Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em

Từ ngày 20 - 21/9, Đoàn công tác Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế ) và các tổ chức: UNICEF, Y tế Thế giới (WHO), FHI 360/Dự án A&T (Alive & Thrive) đến kiểm tra, khảo sát và làm việc tại tỉnh để đánh giá nhanh ảnh hưởng của thiên tai (cơn bão số 3 Yagi) lên tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn xóm Thanh Sơn, xã Thanh Long (Hà Quảng).

Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn xóm Thanh Sơn, xã Thanh Long (Hà Quảng).

Đoàn công tác phối hợp Sở Y tế đến khảo sát, làm việc với UBND huyện Hà Quảng, UBND và Trạm Y tế xã Thanh Long để nắm bắt về tình hình thiên tai và công tác ứng phó tại địa phương; thu thập số liệu từ hệ thống báo cáo về các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng; trao đổi với trưởng thôn/xóm, cán bộ phụ nữ thôn, y tế thôn bản, thăm, phỏng vấn các hộ gia đình có phụ nữ mang thai và có trẻ dưới 5 tuổi; thảo luận nhóm tại cộng đồng về chăm sóc dinh dưỡng, tình trạng an ninh thực phẩm và các yếu tố liên quan; đánh giá những tác động, nhu cầu cần được hỗ trợ... Từ đó, có phương án hỗ trợ hiệu quả, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em sau thiên tai.

UBND huyện, xã đề nghị Viện Dinh dưỡng và các tổ chức hỗ trợ huyện về công tác y tế nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em: Đa vi chất cho phụ nữ mang thai; vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi và sản phẩm điều trị cho các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng; phương tiện, tài liệu phục vụ các hoạt động truyền thông tại cộng đồng; vật tư, dụng cụ đánh giá tình trạng dinh dưỡng và triển khai các can thiệp tại cộng đồng...

Qua báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn công tác với Sở Y tế và một số sở, ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) cho thấy: Do mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 7 - 10/9, xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng thấp; sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh gây ngập úng một số khu vực dân, cư của Thành phố và các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An; đặc biệt xảy ra sạt lở đất tại các xã Yên Lạc, Ca Thành (Nguyên Bình) đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết tốt tình huống không để xảy ra tình trạng thiếu đói. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão gây thiệt hại về cây lương thực, hoa màu, gia súc, gia cầm và lao động sản xuất của người dân tại một số xã bị ngập úng, nên tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trong các hộ gia đình sẽ diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là những hộ nghèo; ngoài ra, người dân có nhu cầu về giống, vốn sản xuất và sức lao động để tiến hành vệ sinh và cải tạo đồng ruộng, phục hồi sản xuất.

Đến thời điểm đánh giá, ngành Y tế và các ngành liên quan đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp đảm bảo công tác y tế sau lũ, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở y tế cơ bản không còn trạm y tế bị ngập và hoạt động trở lại bình thường; duy trì hoạt động tiêm chủng. Các dịch vụ về dinh dưỡng như cân trẻ, khám thai, tư vấn dinh dưỡng đã sẵn sàng trở lại, song có khó khăn về thực hành nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ tại địa phương, chất lượng bữa ăn của trẻ khó đầy đủ…

Qua công tác báo cáo, trao đổi và đánh giá, cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ không cao so với trung bình của khu vực miền núi; tuy nhiên, các ca suy dinh dưỡng cấp tính (GAM/SAM) được phát hiện là rất thấp (2,6%), thấp hơn số trung bình của cả nước (4,9%). Đoàn bày tỏ quan ngại về năng lực phát hiện và chẩn đoán các trường hợp suy dinh dưỡng cấp, đặc biệt là trẻ bị SDD cấp tính thể nặng (1% là trung bình quốc gia), phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của nhân viên y tế và công cụ thực hiện chẩn đoán; quan ngại về số liệu hệ thống y tế quản lý số lượng mẹ có thai có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.

Qua công tác đánh giá, Đoàn công tác khuyến nghị: Tỉnh cần tích cực bổ sung cho tất cả bà mẹ mang thai trên địa bàn tỉnh chưa được uống viên đa vi chất 1 liều liên tục 3 tháng/90 viên; tăng cường kiểm tra và nâng cao năng lực phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính năng, nhất là tại các huyện bị thiệt hại nặng nề do bão lũ để được điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cho các trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại 5 huyện được uống 1 liều A bổ sung trong tháng 9 - 10/2024 (trước thời điểm tổ chức chiến dịch uống Vitamin A vào tháng 12); tăng cường truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các bà mẹ và phụ nữ có thai trên địa bàn toàn tỉnh (IYCF), trong đó ưu tiên các huyện bị ảnh hưởng do cơn bão số 3; quan tâm cẫn hỗ trợ các dụng cụ chứa nước gia đình để thay thế các dụng cụ đã bị trôi, hỏng do ngập úng...

Đoàn công tác Viện Dinh dưỡng bàn giao cho tỉnh các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và viên đa vi chất cho phụ nữ có thai.

Đoàn công tác Viện Dinh dưỡng bàn giao cho tỉnh các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và viên đa vi chất cho phụ nữ có thai.

Hỗ trợ bước đầu, Đoàn công tác bàn giao một số sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có thai do Viện Dinh dưỡng phân bổ cấp cho vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 năm 2024, như: Viên đa vi chất hỗ trợ cho phụ nữ có thai, vitamin A cho trẻ em, chế phẩm điều trị ăn liền có hàm lượng protein cao, bổ sung vitamin, khoáng chất cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính...

T.L

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/danh-gia-anh-huong-cua-thien-tai-len-tinh-trang-dinh-duong-cua-phu-nu-co-thai-va-tre-em-3172298.html