Đánh giá cao chính sách ngoại giao tích cực của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống ngành ngoại giao Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng Cộng sản Pháp (PCF), ông Denis Rondepierre nhận định Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao rất tích cực và xây dựng.
Theo ông, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã mở đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ASEAN, giữ vai trò quan trọng trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển và xây dựng các chính sách của Hiệp hội, như Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng chung ASEAN (2009-2015), Tầm nhìn ASEAN năm 2020, cũng như tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025. Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam ưu tiên các nỗ lực chống đại dịch Covid-19 trong chương trình nghị sự với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", hai yếu tố cần thiết để đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch. Một thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN là việc ký kết Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gắn kết 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam phát huy tốt vai trò trên trường quốc tế khi đảm trách thành công các nhiệm vụ tại Liên hợp quốc (LHQ). Tháng 4/2021, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra chương trình nghị sự gồm nhiều diễn đàn công khai và cuộc họp kín về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an LHQ đã thảo luận và nhất trí về giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang, tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực.
Trong lĩnh vực hội nhập kinh tế, ông Denis Rondepierre nhấn mạnh, năm 2020 chứng kiến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Việt Nam là nước thứ hai ở Ðông Nam Á ký FTA với liên minh 27 nền kinh tế châu Âu. Theo ông, Pháp và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ song phương lên Ðối tác chiến lược và không ngừng củng cố, tăng cường hợp tác những năm qua. Nhiều công ty Pháp đã đến Việt Nam, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hai nước cũng tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chống biến đổi khí hậu, thách thức mà cả Pháp và Việt Nam đang phải đương đầu. Việt Nam mong muốn phát triển năng lượng tái tạo và coi đó là một phần của chính sách tăng trưởng xanh. Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam. Hai nước cũng hỗ trợ và phối hợp trong nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19... ■