Đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng việc luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội

Sáng nay, 5.6, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định. Vì vậy, việc luật hóa quy định của Nghị quyết này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng.

Tăng cường tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng

Theo Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực sau ngày 31.12.2023.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm, rủi ro và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ cũng như tăng cường vai trò của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác trong quá trình quản lý nhà nước, điều tiết thị trường ngân hàng, thị trường tài chính... để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính (theo chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước của các cơ quan này) để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả hơn để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Trong lần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật gồm 13 Chương, 195 Điều, trong đó giữ nguyên 48 Điều, sửa đổi, bổ sung 144 Điều và bổ sung mới 10 Điều.

Tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với các luật có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan, nhất là các luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm này, hạn chế tối đa mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện quy định của Luật sau này; rà soát các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để bảo đảm sự tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Về quy trình trong dự thảo Luật liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh lưu ý, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.

Đối với quy định về nợ xấu, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu để áp dụng cơ chế xử lý phù hợp, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu của khoản vay không đúng quy định.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/danh-gia-ky-luong-than-trong-viec-luat-hoa-nghi-quyet-42-cua-quoc-hoi-i330896/