyệt. Song song đó, xây dựng lại và hoàn thiện quy trình nội bộ để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thủ tục được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên toàn thành phố.
Tài liệu hướng dẫn chi tiết quy trình tiếp nhận và giải quyết từng loại thủ tục hành chính đang được biên soạn, phát hành đến các địa phương để sử dụng đồng bộ. Lực lượng nhân sự tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã được cử đến 168 phường, xã để hướng dẫn nghiệp vụ xử lý hồ sơ. Nhóm công tác gồm Văn phòng Đăng ký đất đai, lãnh đạo phường, xã và cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương cũng được thành lập để kịp thời hướng dẫn khi có khó khăn, vướng mắc.
Công khai danh mục thủ tục hành chính
Mới đây, UBND TP HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND phường, xã, đặc khu công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại các bộ phận một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính.
Các sở, ngành khẩn trương rà soát, xác định sự phù hợp của quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND TP HCM phê duyệt. Đồng thời, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết đối với các thủ tục hành chính được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; điều chỉnh quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính nếu xác định không còn phù hợp.
Cần bố trí quầy tiếp nhận chuyên ngành
Trong buổi làm việc của ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - và đoàn công tác với lãnh đạo phường Phú Mỹ vào chiều 9-7, một trong những vấn đề được đề cập nhiều là giải pháp phục vụ người dân tốt hơn trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Nguyễn Đoàn Tiết Phương, Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Mỹ, cho biết chỉ sau hơn 1 tuần, Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường đã tiếp nhận 1.719 hồ sơ cho 368 thủ tục hành chính. Trong đó, hơn 1.400 hồ sơ liên quan bảo hiểm xã hội, công an, đất đai... không thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa phương.
Từ thực tế đó, lãnh đạo phường Phú Mỹ kiến nghị sớm bố trí các quầy chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Công an TP HCM ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường. Điều này giúp người dân cư trú tại địa phương thuận tiện giao dịch, giải quyết giấy tờ liên quan nhanh chóng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-ach-tac-ho-so-dat-dai-196250710195721759.htm