Đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới
Nhất trí với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các ý kiến đều cho rằng, việc đánh giá bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đúng đắn, sát thực tế là rất quan trọng, vì trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những định hướng, giải pháp, nhiệm vụ phù hợp để phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Giai đoạn 2020-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh… Trong ảnh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: TTXVN.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ:
Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Tôi nhất trí và đánh giá cao dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, tôi cho rằng, phần đánh giá bối cảnh trong nước hoàn toàn đúng đắn, sát thực tế. Rõ ràng là, “Thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên…; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế”.
Với việc đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, dự thảo báo cáo đã đưa ra định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định rất rõ. Đó là “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của ngành Nông Nghiệp, đồng thời khắc phục, giải quyết thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển, nhất là do biến đổi khí hậu gây nên.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu:
Tin tưởng du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đánh giá rất sát bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 năm tới.
Theo đó, “Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thực quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới”.
Với bối cảnh tình hình thế giới như vậy, Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, mục tiêu phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ được thực hiện thành công, vì dự thảo báo cáo đã chỉ rõ các giải pháp chủ yếu rất đúng và trúng. Đó là: Tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung quy hoạch và đầu tư để hình thành một số khu du lịch quốc gia tầm cỡ quốc tế. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch trong nước…
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội:
Đẩy mạnh phát triển công nghệ số để tạo đột phá
Nội dung dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được chuẩn bị kỹ càng, công phu, rất chắt lọc và đã khái quát các thành tựu, bài học kinh nghiệm, chỉ rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân... Trong phần dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều điểm mới.
Tôi nhất trí cao với nhận định rằng: "Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đi sau tăng tốc phát triển nhưng cũng có thể khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu".
Bởi vậy, tôi mong muốn cần có sự điều chỉnh rõ nét hơn nữa trong chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, chắc chắn sẽ tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ lẫn thách thức. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ “thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội; thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, dây chuyền sản xuất...)…”, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển công nghệ số để tạo đột phá.