'Đánh giá cán bộ, cứ đưa vào máy chấm điểm là không cãi được'

'Giờ cái gì cũng số hóa thì để đánh giá cán bộ công chức khách quan cũng phải số hóa thành các tiêu chí trên cơ sở vị trí việc làm. Đưa vào máy chấm điểm là ra kết quả, không cãi được, từ đó dễ sử dụng, điều chuyển, đề bạt', đại biểu nói.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 ngày 7/5 quy định công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

Kết quả đánh giá được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu nhằm sàng lọc và đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn phát biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Tiến Tuấn

Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn phát biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Tiến Tuấn

Thảo luận tổ về nội dung này, Đại biểu Trần Công Phần (đoàn Bình Dương) cho rằng luật sửa quy định liên quan vấn đề này là rất đúng. Bởi từ trước đến nay khó nhất là đánh giá cán bộ, vì mọi thứ khác đều trên cơ sở đánh giá, từ tuyển dụng, sử dụng, đề bạt…

“Hạn chế cảm tính, chủ quan trong đánh giá. Giờ cái gì cũng số hóa thì để đánh giá cán bộ khách quan cũng phải số hóa thành các tiêu chí trên cơ sở vị trí việc làm. Đưa vào máy chấm điểm là ra kết quả, không cãi được, từ đó dễ sử dụng, điều chuyển, đề bạt”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quy định khá cụ thể về đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.

“Đây là cách tiếp cận hiện đại của dự thảo Luật, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng như kiểu KPI của khu vực doanh nghiệp”, bà Yên nhấn mạnh.

Nữ đại biểu cũng phân tích, một khi hoạt động công vụ, thực hiện dịch vụ công được số hóa, cán bộ công chức chủ yếu làm việc trên máy tính, họp online, xử lý văn bản, thông tin … nên việc xác định thời gian làm việc thực tế, hiệu quả công việc bằng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu là không quá khó và thực tế là ở các nước tiên tiến hiện nay đang làm như vậy.

Việc quy định có các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ “thiếu công bằng”, so bì, ganh tỵ, “bè phái”, “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm, nhụt ý chí đấu tranh, dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận công chức thực sự có năng lực, tận tụy với công việc sẽ cảm thấy bất công khi không được đánh giá đúng mực, làm mất đi động lực phấn đấu, vươn lên.

Bên cạnh đó, bà Tạ Thị Yên cũng tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra là dự luật cần “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu” như Kết luận số 105 năm 2024 của Bộ Chính trị.

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo thiết kế các quy định để khắc phục tư duy “biên chế suốt đời”. Do đó thực hiện đánh giá cán bộ trên cơ sở vị trí việc làm kết sử dụng công nghệ thông tin; đồng thời trường hợp cần thiết áp dụng cơ chế hợp đồng chuyên gia – đây cũng là xu thế nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

“Các nước ít có biên chế cứng. Giờ ta quy định linh hoạt để tuyển dụng, quản ý, để không có biên chế suốt đời. Việc đánh giá cán bộ đổi mới mạnh mẽ, dù đưa ra 4 mức nhưng cơ bản tới đây có nghị định dành riêng cho đánh giá cán bộ, sử dụng tối da công nghệ số, KPI là bắt buộc. Đầu vào, đầu trên cơ sở vị trí việc làm, cuối năm rõ bao nhiêu sản phẩm và lấy sản phẩm làm thước đo chứ không định tính chung chung”, nữ bộ trưởng phân tích.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/danh-gia-can-bo-cu-dua-vao-may-cham-diem-la-khong-cai-duoc-post1197756.vov