Đánh giá mô hình thâm canh hàng hóa giống lạc L29 tại huyện Yên Mô
Sáng 20/5, Ban chủ nhiệm đề tài (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Mô tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá kết quả mô hình thâm canh hàng hóa giống lạc L29 tại xã Yên Lâm.

Các đại biểu tham quan cánh đồng lạc của HTX Bắc Yên, Yên Lâm (Yên Mô).
Dự hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Mô; đại biểu các tổ chức, đoàn thể xã Yên Lâm và các hộ nông dân tham gia dự án.
Qua tham quan, đánh giá diện tích trồng giống lạc L29 tại xứ đồng HTX Bắc Yên (xã Yên Lâm), kết quả bước đầu cho thấy, cây lạc phù hợp với đồng đất, sinh trưởng, phát triển tốt, thân cứng, ít sâu bệnh hại.
Với quy mô 10 ha trồng lạc L29 ở 80 hộ gia đình, từ khi xuống giống, chăm sóc đến khi thu hoạch là khoảng 120 ngày. Đến nay, lạc đông xuân sắp cho thu hoạch, củ lạc chắc, mẩy đều, nhân lạc to, hàm lượng dầu cao, dự kiến năng suất ước đạt 3,8 đến 4 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các giống lạc trước đây trồng trên cùng xứ đồng từ 0,3 - 0,5 tấn/ha.
Như vậy, hoạch toán sơ bộ, 1 ha trồng lạc giống L29 mang lại giá trị kinh tế ước đạt 110-115 triệu đồng/ha, trừ các khâu chi phí, ước lãi 90 triệu đồng/ha.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục phối hợp với địa phương theo dõi đánh giá về năng suất, sản lượng làm cơ sở tiếp tục nhân rộng các mô hình ra các xã lân cận. Từ đó thay thế những giống lạc cũ kém hiệu quả, nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất.
Từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2025, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống và thâm canh lạc L29 nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác tại tỉnh Ninh Bình”.