Đánh giá lại GDP, còn tổn thất môi trường thì sao?Đánh giá lại GDP, còn tổn thất môi trường thì sao?

Tuần qua, kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 đã được Tổng cục Thống kê công bố với mức tăng bình quân 25,4%/năm, tương ứng tăng hơn 935.000 tỉ đồng mỗi năm. Theo cơ quan này, việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm nhận định đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế cũng như hiệu quả của các chính sách kinh tế.

Kết quả này còn được dùng để xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025.

Buổi sáng ngày 14-12, ứng dụng AirVisual đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí AQI là 359. Trong cả tuần trước đó, chỉ số AQI tại Hà Nội liên tục được ghi nhận ở mức trên 200. Chỉ số AQI từ 201-300 thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.

Những biến đổi tiêu cực của môi trường như tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói trên chưa bao giờ được phản ánh vào các chỉ số tăng trưởng. Dĩ nhiên, GDP chỉ xác định tổng giá trị tăng thêm mà nội bộ một nền kinh tế có thể sản xuất ra trong thời gian một năm, nó không đo lường các tác động lên môi trường, xã hội mà các hoạt động kinh tế mang lại.

Tuy nhiên, hai con số ấn tượng ở cả quy mô GDP và ô nhiễm không khí xuất hiện gần như đồng thời lại cho thấy tình trạng đáng báo động về tác động của phát triển kinh tế quá nóng mang lại. Và trong khi quy mô GDP được đánh giá lại để xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn tới thì quy mô “mất mát” của môi trường vẫn chưa từng được nhìn lại hay nằm trong tính toán của các kế hoạch tăng trưởng.

Năm 2010, GDP xanh lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Năm 2011, chỉ số này được xác định trong Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT về quy định giải thích nội dung, phương pháp tính các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Theo đó, GDP xanh được xác định là phần còn lại của GDP sau khi đã trừ các chi phí do khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Nhưng từ đó đến nay, GDP xanh vẫn nằm “chết yểu” ở các văn bản nói trên.

Tại Ấn Độ, một nghiên cứu cho thấy chi phí cho môi trường làm giảm đến 9,5% GDP một năm. Tổn thất do suy thoái tài nguyên cũng chiếm tới 10% GDP ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, những con sông đang chết dần, những thành phố lớn đang bị phủ đen bởi không khí bẩn, hàng triệu cư dân đô thị khắp cả nước phải bì bõm trong biển nước mỗi khi mưa lớn... Không biết những mất mát này nếu được tính vào GDP xanh thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng thực chất bao nhiêu.

Thiết nghĩ những tổn thất về môi trường, xã hội phải được thống kê đầy đủ, phải được đặt bên cạnh các chỉ số tăng trưởng để thấy chúng ta đã bỏ ra chi phí bao nhiêu mới có được mức tăng 6-7% mỗi năm. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có GDP xanh cũng nên được xây dựng và sớm đưa vào áp dụng để có được chính sách phát triển bền vững hơn, để nền kinh tế tăng trưởng cả “xương” lẫn “thịt”, chứ không chỉ có “xương” (người dân chẳng được mấy lợi lộc do tăng trưởng) như hiện nay.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298359/danh-gia-lai-gdp-con-ton-that-moi-truong-thi-sao.html