Đánh giá kỹ tác động việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ nhưng đề nghị đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với ngân sách nhà nước.

Quang cảnh Phiên họp sáng 17/8/2023.

Quang cảnh Phiên họp sáng 17/8/2023.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng 17/8/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lưu ý, Chính phủ cần có những đổi mới căn bản để xử lý các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, cùng với đó, phân tích cụ thể tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Đáng chú ý, dự án Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội và dự kiến tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không? Nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Cũng nêu ý kiến tại Phiên họp về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo Chủ tịch Quốc hội, số tiền trợ cấp hưu trí xã hội nên để Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể; còn tuổi thì quy định ngay trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, có thể tính đến lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ngay trong dự thảo Luật hay không?

Tại Phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), song đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục và đồng thuận cao.

Nhấn mạnh bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, về cơ bản, dự án Luật đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng, đặc biệt là bám sát vào Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bảo Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/danh-gia-ky-tac-dong-viec-bo-sung-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-doi-voi-ngan-sach-nha-nuoc.html