Đánh giá cao vai trò tham mưu của công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 11/10, Đại hội công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 chính thức khai mạc với sự tham dự của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)Việt Nam; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cùng 369 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 175.000 đoàn viên công đoàn dự Đại hội.
Báo cáo tại Đại hội, bà Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV, công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tiếp tục tăng cao, năm 2022 lập dấu mốc mới đạt 40,3 nghìn tỉ. Với những hướng đi đột phá, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, là trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề mỗi năm đã giải quyết việc làm cho 15 nghìn lượt lao động. Số công nhân lao động không ngừng tăng lên.
Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc quản lý trực tiếp 1.256 công đoàn cơ sở với 164.819 đoàn viên, tăng 44.449 đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, 821 công đoàn cơ sở khối hành chính sự nghiệp với 33.354 đoàn viên và 435 công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh với 131.465 đoàn viên. Tiền lương, thu nhập của người lao động được cải thiện. Thu nhập của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp địa phương đạt bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Điều kiện, môi trường làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng được quan tâm, đảm bảo. Bên cạnh đó, hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được triển khai kịp thời, hiệu quả với nhiều cách làm mới, nhiều mô hình thiết thực.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang đánh giá cao vai trò tích cực của LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc trong việc tham mưu với Tỉnh ủy trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 có riêng một chỉ tiêu dành cho công nhân lao động “Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp trên 2 lần mức lương tối thiểu vùng”; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2026”. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để nâng cao đời sống công nhân lao động
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Khang gợi mở, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” phù hợp với đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện tốt vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Chủ động tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong công nhân, lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nâng cao hiệu quả các chương trình, mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên; phối hợp với các cơ quan chức năng có cơ chế chính sách nâng cao thu nhập, đời sống đoàn viên, người lao động phù hợp với tình hình mới.
“Để tinh thần đại hội sớm lan tỏa vào thực tiễn, hiện thực hóa trong phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc khóa 15 khẩn trương xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết với các nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các khâu đột phá. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc cụ thể hóa thành chương trình công tác phù hợp với từng ngành, nghề, địa phương, cơ sở, tránh bệnh hình thức, không hiệu quả”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.